Lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển sinh bằng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Các giảng viên nhà trường đã tiết lộ nội dung đề thi và cách làm bài thi trong kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2021.
Đề thi đánh giá năng lực ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ yêu cầu gì?
Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng, Tổ trưởng tổ công tác xây dựng đề án tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt, nhiều thí sinh thắc mắc “đánh giá năng lực chuyên biệt” là năng lực gì? Ông Trung lý giải, năng lực chuyên biệt được hiểu là những khái niệm liên quan đến các năng lực vào lĩnh vực khoa học cụ thể. Đơn cử như năng lực trong Toán học là giải quyết vấn đề, hiểu bài toán, suy luận… Ngành Sư phạm Tiếng Anh trước đây thí sinh phải thi nhiều môn thì nay năng lực chuyên biệt cho thí sinh vào ngành này sẽ đánh giá ở 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. “Thí sinh cũng có thể hiểu đơn giản hơn bài thi năng lực chuyên biệt như bài thi năng khiếu cho ngành học đó”- ông Trung nói.
Về phương thức xét tuyển, ông Ngọc Trung lưu ý thêm đối với 1 ngành học chỉ đăng ký dự thi một bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt tương ứng với ngành học học này. Bài thi năng lực chuyên biệt chính là môn chính trong tổ hợp xét tuyển. Điểm bài thi môn chính nhân 2 giúp thí sinh có lợi thế nếu có năng lực phù hợp với ngành học. Điểm bài thi 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển sẽ là kết quả học tập THPT (điểm trung bình 6 học kỳ).
Một điều đặc biệt, đối với kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt là học sinh lớp 11 nếu có nhu cầu vẫn có thể đăng ký dự thi vì Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bảo lưu kết quả thi đánh giá năng lực trong 2 năm. Sang năm thí sinh có thể dự thi và sử dụng điểm nào tốt nhất để xét tuyển vào năm tốt nghiệp THPT.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lưu ý, tất cả thí sinh sẽ làm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt trên máy tính. Phạm vi kiến thức để đánh giá năng lực hoàn toàn phù hợp với thí sinh. Trong đó, 70-80% nội dung đề thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nằm kiến thức chương trình lớp 12 bậc THPT.
Các bài thi đánh giá năng lực môn tiếng Anh, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên cần lưu ý gì?
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa tiếng Anh, cho hay bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt môn Tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được thiết kế dựa trên định dạng đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Bài thi có 4 phần chính tương đương với 4 kỹ năng là Nghe, Nói, Đọc, Viết. Tổng thời gian làm bài là 180 phút. Cả 4 phần đều thi trên máy tính do đó thí sinh khi làm bài phải bấm lưu thường xuyên đề phòng có sự cố.
Ông Bình lưu ý, bài thi chuyên biệt môn tiếng Anh khá đặc biệt, thí sinh phải nắm rõ dạng thức thi, thực hiện và thực tập thường xuyên. Bên cạnh đó cần tập thi trên máy tính đối với kỹ năng nói và viết. Cụ thể như phần viết thì gõ trực tiếp trên bàn phím do đó cần theo dõi khung thời gian thường xuyên để phân bổ hợp lý. Phần thi nói các câu hỏi sẽ hiện trên màn hình, thí sinh trả lời qua headphone hệ thống sẽ tự động ghi âm lại trong khung thời gian quy định.
Trong khi đó ở môn Ngữ văn trong bài thi đánh giá năng lực, ông Phan Duy Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn, cho hay bài thi gồm 2 phần, trong đó phần trắc nghiệm gồm 20 câu hỏi. Nội dung của phần cầu hỏi trắc nghiệm là đánh giá năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Các nội dung đều nằm trong chương trình sách giáo khoa, trọng tâm lớp 12 và có phần nhỏ lớp 11. Phần thứ hai yêu cầu viết bài viết về Nghị luận xã hội. Đề thi sẽ ra theo định hướng mở. Dung lượng bài viết yêu cầu trong 600 từ. Thí sinh làm bài bằng cách đánh trực tiếp làm bài trên máy tính.
“Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt Ngữ văn sẽ có các câu hỏi đi từ các mức độ dễ, trung bình đến khó. Một số câu liên quan đến khía cạnh lý luận văn học nhưng là kiến thức có trong chương trình sách giáo khoa. Thí sinh lưu ý phần hai bài viết chứ không phải đoạn văn ngắn do vậy chú ý đề bài. Bài làm cần có luận điểm rõ ràng, tách đoạn phù hợp, hệ thống dẫn chứng, lý lẽ xác đáng. Thí sinh lưu ý kỹ năng đánh máy để làm bài văn trọn vẹn trên hệ thống máy tính.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó trưởng khoa Hóa học, cho hay mỗi bài thi Toán, Lý, Hoá sẽ có 50 câu hỏi. Trong đó 35 câu hỏi trắc nghiệm. Phần mới là 15 câu hỏi sau theo dạng thức trả lời ngắn, thí sinh cần dành nhiều thời gian hơn để tiến hành các bước như phân tích, trả lời, điền câu trả lời.
Ông Hưng đặc biệt lưu ý, 15 câu hỏi dạng thức trả lời ngắn thí sinh ghi dạng số, không ghi đơn vị (vì phần này đã nằm trong phần dẫn câu hỏi). Đối với môn Toán phần toạ độ phải ghi đúng như quy ước như trong sách giáo khoa. Các phần trả lời ngắn khác (các dạng số) phải quy về số thập phân (lấy 2 chữ số sau dấu phẩy) và chỉ làm tròn số ở phép tính cuối cùng.
Nguồn: vietnamnet