Trong một video công bố ngày 21-11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố ngay trong ngày nhậm chức 20-1-2017, ông sẽ công bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông cho biết thêm, chính quyền của ông dự định sẽ thiết lập “các hiệp định thương mại song phương khác công bằng hơn, để đưa việc làm trở lại nước Mỹ”. TPP được đàm phán từ tháng 3-2010, gồm 12 quốc gia: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam và ký kết ngày 4-2-2016.

Nếu TPP có hiệu lực, xuất khẩu điều của Việt Nam vào thị trường lớn nhất là Mỹ sẽ được hưởng lợi thế về thuế 0%, với điều kiện có truy xuất nguồn gốc nguyên liệu (hạt điều được trồng ở Việt Nam và chế biến theo tiêu chuẩn ISO, HACCP). Tuy nhiên, khi ông Trump tuyên bố rút khỏi TPP thì nông dân và doanh nghiệp điều Việt Nam cũng không lo. Bởi không có TPP thì người Mỹ vẫn ăn hạt điều Việt Nam. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới và chưa có đối thủ cạnh tranh (chiếm 50% thị phần toàn cầu). Trong năm 2016, hạt điều được người tiêu dùng Mỹ bình chọn xếp hạng sau hạnh nhân, trước mắc ca. Vì vậy, liên tiếp 10 năm qua, Việt Nam luôn đứng đầu trong các nước xuất khẩu hạt điều, chiếm tới 50% tổng sản lượng điều nhân toàn cầu. 10 tháng năm 2016, xuất khẩu điều nhân tiếp tục tăng mạnh, đạt 291.000 tấn, thu về 2,33 tỷ USD.

Tuy diện tích, sản lượng hạt điều của Việt Nam xếp sau Ấn Độ, Bờ Biển Ngà nhưng công nghiệp chế biến điều của Việt Nam chưa có đối thủ, kể cả Ấn Độ là quốc gia có sản lượng và bề dày lịch sử công nghiệp chế biến điều. Bí quyết của công nghiệp chế biến điều Việt Nam là nhờ trang bị máy móc, thiết bị được sáng chế và sản xuất trong nước, đủ dùng cho trên 1.000 nhà máy, cơ sở chế biến hạt điều. Nhờ thế mà giá thành chế biến điều của Việt Nam thấp hơn Ấn Độ (giảm được lao động phổ thông) nhưng chất lượng và mẫu mã theo yêu cầu của những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật… Hiện nay đã có đến 80 nước nhập khẩu hạt điều sơ chế của Việt Nam, nhiều nhất là Mỹ với 34%, châu Âu 25%, Trung Quốc 18% thị phần.

Nhờ trang thiết bị máy móc mà ngành điều đang bắt đầu chuyển qua giai đoạn thứ 2 là tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gấp nhiều lần, thay vì xuất khẩu điều thô hay sơ chế nhân. Hơn nữa, hạt điều Việt Nam có hương vị thơm ngon, béo nhất thế giới. Bên cạnh đó, thời kỳ “vàng thau lẫn lộn” gian lận thương mại doanh nghiệp trộn lẫn hạt điều Việt Nam với nguyên liệu nhập khẩu đã chấm dứt. Các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã và đang lấy lại uy tín trên thị trường thế giới. Như vậy, người trồng điều ở Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung yên tâm chọn cây điều, thâm canh chăm sóc để tăng lợi nhuận trên diện tích.

 Phương  Thảo

Từ khóa : Ấn ĐộBờ Biển NgàHiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

Các tin liên quan đến bài viết