Theo dân gian, ngày 5 tháng 5 âm lịch là tết Đoan ngọ hay còn gọi là tết “diệt sâu bọ”. Người Việt tin rằng trong ngày này, chúng ta có thể diệt được các loại sâu bọ ký sinh trong cơ thể bằng một số món ăn, nhất là bằng cơm rượu, trái cây… Ngày “diệt sâu bọ”, nhà nhà làm bánh trái, đồ xôi, nấu chè, bày hoa quả cúng tế để tẩy trừ “sâu bọ” có hại còn với mong muốn cây cối, mùa màng và đời sống nói chung tốt tươi…
Vào miền Nam sinh sống, tôi không còn được tận hưởng một ngày tết “diệt sâu bọ” đúng nghĩa. Không phải không lo được bánh trái mà quan trọng là không có thời gian và không khí để tận hưởng một ngày đặc biệt trong năm. Có lẽ vì thế mà tôi vẫn hay chọn dịp nghỉ phép trong năm là mùa hè. Để không chỉ đưa con về quê thăm ông bà ngoại… mà còn được tận hưởng tết Đoan ngọ ở quê!
Tết Đoan ngọ của gia đình, ngày tôi còn thơ ấu thường do mẹ “chủ công”. Việc đầu tiên là mẹ rửa nồi luộc lạc (đậu phộng), sau đó nướng bánh đa. Dù ngày thường, nếu chúng tôi muốn ăn mẹ sẽ đi mua ở nhà bà Viên trong xóm – người chuyên tráng bánh bỏ mối. Nhưng ngày tết Đoan ngọ thì dứt khoát bánh do mẹ đặt mua sống (chưa nướng) từ trước, bởi đó là những chiếc bánh đặt hàng vừa dày vừa dát vừng đặc kín.
Mâm cúng tết Đoan Ngọ luôn được chủ nhà chăm chút cẩn thận để bày tỏ tấm lòng thành tới ông bà, tổ tiên – Ảnh: T.L
Bố bao giờ cũng được mặc định nhiệm vụ quạt cho than đỏ rực trên chiếc thau nhôm cũ. Dù không phải nghề nhưng nhìn mẹ trở qua, trở về chiếc bánh thuần thục trên than hừng hực rất thích mắt. Chiếc bánh vàng ươm dần, thơm nức mùi vừng (mè) lôi cuốn để các con cứ phải lại gần bẻ một miếng: cho con nếm nhé!
Rồi mẹ lại quay ra vườn, hái những chùm vải thiều chín đỏ, căng mọng, tươi rói rửa sạch đặt lên bàn thờ. Mẹ bảo, cây trái đầu mùa phải cúng tổ tiên trước. Mẹ cũng không quên gọi đứa này, đứa kia phụ làm cơm để vừa quây quần lặt rau, bóc tỏi vừa huyên thuyên chuyện trò…
Thú vị nhất với chị em tôi trong ngày tết “diệt sâu bọ” vẫn là hũ cơm rượu. Vị ngọt thơm nồng nồng, giờ nghĩ tới vẫn còn tê đầu lưỡi… Cậu em út lần đầu thấy ngọt ham ăn nhiều nên khi cơm ngấm, bước đi cứ lâng châng như Chí Phèo… Ai nhìn cũng cười ngặt nghẽo…
Có những lần, tôi theo chân thím đi hái “lá mùng 5”. Ngoài lá chè xanh, lá vối thì thím dùng liềm cắt rất nhiều loại lá cây khác. Các loại lá kim ngân, đăng cay, hương nhu, kinh giới, tía tô, nhân trần, sài đất… được thím cắt tất tần tật. Thím giải thích, lá cắt trong ngày mùng 5, phơi khô để thay chè, rất tốt cho sức khỏe, trẻ em dùng tắm cũng hết rôm sảy.
Tôi cũng không thể quên chuyện “khảo” mít đúng tết Đoan ngọ của chú. Vào đúng 12 giờ trưa (chính ngọ), một người trèo lên cây còn một người cầm con dao đứng dưới gốc; màn “khảo” mít bắt đầu:
– Mít! Năm tới có ra nhiều quả không? – người dưới gốc cầm dao hỏi và khẽ đập nhẹ vào thân để “đánh thức” cây.
– Có ạ! – người trèo trên cây trả lời.
– Thật không? – người dưới gốc cây hỏi tiếp.
– Thật ạ! – người trên cây trả lời.
– Không thật thì sẽ chặt gốc nhé! – người dưới gốc cây dùng dao băm 3 nhát nhẹ vào gốc như lời nhắc nhở cây phải nhớ lời hứa.
– Vâng ạ! – người trên cây trả lời và từ từ tuột xuống.
Nghe cứ mơ hồ hư hư thực thực nhưng giờ nghĩ tới vẫn thấy buồn cười! Thời gian thấm thoát thoi đưa, tôi đã rời xa nơi nuôi dưỡng tuổi thơ ngọt ngào với bao kỷ niệm đẹp ấy ngót nghét cũng 20 năm có lẻ. Nhưng cứ gần đến ngày tết Đoan ngọ là lòng lại trào dâng nỗi nhớ quê. Nhớ những ngày tháng êm đềm gắn liền với kỷ niệm hồn nhiên, trong sáng…
Năm ngoái, cũng mang tâm trạng háo hức chờ đón tết Đoan ngọ nhưng sau đó, tôi phải hủy vé vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Năm nay, tết Đoan ngọ đúng vào lúc Covid-19 bùng trở lại lần thứ tư còn căng thẳng hơn. Tôi không dám nghĩ đến việc đặt vé máy bay như trước và vẫn thầm cầu mong dịch sớm qua nhanh. Biết sẽ không còn kịp về ăn tết “diệt sâu bọ” năm nay, nhưng biết đâu hết dịch sớm, tôi vẫn có thể về thưởng thức hương vị vải thiều mẹ dành ở trên cây. Chỉ nghĩ đến đó thôi, lòng lại nao nao, xốn xang muốn về lại nơi nuôi dưỡng tuổi thơ tôi ngọt ngào, ấm áp và tràn đầy tình yêu thương…
Theo Báo Bình Phước