Xem màn hình quá nhiều gây ra nhiều vấn đề ở trẻ em như khả năng phát triển ngôn ngữ kém, gặp khó khăn khi giao tiếp cộng đồng, thiếu ngủ, giảm chú ý…

Nghiện màn hình ‘tàn phá’ não trẻ như thế nào?

Vỏ não mỏng đi

Theo thống kê của Comon Sense Media, gần một nửa số trẻ em từ 8 tuổi trở xuống tại Mỹ có máy tính bảng riêng và dành trung bình 2,25 giờ mỗi ngày cho màn hình điện tử. Thời gian xem màn hình tác động tới trẻ em như thế nào?

Dữ liệu từ nghiên cứu năm 2018 của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ cho thấy trẻ dành hơn 2 tiếng mỗi ngày trước màn hình điện tử đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra tư duy, ngôn ngữ. Vỏ não – vùng não liên quan đến tư duy và phản biện – của trẻ sử dụng màn hình trên 7 tiếng mỗi ngày bị mỏng đi.

Theo Tiến sỹ Jennifer F. Cross, một chuyên gia hành vi và phát triển trẻ em tại bệnh viện Nhi Komansky, màn hình có thể ức chế một số khía cạnh phát triển của trẻ thông qua thu hẹp sự quan tâm và hạn chế các phương tiện khám phá, học hỏi.

Bà cho rằng nếu trẻ nhỏ dành quá nhiều thời gian với iPad, smartphone, tivi, rất khó để chúng tham gia vào các hoạt động khác như chơi đồ chơi, tìm hiểu tự nhiên hay giao tiếp với trẻ khác để tăng cường trí tưởng tượng, sự sáng tạo, kỹ năng xã hội. Chỉ tương tác với màn hình giống như một người chỉ tập cơ tay để có đôi tay khỏe mà quên đi toàn bộ cơ thể.

Chậm ngôn ngữ

Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, quá trình phát triển diễn ra rất nhanh. Trẻ nhỏ học từ môi trường xung quanh và quan sát người lớn, sau đó mô phỏng lại. Xem màn hình quá mức làm giảm năng lực quan sát và trải nghiệm hoạt động hàng ngày của trẻ, thứ mà chúng cần để tìm hiểu về thế giới, dẫn đến tầm nhìn hạn hẹp, gây bất lợi đến phát triển tổng thể.

Dễ bắt gặp cảnh trẻ đi dạo cùng cha mẹ hay ngồi trên xe đẩy và đôi tay chúng bận rộn với smartphone, máy tính bảng, không chú ý đến bất kỳ điều gì xung quanh. Chúng sẽ không biết được gì về bên ngoài nếu như chỉ dán mắt vào màn hình. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng học hỏi điều mới mà còn là cả cách chúng tương tác với người khác cũng như phát triển ngôn ngữ.

Các nghiên cứu chỉ ra những gì trẻ dưới 2 tuổi học được từ video sẽ không thể bằng học từ một người cụ thể. Dù trẻ có xem tivi từ 6 tháng tuổi, phải sau 2 tuổi chúng mới bắt đầu hiểu được nội dung. Chúng chỉ bị hấp dẫn bởi những thứ đang diễn ra trên màn hình, chứ không học được gì.

Ngôn ngữ phát triển nhanh chóng trong giai đoạn từ 1,5 tuổi đến 3 tuổi. Theo các nghiên cứu, trẻ học ngôn ngữ tốt nhất khi tham gia và tương tác với người lớn. Có một số bằng chứng về việc trẻ xem tivi nhiều ở những năm đầu tiểu học sẽ đạt điểm kém hơn trong các bài kiểm tra đọc và có thể có biểu hiện giảm chú ý.

Bàn sâu hơn về vấn đề này, theo Tiến sỹ Jennifer, giao tiếp tương hỗ với trẻ em đặc biệt quan trọng với phát triển ngôn ngữ và tương tác xã hội. Đó là các cuộc trò chuyện “có qua có lại”, thể hiện bằng nét mặt và phản ứng với người đối diện, thay vì chỉ lắng nghe thụ động hay tương tác một chiều với màn hình. Nó sẽ giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.

Trì hoãn giấc ngủ

Không chỉ tác động xấu tới giao tiếp, ngôn ngữ, nghiện màn hình còn ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Cụ thể, melatonin – hormone giấc ngủ – bắt đầu sản sinh khi mặt trời lặn.

Tuy nhiên, ánh sáng xanh từ màn hình ức chế melatonin, làm trì hoãn giấc ngủ. Khi xem tivi hoặc chơi trò chơi, não và cơ thể sẽ tỉnh táo hơn, lâu buồn ngủ hơn. Máy tính bảng và smartphone ngăn chặn melatonin nhiều hơn tivi vì chúng ở gần khuôn mặt hơn.

Theo một nghiên cứu, trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi tiếp xúc với màn hình vào buổi tối có giấc ngủ ban đêm ngắn hơn đáng kể so với những trẻ khác.

Do vậy, nên để màn hình bên ngoài phòng ngủ. Thiếu ngủ dẫn đến cản trở nhận thức trên trường và ảnh hưởng đến học tập. Thời gian dùng thiết bị và thiếu ngủ còn có liên quan đến béo phì, khiến trẻ tự ti, cô lập với xã hội và lại càng sử dụng màn hình nhiều hơn.

YouTube đặc biệt hại

Vấn đề với thiết bị di động là khi bị cuốn vào, rất khó để thoát ra và chúng ta sẽ lãng phí thời gian vào chúng. Với một người trưởng thành, chúng ta hiểu những nhược điểm của chúng và có thể bỏ chúng xuống. Song, với một đứa trẻ mới 2 hay 3 tuổi, được tiếp xúc với đồ điện tử khi mới lọt lòng, nó lại là chuyện quen thuộc và sẽ muốn dùng nhiều hơn.

Giữa các thiết bị điện tử, lại có sự chênh lệch về mức độ gây nghiện. Chẳng hạn, tivi “an toàn” hơn vì có thể điều khiển dễ dàng và chúng được đặt ở một vị trí cố định, trong khi smartphone, tablet nhỏ gọn, di động, dễ mang theo nên sử dụng được mọi lúc, mọi nơi.

YouTube đặc biệt có hại cho trẻ nhỏ. Nếu để trẻ tự do dùng thiết bị, chúng có thể xem hàng giờ liên tục do các video liên quan là vô tận và đều tự động phát. Trẻ xem mọi thứ, nếu may mắn sẽ xem được video có tính giáo dục, nếu không là video vô nghĩa, bạo lực. Trong trường hợp này, phụ huynh cần xem cùng trẻ và tìm ra nội dung phù hợp với độ tuổi của chúng.

Nhìn chung, nghiện màn hình gây ra nhiều vấn đề ở trẻ nhỏ như ngôn ngữ kém phát triển, giảm khả năng chú ý, béo phì, mất ngủ… Người lớn có trách nhiệm kiểm soát việc sử dụng thiết bị để các vấn đề không đi quá xa, ảnh hưởng tới quá trình lớn lên và trưởng thành của trẻ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bảo vệ trẻ emNghiện Màn Hình

Các tin liên quan đến bài viết