Đây là câu hỏi được dư luận đặt ra sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thanh tra Chính phủ có kết luận sai phạm của Khánh Hòa trong hàng chục dự án và nhiều lãnh đạo của tỉnh này bị khởi tố, bắt tạm giam.
Theo Ủy ban Kiểm tra trung ương, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt chủ trương 47 dự án vượt thẩm quyền, kiểm tra 23 dự án thì phát hiện đã ban hành 289 văn bản có nội dung vi phạm; Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa 2 nhiệm kỳ 2010 – 2015 và 2015 – 2020 không xem xét cho chủ trương 29 dự án theo thẩm quyền.
Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ cuối năm 2020 cũng kết luận cả 35 dự án bị thanh tra đều có sai phạm, chủ yếu là sai pháp luật về quản lý đất đai, đấu thầu, đấu giá, chuyển đổi đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác có sai sót gây thất thoát.
Rà soát, khắc phục từng dự án
Ông Nguyễn Tấn Tuân – chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – nói rằng thời gian qua tỉnh đã khẩn trương thực hiện các kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thanh tra Chính phủ để khắc phục những sai sót, khuyết điểm đã được chỉ ra.
“Bây giờ tỉnh rà soát từng dự án một, làm đúng quy định pháp luật, bám theo kết luận của Thanh tra Chính phủ mà thực hiện. Những dự án dù đã hoàn thành rồi nhưng kết luận có sai phạm thì bây giờ vẫn thẩm định giá lại, hủy tất cả các quyết định miễn giảm trái pháp luật, không đúng đối tượng” – ông Tuân nói.
Ông Tuân cũng cho biết vừa rồi tỉnh đã thu được hơn 60 tỉ đồng từ những dự án được miễn giảm tiền thuê đất không đúng và đang tiếp tục từng bước để đảm bảo rằng không thất thu ngân sách.
Đầu tháng 6-2021, Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) tỉnh Khánh Hòa thông báo cho các đơn vị tư vấn đăng ký tham gia thẩm định và thẩm định lại giá đất cụ thể của 351 dự án trên địa bàn.
Trong số này có nhiều dự án đã kiểm tra, thanh tra như dự án tại số 1 Trần Hưng Đạo, mở rộng khu dân cư Đất Lành, biệt thự sinh thái Giáng Hương, The Arena, biệt thự sông núi Vĩnh Trung…
Tháng 4-2021, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương xử lý, khắc phục tồn tại, thiếu sót và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục cần thiết theo quy định để các dự án mà Thanh tra Chính phủ kết luận không phải chấm dứt hoạt động được tiếp tục triển khai sau gần 2 năm “đóng băng”.
Cựu chủ tịch tỉnh nói gì trước khi bị bắt?
Liên quan đến các sai phạm, ngày 9-6 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Chiến Thắng – cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 2011 đến tháng 10-2015) – về tội “vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra trong quá trình giao đất, chuyển mục đích sử dụng khu đất 01 Trần Hưng Đạo (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang) – nơi tọa lạc cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa – cho Công ty CP Thanh Yến làm dự án Nha Trang Gold Coast.
Ông Thắng là bị can thứ ba bị khởi tố trong vụ án này, sau các ông Đào Công Thiên – cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Võ Tấn Thái – cựu giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa (đều đã bị bắt tạm giam từ ngày 20-5).
Cho đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố các vụ án liên quan đến sai phạm trong 4 dự án tại địa bàn TP Nha Trang với 5 cựu quan chức của tỉnh bị khởi tố bị can. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục xem xét một số vụ án vi phạm nghiêm trọng tại các dự án ở tỉnh Khánh Hòa.
Vài ngày trước khi bị khởi tố và bị bắt, ông Nguyễn Chiến Thắng đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ về những dự án “có vấn đề” mà ông bị kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm và bị kỷ luật.
Ông Thắng nói rằng trong dự án giao “đất vàng” trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa cho doanh nghiệp, ông thấy bản thân ông “không sai gì” vì đã chỉ đạo thực hiện việc chỉ định thầu BT Trường Chính trị tỉnh theo sự đồng ý và chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời yêu cầu các sở ngành phải tính giá khi giao đất cho doanh nghiệp là theo giá thị trường.
“Còn quy hoạch ở đó là đất thương mại dịch vụ nhưng có đất ở là tỉnh đã xin và được trên đồng ý rồi” – ông Thắng nói.
Đối với dự án Nha Trang Golden Gate (28E Trần Phú, Nha Trang – đã khởi tố vụ án “vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công gây thất thoát, lãng phí”), ông Thắng nói ông bị quy trách nhiệm không chỉ đạo tổ chức đấu giá tài sản trên đất và đấu giá đất mà chỉ tổ chức định giá rồi giao doanh nghiệp.
“Tài sản trên đất lúc đó có 49% của tư nhân, 51% của Nhà nước vì là công ty cổ phần của ngành điện lực nên Nhà nước đâu thể đem đi đấu giá được. Tôi thấy rằng trường hợp này định giá thì Nhà nước có lợi hơn so với đem đi đấu giá tài sản trên đất rồi đấu giá đất” – ông Thắng phân trần.
Còn dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự trên núi Chín Khúc, ông Thắng thừa nhận chưa có phê duyệt quy hoạch 1/500 nhưng ông đã đồng ý cho chủ đầu tư giải phóng mặt bằng “vì họ đã thỏa thuận bồi thường cho dân rồi, cho làm trước để khỏi bị xâm lấn đất lại” và “tôi nghĩ quy hoạch 1/500 là thẩm quyền chủ tịch UBND tỉnh ký phê duyệt, thôi thì cái đó sẽ ký sau” nên “tôi có sai chỗ đấy”.
Khi được hỏi tại sao cho 7.500m2 đất ở trên đất trồng rừng, ông Thắng giải thích rằng diện tích này chỉ là các khu nhà rải rác cho công nhân chăm sóc rừng ở lại.
Ông Thắng thừa nhận có sai sót về trình tự, thủ tục trong một vài dự án BT nhưng “chỉ vì mục đích phát triển của tỉnh, làm lợi cho Nhà nước, chứ không nhũng nhiễu, tư lợi”.
“Tai nạn nghề nghiệp của tôi”
Tháng 9-2019, khi chưa có các kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thanh tra Chính phủ, ông Đào Công Thiên còn đương chức phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Tuổi Trẻ đã gặp ông để hỏi một số vấn đề liên quan đến ông trong những dự án của tỉnh đang bị thanh tra, kiểm tra.
Ông Thiên nói: “Tôi về làm phó chủ tịch tỉnh năm 2015, mỗi tháng tôi ký 700 – 800 chữ ký các văn bản. Hôm nay trả giá, tôi buồn quá buồn. Tôi “dính” 7 cái chỉ định thầu không đúng.
Riêng trong vụ BT Trường Chính trị Khánh Hòa thì tôi chỉ ký giá đất thôi. Tôi không thể làm khác được, vì trách nhiệm tôi phải ký. Đây coi như tai nạn nghề nghiệp của tôi”.
Nguồn: tuoitre.vn