Với Đức Hải, tôi hi vọng sự cố trên là “ngoài ý muốn” đối với anh và anh vẫn sẽ tiếp tục giữ được sự quý mến của công chúng.

Rác trên mạng xã hội, bao giờ thì quét xong? - 1

Cách đây ít ngày tài khoản Facebook của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đức Hải xuất hiện status, bình luận sử dụng những lời chửi bới như “ngu xuẩn”, “con điên”, “cút”… cùng nhiều lời lẽ vô cùng tục tĩu, nhạy cảm… nhằm công kích một nhân vật nào đó.

Bài viết được xóa đi không lâu sau đó đồng thời trang cá nhân của nghệ sĩ này cũng bị “khóa”. Tuy nhiên, sự việc đã không đơn giản chỉ dừng lại ở việc đăng bài rồi xóa đi là xong.

Đức Hải bị công chúng phản ứng dữ dội, danh tiếng bị ảnh hưởng đáng kể. Và dù đã lên tiếng giải thích tài khoản bị người khác sử dụng nhưng ông vẫn bị Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn miễn nhiệm chức danh Phó hiệu trưởng.

Theo quyết định này, nghệ sĩ Đức Hải sẽ tạm dừng mọi công tác, nhiệm vụ tại đơn vị và bàn giao công việc theo quy định. Sau khi có kết quả từ cơ quan điều tra về sự việc liên quan đến sự việc thông tin trên Facebook Đức Hải, trường sẽ có hướng xử lý tiếp theo.

Vụ việc này có lẽ là kinh nghiệm xương máu của không chỉ nghệ sĩ Đức Hải mà còn với rất nhiều nhân vật khác, được gọi là “người của công chúng”. Có thể Đức Hải “gặp tai nạn”, nhưng thực tế cho thấy, không ít nghệ sĩ dùng mạng xã hội, thu hút lượng “follow” (người theo dõi) lớn trên những nền tảng như Facebook, Tiktok, Zalo… song lại rất bất cẩn.

Bất cẩn thứ nhất là xem trang cá nhân trên mạng xã hội như chốn không người. Từ cách dùng từ, cách đưa hình ảnh, livestream, một số “nghệ sĩ” (xin phép dùng ngoặc kép) có thể vì muốn gần với công chúng hơn chăng (?), nên sử dụng những từ ngữ vô cùng khiếm nhã.

Mới đây thôi, khi tôi thấy cháu mình đang học lớp 6 mở một đoạn livestream của một diễn viên trẻ, tôi đã phải đỏ mặt vì những từ nhạy cảm, bàn về những vấn đề lệch lạc “chuẩn xã hội”.

Đành rằng “nghệ sĩ” cũng là con người bình thường như bao người, nhưng trên mạng xã hội thì phát ngôn thóa mạ nhau sẽ chỉ mang đến những thứ tiêu cực cho cộng đồng. Đáng lo thay, “nghệ sĩ” kiểu này có rất nhiều người hâm mộ. Mà không rõ, ai quản lý họ nhỉ?

Thậm chí chẳng phải là nghệ sĩ, những nhân vật có tên tuổi trên các kênh hút người xem hiện nay, nào là giang hồ mạng, nào là “hot” Youtuber, Facebooker… kỳ lạ thay lại trở thành thần tượng, hình mẫu mới của giới trẻ!

Bất cẩn thứ hai của những người nổi tiếng, đó là quá dễ dàng bị hack tài khoản, bị trộm điện thoại để rồi bị phát tán những clip không hay. Tuy rằng họ là nạn nhân, nhưng sự bất cẩn này có thể giết chết sự nghiệp thực sự của người nổi tiếng đó một cách nhanh chóng.

Tôi chỉ là một khán giả thông thường, không sùng bái, yêu thích ai quá mức, tuy nhiên, các con tôi và cả một thế hệ trẻ đang nhìn vào những “idol” (thần tượng) một cách đầy ngưỡng mộ.

Tôi không rõ các nghệ sĩ, người nổi tiếng hướng đến điều gì ngoài việc cống hiến “giá trị sống” cho công chúng, nhưng nếu bằng cách này hay cách khác lại tạo nên “rác văn hóa” trên mạng xã hội, thì chẳng khác gì đang tự hủy hoại danh tiếng của họ vậy.

Với Đức Hải, tôi hi vọng sự cố trên là “ngoài ý muốn” đối với anh và anh vẫn sẽ tiếp tục giữ được sự quý mến của công chúng. Nhưng công cuộc “dọn rác” trên mạng xã hội, hẳn rằng sẽ vẫn rất gian nan.

Theo Dân Trí

Từ khóa : Đức Hải

Các tin liên quan đến bài viết