Một báo cáo mới của Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ (CRS) mô tả việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu là điểm yếu lớn của quân đội Trung Quốc (PLA).
“Các quan chức PLA thường xuyên nhắc tới ‘bệnh hòa bình’ phổ biến trong lực lượng, đồng thời lo lắng rằng những binh sĩ chưa từng tham chiến sẽ trở nên tự mãn và chật vật để duy trì sự sẵn sàng”, trích báo cáo vừa công bố của CRS, một cơ quan trực thuộc Quốc hội Mỹ được thành lập từ năm 1914.
Binh lính Trung Quốc tham gia một đợt huấn luyện ở vùng Nội Mông. |
Báo cáo lưu ý, kể từ năm 1949, PLA đã vài lần tham gia vào một “cuộc chiến toàn diện” là chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), chiến tranh Trung – Ấn năm 1962… Song, lần gần đây nhất cũng xảy ra từ 42 năm trước. Những cuộc đụng độ chết người giữa PLA và quân đội Ấn Độ tại thung lũng Galwan thuộc khu vực biên giới Ladakh đang tranh chấp hồi tháng 6 năm ngoái vẫn được coi là hành động “phi chiến tranh”.
Theo nhóm nghiên cứu Mỹ, các lực lượng mặt đất của PLA đã phải “vật lộn” để đào tạo nhân viên và vận hành những trang thiết bị tân tiến, được sử dụng thay thế cho các khí tài quân sự cũ. Sự phối hợp hiệu quả giữa các nhánh khác nhau của PLA trong trường hợp có hành động vũ trang cũng là một thách thức nghiêm trọng đối với Trung Quốc.
“Ngay cả khi các quân chủng PLA tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn bao giờ hết, chẳng có mấy sự kiện là các cuộc tập trận chung. Từ năm 2012 – 2019 chỉ có 80 cuộc tập trận chung diễn ra ở cấp lữ đoàn/sư đoàn trở lên, theo Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc. Các học giả còn phát hiện, chỉ 7% số cuộc tập trận quân sự quốc tế PLA tham dự giai đoạn 2002 – 2016 quy tụ hơn một quân chủng của PLA”, trích nội dung báo cáo của CRS.
Theo Sputnik, các nhà nghiên cứu Mỹ cũng nghi ngờ khả năng của PLA trong “một số lĩnh vực chiến tranh”, bao gồm cả tác chiến chống ngầm, phòng không trên biển, tình báo tầm xa và các hoạt động hàng không trên biển.
Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Bắc Kinh đang phấn đấu “hiện đại hóa” các lực lượng vũ trang vào năm 2035 và biến họ thành một lực lượng “đẳng cấp, tiên tiến nhất thế giới” vào giữa thế kỷ 21. Tuy nhiên, các chuyên gia CRS nhận thấy mức độ dễ bị tổn thương của các lực lượng Trung Quốc khi họ trải qua “quá trình tái tổ chức”.
Hồi tháng 3, Quốc hội Trung Quốc đã phê duyệt 209,16 tỷ USD chi tiêu quân sự, tăng 6,8% so với năm ngoái. Song, dù Bắc Kinh liên tục tăng ngân sách quốc phòng trong một thập kỷ qua nhưng tổng mức chi tiêu vẫn thua xa Mỹ. Tháng trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất mức chi tiêu quân sự thường niên là 715 tỷ USD cho năm 2021, tăng 10 tỷ USD so với ngân sách quốc phòng năm 2020.
Nguồn: vietnamnet