Hàng trăm triệu liều vắc xin của Nga đã được xuất khẩu sang các nước hoặc sản xuất để cung cấp tại chỗ ở Trung Quốc, Ấn Độ.
Dự kiến, trong năm 2021, Nga sẽ cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin Sputnik V. Đây là loại vắc xin phòng Covid-19 được phê duyệt đầu tiên trên thế giới.
Đến tháng 5, Sputnik V được cấp phép ở hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, rải rác ở nhiều châu lục. Một số quốc gia châu Âu đã chấp thuận sử dụng vắc xin này như Hungary, Slovakia.
Ảnh minh họa
Hiện nay, nước sử dụng nhiều vắc xin Sputnik V của Nga là Ấn Độ. Đất nước Nam Á nhập khẩu 250 triệu liều. Ngoài ra, các công ty ở Ấn Độ còn tự sản xuất thêm 852 triệu liều với công nghệ do Nga chuyển giao.
Các nước nhập khẩu nhiều vắc xin Sputnik V còn có Palestine (100 triệu liều), Thổ Nhĩ Kỳ (50 triệu), Hy Lạp, Nepal (25 triệu)… Trong khi đó, Trung Quốc tự sản xuất 260 triệu liều.
Vào tháng 8/2020, Nga đã đăng ký Sputnik V, vắc xin đầu tiên trên thế giới chống lại Covid-19, do Viện nghiên cứu Gamaleya ở Moscow phát triển. Việc tiêm chủng hàng loạt ở Nga bắt đầu vào tháng 1/2021. Nga từng có số ca nhiễm mỗi ngày lên tới 28.000 người, hiện chỉ còn 8.000 ca/ngày.
Sputnik V được đặt theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới giúp Liên Xô vượt qua Mỹ trong cuộc chạy đua không gian. Đây là một trong ba loại vắc xin trên thế giới có hiệu quả trên 90%, ngang hàng với Pfizer và Moderna. Hiệu quả của vắc xin được xác nhận là 91,6% dựa trên phân tích dữ liệu gần 20.000 tình nguyện viên.
Theo phân tích dữ liệu từ 3,8 triệu người được tiêm chủng ở Nga, Sputnik V cho thấy hiệu quả 97,6%.
Giá thành một liều cho thị trường quốc tế dưới 10 USD (Sputnik V là vắc xin hai liều). Loại dược phẩm này có thể bảo quản ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C, cho phép dễ dàng phân phối trên toàn thế giới, kể cả những vùng khó tiếp cận.
Trang Washington Post của Mỹ từng có bài viết đánh giá về Sputnik V với tiêu đề “Có phải chúng ta đánh giá thấp vắc xin của Nga?”. Tờ báo này nhận định Sputnik V là một câu chuyện thành công trên toàn cầu.
“Điều này nói lên chất lượng và tính chính trực của doanh nghiệp khoa học ở Nga, thứ mà rất nhiều người chê bai”, Stephen Morrison, Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định.
Nguồn: vietnamnet