Trước kỳ thi vào lớp 10 cận kề, cô Đàm Thị Hải Yến, giáo viên tổ Ngữ văn Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) đã chia sẻ những điều mà các học sinh cần lưu ý khi làm bài thi môn Ngữ văn.
Cô Yến cho hay việc đầu tiên cần nắm chắc kiến thức cơ bản.
“Về văn bản, cần học thuộc thơ và đọc kỹ các tác phẩm văn xuôi, các văn bản nghị luận, nhật dụng. Phần này các học sinh thường lười đọc. Về tiếng Việt, cần nắm vững kiến thức ở các cấp độ: từ ngữ, ngữ pháp, văn bản. Về làm văn: nắm vững kiến thức về các dạng đoạn văn, bài văn”, cô Yến nói.
Lưu ý khi làm bài thi môn Ngữ văn thi vào lớp 10 ở Hà Nội
Cụ thể, ở câu hỏi đọc hiểu, thí sinh cần đọc kỹ đề, gạch chân từ khóa để trả lời đúng trọng tâm. Tránh lan man, dài dòng. Câu hỏi đọc hiểu có các dạng chính như tên tác giả, tác phầm, hoàn cảnh, xuất xứ, phương thức biểu đạt, câu hỏi về Tiếng Việt, câu liên hệ.
Ở dạng câu phân tích tác dụng biện pháp tu từ, thí sinh cần gọi tên và xác định rõ biện pháp tu từ được thể hiện ở từ ngữ nào. Cùng đó, nêu rõ tác dụng của biện pháp tu từ đó trong việc thể hiện nội dung, trong việc diễn đạt và thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả.
Cô Đàm Thị Hải Yến, giáo viên tổ Ngữ văn Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội). |
Ở dạng câu nghị luận xã hội, cần xác định đúng trọng tâm đề bài yêu cầu.
Sau đó, vận dụng linh hoạt dàn ý chung theo yêu cầu của đề bài. “Câu văn cần được viết rõ ràng, mạch lạc. Dẫn chứng chính xác, tiêu biểu. Lý lẽ cần thuyết phục và lập luận chặt chẽ, logic”, cô Yến đưa lời khuyên.
Ở dạng câu viết đoạn văn nghị luận văn học có tích hợp Tiếng Việt, thí sinh đặc biệt chú ý viết đúng kiểu đoạn văn.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý dung lượng đoạn văn theo yêu cầu của đề bài (có chú thích cuối bài). Thực hiện đúng yêu cầu Tiếng Việt và chú thích rõ ràng cuối bài.
Nội dung bài làm cần bám sát yêu cầu của đề bài. Khi phân tích phải chú ý làm rõ tác dụng của các yếu tố nghệ thuật.
Những điều cần tránh
Cô Yến cũng lưu ý các thí sinh cần tránh việc trả lời lan man, không đúng trọng tâm (ở câu đọc hiểu).
Hoặc là trả lời chung chung ở những câu nêu tác dụng, ý nghĩa của từ ngữ, biện pháp tu từ… “Ví dụ, nói rằng biện pháp tu từ làm tăng tính gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt thì phải nói rõ gợi hình thế nào, gợi cảm ra sao,…”, cô Yến nói.
Các thí sinh cũng cần tránh việc diễn xuôi văn bản khi phân tích, cảm nhận (nghĩa là không phân tích nghệ thuật hay chỉ rõ cái hay của từ ngữ mà chỉ nêu ra nội dung của câu).
Hay không xác định đúng phạm vi bàn luận trong câu nghị luận xã hội (phân tích lan man các khía cạnh chứ không tập trung vào đúng khía cạnh đề bài yêu cầu).
Đặc biệt, các học sinh cần chú ý không viết tắt trong quá trình trình bày bài thi.
Cùng đó, tránh gạch xóa nhiều, viết chữ quá nhỏ, và không dùng 2 màu mực trong một bài thi.
Phân bổ thời gian làm bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10
Cô Yến cho hay, dù thời gian làm bài được ra sao thì đề thi sẽ vẫn gồm 2 phần. Học sinh cần đọc kỹ đề và xem số điểm ở mỗi phần, mỗi câu để định hướng trả lời và phân bổ thời gian.
Cô Yến cũng chỉ ra 5 nguyên tắc phân bổ thời gian làm bài thi môn Ngữ văn hợp lý trong vòng 90 phút:
– Đọc và soát đề: 5 phút đầu.
– Làm các câu đọc hiểu ( chiếm khoảng 45% tổng điểm): khoảng 25 phút.
Xác định đúng trọng tâm của câu đọc hiểu băng cách gạch chân từ khóa trong đề. Trả lời đúng trọng tâm. Không dài dòng lan man. Câu đọc hiểu thường xoay quanh các dạng:
+ Câu hỏi về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, phương thức, thể loại…
+ Câu hỏi về phương diện nghệ thuật: như biện pháp tu từ, nét đặc sắc trong cách diễn đạt…
+ Câu hỏi về phương diện nội dung: như giải nghĩa, nêu ý nghĩa…
+ Câu hỏi liên hệ: từ tác phẩm này liên hệ tới một tác phẩm khác đã học.
– Làm câu viết đoạn văn nghị luận văn học ( chiếm 35% tổng điểm): dành 30 phút
Ở câu viết đoạn nghị luận văn học, cần xác định đúng chủ đề và phạm vi dẫn chứng. Tránh lệch đề, lạc đề hay lan man, dài dòng. Cuối đoạn văn, phải chú thích rõ ràng: Kiểu đoạn, số câu, các yêu cầu về Tiếng Việt.
– Làm câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (chiếm 20% tổng điểm): 25 phút.
Ở câu viết đoạn văn nghị luận xã hội, cần xác định đúng phạm vi và dung lượng bài làm mà đề bài yêu cầu. Chỉ tập trung bàn luận xoay quanh phạm vi đó. (Ví dụ: đề bài hỏi về ý nghĩa thì không lan man ở các biểu hiện, hay đề bài hỏi về cách làm như thế nào thì tránh bàn luận về ý nghĩa…)
– Kiểm tra lại bài : 5 phút cuối.
Nguồn: vietnamnet