Năm 2020, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành được công nhận xã nông thôn mới (NTM). Đây là một trong những địa phương được đánh giá đi đầu, có nhiều sáng kiến trong xây dựng NTM, đặc biệt tiêu chí về môi trường. Thế nhưng hiện nay, địa phương cũng đang đứng trước nỗi lo khó giữ vững tiêu chí này.
Thiếu nguồn lực, khó duy trì
Để bảo vệ môi trường, một trong những cách làm của Nha Bích là khuyến khích hoạt động xã hội hóa thu gom rác thải. Tháng 4-2020, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp – thương mại – dịch vụ Nha Bích đầu tư 1 xe thu gom rác thải công ích hơn 1 tỷ đồng. Thông qua ký kết hợp đồng, hằng ngày xe đến tận các tổ dân cư thu gom rác với phí 25 ngàn đồng/hộ/tháng. Cùng sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, đến nay trên địa bàn xã đã đầu tư được 150 thùng đựng rác thải, tương ứng 30 thùng/ấp. Nơi nào còn thiếu thì người dân sẵn sàng đóng góp trang bị thêm. Nhờ sự chung sức, đồng lòng và dám nghĩ, dám làm của HTX và ý thức bảo vệ môi trường của người dân mà hơn 1 năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh giảm hẳn.
Suối Xa Cát là nơi “một cổ phải chịu nhiều tròng” xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ trở thành dòng suối chết
Thế nhưng, kết quả bước đầu trong bảo vệ môi trường ở xã Nha Bích đang đứng trước nhiều thách thức khi HTX thu không đủ bù chi, mặc dù HTX đã được chính quyền địa phương nỗ lực tháo gỡ khó khăn, linh động giải quyết bằng nhiều cách. Khó khăn lớn nhất là số hộ dân tham gia còn hạn chế; khoảng cách từ điểm thu gom rác đến bãi rác tập trung ở xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành trên 20km. Hơn nữa, bãi rác đã được UBND huyện Chơn Thành giao cho tư nhân quản lý nên các khoản thu gom rác khấu trừ vào xăng dầu, tiền công, trả cho chủ bãi rác là không đủ… Theo chiết tính, bình quân mỗi tháng, HTX phải bù lỗ gần 10 triệu đồng cho hoạt động công ích này.
Khó khăn này thật sự đã vượt quá khả năng hỗ trợ của xã và HTX. Ông Võ Quốc Hân, Chủ tịch UBND xã Nha Bích tâm tư: Được sự chung tay của HTX, nhưng tổng kết năm vừa qua bị lỗ hơn 20 triệu đồng, lâu dài xã khó hỗ trợ, bù lỗ. Nhân dân đóng góp chỉ đủ bù công, rất mong huyện, các ngành chức năng có cơ chế hỗ trợ, có nơi xử lý rác, đảm bảo cho HTX thu gom rác thải bền vững lâu dài.
Môi trường đứng trước nhiều thách thức
Chưa tìm được cách duy trì hoạt động thu gom rác thải của HTX, xã Nha Bích lại đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi heo gây ra, nhất là tại ấp 4. Tuy người dân trong xã không nuôi heo nhưng phải sống chung với mùi hôi và sự ô nhiễm do 1 trang trại chăn nuôi từ phía bên xã Minh Thắng gây ra từ nhiều năm nay. Người dân xã Nha Bích đã phản ánh rất nhiều lần trong các đợt tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Người dân ấp 4, xã Nha Bích bức xúc ghi hình làm bằng chứng tố cáo hành vi xả nước thải gây ô nhiễm môi trường sống từ một trại chăn nuôi heo ở bên kia dòng suối thuộc xã Minh Thắng, huyện Chơn Thành
“Khoảng 2, 3 giờ sáng, lợi dụng những khi có mưa, họ xả thải ra, mùi hôi rất khó chịu. Dân ảnh hưởng đã đành, khu vực này có trường học, các cháu bị ảnh hưởng trước mắt và lâu dài. Tôi thay mặt nhân dân kiến nghị các cấp sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm này” – bà Đỗ Thị Hường, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp 4, xã Nha Bích phản ánh.
Việc ô nhiễm sông suối đầu nguồn xuất phát từ quản lý môi trường chưa chặt chẽ. Cá ở nhánh suối Xa Cát, dân không dám dùng vì sống trong môi trường ô nhiễm. Mùa nắng rất ô nhiễm. Lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn. Mong các cấp, ngành quan tâm, giải quyết triệt để đem lại môi trường trong lành cho nhân dân. |
Ông Võ Quốc Hân, Chủ tịch UBND xã Nha Bích |
Một điểm gây ô nhiễm môi trường đáng lo ngại nữa ở xã Nha Bích là khu vực cầu Xa Cát, tiếp giáp với xã Minh Thành. Từ thượng nguồn, toàn bộ nước thải của các nhà máy, xí nghiệp ở thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản, Chơn Thành đổ dồn về suối Xa Cát. Ngay tại điểm cầu Xa Cát, thuộc địa phận xã Minh Thành, là nơi đứng chân của một nhà máy sản xuất, chế biến mủ cao su đặt ngay cạnh dòng suối, phía bên kia đối diện là Trạm trộn bê tông – Thế giới nhà. Qua thực tế khảo sát và phản ánh của chính quyền, người dân xã Nha Bích, dễ dàng nhìn thấy, trong quá trình hoạt động, các nguyên vật liệu còn sót lại, đơn vị này thải trực tiếp xuống dòng suối. Hành vi này vừa gây ô nhiễm nguồn nước vừa làm tắc nghẽn dòng chảy. Không ít lần, các ngành chức năng đã xử lý vi phạm nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Cần sự “vi hành” của lãnh đạo
Ngoài Nha Bích, nhiều xã đã về đích NTM như Phú Riềng, huyện Phú Riềng hay Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tiêu chí về môi trường đạt được cũng chỉ mang tính chất tạm thời.
Nếu ở xã Phú Riềng nóng với tình trạng bãi rác tạm và cống xả nước thải gây ô nhiễm kéo dài từ trung tâm thương mại Phú Riềng thì đối với xã Thuận Lợi, chính quyền và người dân địa phương đang rất bức xúc với tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường sống do các nhà máy sản xuất, chế biến mủ cao su và sản xuất phân bón gây ra cũng như ảnh hưởng từ tình trạng ô nhiễm môi trường của các xã lân cận.
Mọi giải pháp của chính quyền các địa phương cho đến lúc này đều chỉ mang tính tạm thời. Ông Lê Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Phú Riềng cho rằng: Để giải bài toán về môi trường, thứ nhất cần có tài chính, thứ 2 phải có nhà máy xử lý rác thải tập trung, khu vực, chứ vận chuyển đi xa là không thể. Trong khi đó, bức xúc trước tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường sống kéo dài tại địa phương, ông Lê Ngọc Nam, Phó chủ tịch HĐND xã Thuận Lợi bày tỏ mong muốn lãnh đạo các cấp và ngành chức năng nên vi hành, cùng ăn, cùng ở với người dân địa phương trong một khoảng thời gian nhất định để có hướng chỉ đạo, xử lý tình trạng ô nhiễm thỏa đáng, đúng thực tế.
Tổng mức thu khoảng 12 triệu đồng/tháng, chia 3 người 600 ngàn đồng, xăng 200 ngàn/ngày, mỗi tháng vị chi 24 triệu đồng. Mong muốn làm sao chính quyền xã, huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí, khu vực tập kết thì chúng tôi mới có thể làm, chứ tương lai cứ bù lỗ kiểu này thì phải ngưng hoạt động. |
Ông Thân Quang Sang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp – thương mại – dịch vụ Nha Bích lo lắng |
Bảo vệ môi trường ở các xã đã và phấn đấu về đích NTM là vấn đề chung trên toàn tỉnh. Thực tế, đạt được tiêu chí này đã khó nhưng giữ vững, duy trì và phát huy hiệu quả càng khó khăn hơn. Vấn đề đặt ra là, những tồn tại, vướng mắc được nhận diện, phản ánh nhưng vượt quá khả năng giải quyết của cấp xã. Vì vậy, các cấp, ngành liên quan có chức năng xử lý cần kịp thời quan tâm, vào cuộc tháo gỡ. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm thay đổi thói quen, ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi hủy hoại môi trường, thực hiện nhất quán, xuyên suốt quan điểm: không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế mà các cấp lãnh đạo đã nhiều lần nhấn mạnh.
Theo Báo Bình Phước