Hàng loạt trường đại học không có hiệu trưởng chính thức suốt một thời gian dài, chỉ có quyền hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng phụ trách. Vì sao như vậy?
Theo Luật giáo dục đại học, hội đồng trường sẽ quyết định hiệu trưởng, cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. Tuy nhiên, không chỉ các trường mới thành lập xong hội đồng trường mà ngay cả trường đã có hội đồng trường nhiều năm cũng chưa quyết xong vị trí hiệu trưởng.
Ban giám hiệu chưa hoàn chỉnh
Ngày 1-4, hội đồng trường Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có nghị quyết giao quyền hiệu trưởng cho PGS.TS Nguyễn Xuân Phương. Từ đó đến nay, ban giám hiệu trường này chỉ có quyền hiệu trưởng, không có phó hiệu trưởng.
Kể từ khi hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Văn Thư, nghỉ hưu theo chế độ vào tháng 1-2019, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM không có hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng lần lượt được giao phụ trách trường. Trong đó, phó hiệu trưởng Đồng Văn Hướng được giao phụ trách trường từ tháng 2-2019 đến tháng 3-2020.
Từ ngày 1-4-2020, TS Nguyễn Bá Hoàng – phó hiệu trưởng – được giao phụ trách trường đến tháng 3-2021. Như vậy, hơn hai năm qua trường không có hiệu trưởng, từ tháng 4-2021 đến nay không có phó hiệu trưởng.
Nhiều trường đại học hiện chỉ có quyền hiệu trưởng như trường Nông lâm TP.HCM, Luật TP.HCM, Hùng Vương TP.HCM, Hoa Sen… Mới đây, hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ra quyết nghị giao PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh phụ trách trường.
Trước đó, hội đồng trường ra nghị quyết giao ông Thịnh giữ chức vụ hiệu trưởng trường đại học này nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về điều này và đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa công nhận ông Thịnh là hiệu trưởng.
Năm 2018, hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM nghỉ hưu, PGS.TS Trần Hoàng Hải – phó hiệu trưởng – được giao phụ trách trường. Đến tháng 12-2019, ông Hải được hội đồng trường giao giữ chức quyền hiệu trưởng. Nói về vấn đề này, ông Hải cho biết vì không đủ tuổi cho một nhiệm kỳ hiệu trưởng nên ông được giao phụ trách trường.
Tương tự, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – được giao phụ trách trường, sau đó là quyền hiệu trưởng.
Trong khi đó, một số trường ĐH chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách như Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định…
Đáng chú ý là hai trường lớn chuyên đào tạo nhóm ngành sức khỏe khu vực phía Nam hiện đang khuyết hiệu trưởng. Tháng 7-2020, PGS.TS Trần Diệp Tuấn – hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM – chính thức thôi làm hiệu trưởng, trở thành chủ tịch hội đồng trường. Từ đó đến nay, trường chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách.
Mới đây, trường bổ nhiệm thêm hai phó hiệu trưởng nhưng sau đó buộc phải rút lại quyết định vì chưa đúng quy trình. Hiện ban giám hiệu trường chỉ có một phó hiệu trưởng phụ trách.
Tương tự, tháng 3-2021 PGS.TS Ngô Minh Xuân cũng thôi chức hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch để làm chủ tịch hội đồng trường, một phó hiệu trưởng được giao phụ trách trường và chưa có hiệu trưởng.
Sau 2 tháng không có hiệu trưởng, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng mới hoàn thiện nhân sự ban giám hiệu từ ngày 1-6.
Thiếu người đủ chuẩn?
Lý giải về việc hội đồng trường chưa đưa ra nhân sự hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường một trường đại học cho biết Luật giáo dục đại học và nghị định 115 vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau nên việc đưa ra nhân sự hiệu trưởng bị chậm.
Trước khi có hội đồng trường, trong nhiều năm nhân sự ban giám hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM luôn rơi vào cảnh thiếu người đủ tiêu chuẩn. Thậm chí Bộ Giao thông vận tải thông báo thi tuyển phó hiệu trưởng cho trường này nhưng sau đó phải hủy.
Hiệu trưởng khi đó cho biết có nhiều hồ sơ nộp nhưng không nằm trong diện quy hoạch phó hiệu trưởng nên không đủ tiêu chuẩn. Trong khi đó, quy hoạch theo nhiệm kỳ trường gửi ra bộ nhưng không được duyệt. Quy hoạch bổ sung hằng năm trường gửi ra cũng không được duyệt.
“Nhân sự phó hiệu trưởng còn không có, lấy đâu ra hiệu trưởng” – ông này nói.
PGS.TS Ngô Minh Xuân – chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch – cho biết vì hội đồng trường mới được thành lập nên tạm thời giao phó hiệu trưởng phụ trách trường. Hiện hội đồng trường đang làm quy trình để quyết nhân sự hiệu trưởng.
Quá trình này sẽ không mất nhiều thời gian vì nhân sự của trường đã được quy hoạch và chuẩn bị từ hơn một năm trước.
Đủ tiêu chuẩn mới được làm
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho rằng có thể trường chưa có quy hoạch nhân sự hiệu trưởng hoặc người được quy hoạch chưa đủ các tiêu chuẩn khác như cao cấp chính trị, thời gian quản lý… dẫn đến chưa giao chức vụ hiệu trưởng được.
“Trước đây thiếu các tiêu chuẩn cứng có thể nợ, bổ sung sau, nhưng hiện nay quy định chặt chẽ, phải đủ tất cả tiêu chuẩn mới được làm hiệu trưởng” – ông Hùng cho biết.
Hiểu sai hoặc chưa muốn từ bỏ
Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải – quyền hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, việc chưa có hiệu trưởng có thể bắt nguồn từ việc trường chưa có sự chuẩn bị tốt, chưa có chiến lược bồi dưỡng nhân sự kế cận hoặc bồi dưỡng nhưng người đó chưa đạt yêu cầu.
Thẩm quyền bầu hiệu trưởng thuộc hội đồng trường nhưng có thể ở đâu đó, bộ ngành chủ quản hiểu chưa đúng hoặc chưa muốn từ bỏ quyền của họ trong việc quyết định nhân sự hiệu trưởng.
Nhân sự hiệu trưởng đòi hỏi phải có nhiều yếu tố như độ tuổi, năng lực, uy tín bởi tất cả quy trình nhân sự hiệu trưởng hiện nay phải qua nhiều bước và đều bỏ phiếu. Không đủ uy tín sẽ không qua được các vòng này, trước khi hội đồng trường quyết định.
Điều quan trọng nhất của người hiệu trưởng là có uy tín, có khả năng duy trì trật tự cũng như tập hợp được mọi người.
Nguồn: tuoitre.vn