Năm 2020 thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước, đã có 16/21 loại hình thiên tai xảy ra gây thiệt hại lớn về người và của.
Thông tin này được đánh giá tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 diễn ra vào sáng nay 4-6.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Phước
Tại điểm cầu tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng dự.
Năm 2020 toàn quốc đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, 265 trận dông, lốc sét, 120 trận lũ quét, sạt lở đất, 90 trận động đất, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị
Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 nhà sập, hơn 333 ngàn nhà bị hư hại, tốc mái. Ngoài ra trên 198 ngàn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 ngàn con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 39.962 tỷ đồng.
Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, thiên tai còn làm ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe, sản xuất và đời sống của nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ.
Hội nghị sáng nay đã dành nhiều thời gian phân tích, đề xuất các giải pháp phòng, chống thiên tai trong thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh, công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai; phát huy vai trò của các cấp chính quyền, các cơ quan tham mưu chỉ đạo chỉ huy phòng chống, thiên tai, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu; việc vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương.
Năm 2020 thiên tai diễn ra dồn dập gây ra thiệt hại nhiều tài sản
Bên cạnh đó cũng cần ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong theo dõi giám sát và chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai; tăng cường tuyên truyền nhằm nêu cao sự chủ động phòng ngừa, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội, người dân sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, những tác động của thiên tai là nhìn thấy rõ, các hiện tượng thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống người dân. Do đó, cần hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân cho công tác này.
Thiên tai đã làm gãy đổ nhiều cây trồng
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị trong thời gian tới, công tác dự báo về thiên tai phải có độ chính xác cao, kịp thời; phát huy cao nhất vai trò người đứng đầu. Các bộ, ngành với vai trò, nhiệm vụ của mình cần phải sẵn sàng các kịch bản ứng phó với thiên tai, đặc biệt trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
”Các địa phương cần quyết tâm thật cao trong công tác phòng, chống thiên tai, phải đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân lên hàng đầu, làm sao để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống thiên tai” – Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Theo Báo Bình Phước