Nếu đầu năm 1 tấn mít thái bán ra được 20-30 triệu thì hiện tại, cùng 1 tấn, người nông dân chỉ thu về 2-3 triệu.

Giá mít rớt thê thảm

Nhiều chủ vừa mít Thái ở Tiền Giang đang khóc dở trước tình trạng giá mít rớt thê thảm.

Mít hàng chợ hiện chỉ còn 500 đồng/kg, mít kem là 2.000-3.000 đồng/kg, mít loại nhất, nhì và ba có giá lần lượt là 10.000 đồng/kg, 7.000 đồng/kg và 5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, khi phân loại có đến 80-90% được xếp vào loại mít kem và hàng chợ, tức có giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg và 500 đồng/kg.

Mít Thái rớt giá thảm, dân trắng tay: Nỗi niềm muôn thuở
Giá mít Thái giảm tới 10 lần so với thời điểm đầu năm. 

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ một vựa thu mua mít ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, vào thời điểm tháng 2 năm nay, khi mít Thái được giá, 1 tấn mít bán ra, nông dân có thể thu vào 20-30 triệu đồng. Thế nhưng, hiện nay mỗi tấn mít bán ra chỉ được 2-3 triệu đồng, tức chỉ bằng khoảng 1/10 so với trước đó.

Trong khi đó, TBKTSG dẫn lời ông Trần Văn Dũng, nông dân trồng mít ngụ xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, với giá mít như hiện nay, nông dân trồng loại cây ăn trái này hoàn toàn không có lãi.

Nếu tính đủ tiền phân bón, chăm sóc thì với mức giá đang bán ra không đủ để bù chi.

Chỉ ra nguyên nhân giá mít giảm, ông Dũng cho hay một phần do nguồn cung trong nước rất nhiều, thêm với tình hình dịch bệnh, việc xuất khẩu mít sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Nhiều nông sản chung số phận

Chung số phận với mít Thái, nhiều loại nông sản khác như: xoài Úc, bơ, dứa, dưa, các loại rau củ quả cũng trong tình trạng chín đỏ, rụng đầy gốc không có người mua hoặc bán cũng rẻ như cho.

Bà Nguyễn Thị Yến – chủ vựa xoài tại Cam Lâm cho biết, mọi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 5 – 6 tấn/ngày cho thị trường phía bắc và Trung Quốc, hiện nay giảm chỉ bằng 1/10.

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cam Lâm bán cả tấn xoài cũng chỉ được 3 triệu. Nhưng cũng chỉ những trái xoài Úc to, chín đỏ, đều, vỏ không tì vết mới được thương lái mua với giá 15.000 đồng/kg.

Còn xoài tây (canh nông) thu mua loại 1 giá 8.000 đồng/kg, loại 2 là 4.000 đồng/kg; các loại xoài khác thương lái không mua.

Còn với loại bơ 034 là loại quả dài, cơm vàng béo và dẻo trồng ở Đăk Nông những năm trước, được bán với giá 60.000-80.000 đồng/kg thì năm nay giá chưa được 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Tại Đắk Lắk, những hộ trồng dứa cũng đang than trời vì tình trạng giảm giá nông sản. Theo lời nông dân, nửa tháng trước dứa bán được giá 20.000 đồng/quả, thì bây giờ chỉ còn được 10.000 – 12.000 đồng/quả. Thương lái thu mua còn nói sẽ giảm xuống nữa khi bà con thu hoạch nhiều.

Trong khi đó, dưa hấu ở Thanh Hóa cũng chỉ bán được với giá từ 3.500-3.800 đồng/kg.

Không chỉ hoa quả, các loại rau, củ cũng rơi vào tình trạng bán rẻ như cho.

Trên địa bàn tỉnh huyện Nam Đàn, Nghệ An, ngoài dưa hấu giá các loại rau, củ như: Mướp đắng, mướp hương, dưa chuột, bí xanh… cũng rớt giá thê thảm.

Toàn xã có hơn 150ha trồng bí, mướp đắng, mướp ngọt, cà xanh; sản lượng ước tính lên đến vài trăm tấn. Nếu như năm ngoái, mướp đắng được bán với giá 12.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 2.000 đồng/kg; mướp ngọt 4.000 – 6.000 đồng/kg (giảm một nửa so với năm ngoái), nhất là bí xanh, giá “chạm đáy” chỉ còn 2.000 đồng/kg (giảm còn 1/5 so với mọi năm).

Bao giờ hết điệp khúc “được mùa rớt giá”?

Mặc dù phải thừa nhận giá hoa quả, nông sản bị rớt giá thê giam thời gian này một phần do tác động từ dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nỗi lo triền miên “được mùa rớt giá” đã tồn tại từ nhiều năm nay, các chuyên gia đã cảnh báo nhưng tới nay vẫn chưa tìm được giải pháp căn cơ.

Từng có nhiều nhận định cho rằng, hiện tượng nông sản rớt giá là do việc tổ chức sản xuất thiếu đồng bộ, trong liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng, miền hiện nay còn yếu và đặc biệt sự hạn chế, yếu kém trong phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, muốn chấm dứt hiện tượng trên nhất thiết phải tổ chức được các vùng quy hoạch riêng biệt, không để xảy ra tình trạng chồng chéo trong sản xuất mà dẫn tới dư thừa, cạnh tranh lần nhau; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến, nghiên cứu thị trường.

“Ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới cần phát triển theo hướng chuyển từ tăng số lượng sang tăng chất lượng, đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu… đi kèm có cơ chế chính sách hỗ trợ HTX trong phát triển sản xuất. Làm được như vậy sẽ chấm dứt tình trạng “được mùa mất giá” và người nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhận định.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Giải Cứu Nông SảnMítmít tháinông sản rớt giá

Các tin liên quan đến bài viết