Khi nào người dân bắt buộc phải sử dụng Bluezone? Việc xử phạt sẽ được áp dụng thế nào? Đó là những câu hỏi khiến nhiều người tranh cãi.
Quyết định mới về việc dùng công nghệ để chống Covid-19
Hồi cuối tháng 5, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí, nơi tập trung đông người được hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần nhằm giúp cơ quan quản lý phát hiện sớm ca bệnh, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Nội dung văn bản này nêu rõ, người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Những ứng dụng này bao gồm Bluezone, NCOVI và Vietnam Health Declaration.
Người dân thực hiện check in bằng mã QR để khai báo y tế. |
Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người, người dân phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone và bật chế độ Bluetooth.
Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.
Người dân cần sử dụng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để thực hiện khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình.
Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, họ sẽ phải đưa mã QR cho nhân viên kiểm soát thực hiện quét hoặc dùng điện thoại để tự quét mã QR tại điểm đó.
Những địa điểm công cộng có nguy cơ cao như các cơ sở khám chữa bệnh, các cảng hàng không, phương tiện giao thông công cộng,… cũng được hướng dẫn bố trí khu vực khai báo y tế trang bị các bàn máy tính, máy quét mã QR (tùy theo điều kiện cụ thể).
Những địa điểm công cộng có nguy cơ cao được hướng dẫn thiết lập khu vực khai báo y tế và bố trí nhân viên kiểm soát người ra vào bằng cách quét mã QR. |
Tại những nơi này, người chịu trách nhiệm cần bố trí nhân viên có điện thoại thông minh để kiểm soát người ra vào các tòa nhà. Đây là những người có điện thoại thông minh và phải cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần.
Nhiệm vụ của họ là thực hiện quét mã QR (trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT hoặc sinh ra bởi hệ thống phần mềm) của người ra vào hoặc yêu cầu và kiểm soát được người ra, vào tự quét mã QR của địa điểm.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Y tế cũng hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm việc cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần.
Bộ Y tế cũng nêu vấn đề về việc xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch COVID-19 và điều kiện thực tế.
Khi nào xử phạt người không dùng Bluezone?
Thời gian qua, dư luận đã có nhiều thông tin trái chiều về việc nên hiểu sao cho đúng quyết định của Bộ Y tế, đặc biệt là việc xử phạt người không cài đặt ứng dụng Bluezone. Đây là ứng dụng ghi lại lịch sử tiếp xúc, từ đó đưa ra cảnh báo sớm và giúp truy vết chính xác người nghi nhiễm Covid-19.
Hiệu quả của Bluezone đã được chứng minh khi ứng dụng này hỗ trợ cơ quan y tế truy vết được hàng nghìn trường hợp nghi tiếp xúc gần người nhiễm hoặc người nghi nhiễm mới. Đó đều là các trường hợp được tìm ra bên ngoài danh sách truy vết bằng điều tra dịch tễ thông thường.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) cho biết, quyết định của Bộ Y tế đã nêu rõ, người dân phải khai báo y tế bắt buộc.
Đây là nghĩa vụ của người dân. Điều này được thực hiện thông qua việc cài đặt các ứng Bluezone, NCOVI, Vietnam Health Declaration hoặc sử dụng website tokhaiyte.vn.
Ứng dụng Bluezone là công cụ hiệu quả nhất để truy vết người nghi nhiễm Covid-19. |
“Đối với ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, khi tham gia các hoạt động ở nơi công cộng, tập trung đông người, người dân bắt buộc phải có ý thức cài đặt Bluezone và bật chế độ Bluetooth. Điều này nhằm để bảo vệ chính chúng ta và bảo vệ cộng đồng.”, ông Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Nam, khi đến nơi công cộng, người dân bắt buộc phải cài đặt và sử dụng Bluezone. Còn với những không gian cá nhân, không đông người hoặc ở nhà thì việc này không nhất thiết.
Về việc xử phạt, sẽ căn cứ vào tình hình của từng địa phương. Tùy vào mức nguy cơ cũng như diễn biến phức tạp của dịch bệnh, địa phương có thể có những cơ chế, chế tài để xử phạt. Về điều này, Bộ Y tế giao cho UBND các tỉnh, thành, địa phương tự xem xét và quyết định.
Nguồn: vietnamnet