Liên minh dược Pfizer/BioNtech đang thử nghiệm 2 loại thuốc ‘tấn công trực tiếp’ COVID-19 sau khi thành công với vắc xin. Nhân loại có thể sẽ có thêm một công cụ giúp vượt qua đại dịch lần này.
Bài viết của ông Peter Wark, giáo sư Trường Y và sức khỏe cộng đồng thuộc Đại học Newcastle (Úc), trên báo The Conversation:
Bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra nguy hiểm ở chỗ có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch và viêm dữ dội trong cơ thể. Tới nay, các liệu pháp chữa trị thành công nhất chính là nhắm vào phản ứng miễn dịch quá mức này.
Ở giai đoạn sớm của bệnh, thuốc kháng viêm Budesonide có thể giúp giảm nguy cơ bệnh trở nặng. Ở bệnh nhân nhập viện phải thở oxy, thuốc Dexamethasone (kháng viêm, ức chế miễn dịch) có thể giảm tỉ lệ tử vong.
Riêng với nhóm bệnh nhân COVID-19 nặng phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), thuốc Tocilizumab tiêm qua đường tĩnh mạch có thể giúp họ chiến đấu giành giật sự sống.
Tuy nhiên, các liệu pháp trên không tác động gì đến virus SARS-CoV-2, tất cả chỉ nhằm để giải quyết hậu quả của bệnh. Tấn công trực tiếp virus là điều rất khó khăn, và đây chính là mục tiêu của loại thuốc do Pfizer/BioNtech đang phát triển.
Tấn công SARS-CoV-2 không đơn giản
Để tồn tại, virus SARS-CoV-2 cần phải xâm nhập tế bào chủ để nhân bản. Nó làm điều này bằng cách dùng gai protein bám vào tế bào, rồi dùng chính protein của tế bào đó để tiếp tục đi vào trong.
Khi đã ở bên trong, virus trút bỏ lớp vỏ ngoài để thả vật liệu di truyền (RNA) của nó ra. RNA này là khuôn mẫu để virus nhân bản, để rồi tiếp tục xâm nhập các tế bào khác. Quá trình này cũng chính là điểm yếu của nó nếu con người tìm ra được cách can thiệp.
SARS-CoV-2 mang một enzyme gọi là 3CLpro đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhân bản. Nó gần giống với enzyme của virus gây bệnh hô hấp cấp nặng (SARS), và tương tự với enzyme của virus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Vậy nên, nếu có một loại thuốc tấn công enzyme 3CLpro hiệu quả – tức ngăn được virus nhân bản – nó có tiềm năng trị nhiều loại virus corona khác nhau. Thực tế thuốc ức chế enzyme đã được dùng thành công với nhiều virus khác, ví dụ HIV hay virus viêm gan C.
Hồi đầu dịch, người ta đã nghĩ đến việc dùng các loại thuốc có sẵn để trị COVID-19, nhưng thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc lopinavir-ritonavir trị HIV không có tác dụng ở liều thấp, trong khi liều cao thì tác dụng phụ quá nặng.
Các nhà khoa học cũng đề xuất dùng thử thuốc Remdesevir trị virus Ebola. Kết quả sơ bộ khá hứa hẹn nên Mỹ cấp phép dùng khẩn cấp, nhưng khi đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát trên bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện thì lại gây thất vọng.
Remdesevir quả thật có giảm thời gian bệnh ở những bệnh nhân sống sót, nhưng nó không giúp gì nhiều để cải thiện cơ hội sống của họ.
Loại vũ khí nào đang thai nghén?
Năm 2020, liên minh dược Pfizer/BioNtech phát hiện một phân tử nhỏ gọi là PF-00835231 có khả năng ức chế enzyme 3CLpro của virus SARS-CoV-2. Nó vốn được thiết kế để kháng virus SARS-CoV-1 nhưng do hai virus này có enzyme gần giống nhau.
Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy PF-00835231 dùng riêng hoặc chung với thuốc Remdesevir làm giảm khả năng nhân bản của nhiều loại virus corona khác nhau, bao gồm SARS-CoV-2. Nó cũng hiệu quả ở một số loài động vật mà không có tác dụng phụ đáng kể.
Pfizer/BioNtech đang thử nghiệm lâm sàng hai dòng thuốc chữa COVID-19: Dòng PF-07304814 tiêm tĩnh mạch dành cho bệnh nhân nặng nhập viện, và dòng PF-07321332 dạng viên uống dùng cho giai đoạn sớm. Cả hai đều có tác dụng ức chế enzyme 3CLpro.
Thử nghiệm giai đoạn 1 đã bắt đầu hồi tháng 3 vừa qua. Một số người tình nguyện khỏe mạnh dùng thử thuốc với liều khác nhau để xác định tính an toàn, song song đó các nhà nghiên cứu quan sát liệu thuốc có tạo ra được phản ứng mong đợi trong cơ thể.
Nếu mọi thứ suôn sẻ, thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 sẽ đánh giá liệu thuốc có cải thiện được tình trạng ở bệnh nhân COVID-19. Thường quá trình này phải mất nhiều năm, nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh khẩn cấp, Pfizer cho biết họ sẽ rút ngắn còn vài tháng nếu thử nghiệm giai đoạn 1 thành công.
Tuy còn hơi sớm để ăn mừng, giới quan sát hi vọng rằng thuốc mới của Pfizer/BioNtech sẽ bảo vệ được những người có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa được tiêm vắc xin. Thuốc cũng có thể được dùng để ngăn ngừa sớm, tránh để xảy ra bùng dịch ở nhóm người bị phơi nhiễm (F1, F2…).
Nguồn: tuoitre.vn