Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM và một số tỉnh, thành đã bị hoãn do ảnh hưởng của COVID-19 cho đến khi có thông báo mới. Vậy việc tuyển sinh vào lớp 10 năm nay nên như thế nào?
Có ý kiến cho rằng dù muộn cũng nên thi, nhưng cũng có quan điểm cho rằng nên kết hợp giữa thi và xét tuyển trong tình hình hiện nay.
“Phải thi dù muộn”
Ông Huỳnh Thanh Phú – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) – bày tỏ quan điểm dịch diễn biến phức tạp, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chưa biết thời gian tổ chức nhưng vẫn nên thi.
“Đề thi khối 9 do Phòng GD-ĐT ra, mức độ dễ khó khác nhau. Do đó, không thể hủy kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 mà bắt buộc phải thi dù muộn. Hủy thi và dựa vào học bạ để xét là không công bằng.
Trước đây có thí điểm xét tuyển ở một số quận huyện vì đề thi học kỳ do quận, huyện đó ra và học sinh chỉ học trên địa bàn quận, huyện đó. Theo tôi, các trường nên tiếp tục kết nối với học sinh để dạy ôn tập trực tuyến, chờ ngày kỳ thi được tổ chức lại” – thầy Phú nói.
Ông Huỳnh Thanh Phú cũng tính toán các mốc thời gian: “Thi đầu tháng 6 thì tới ngày 15-7 mới bắt đầu tuyển sinh. Từ thi đến biết điểm, điểm chuẩn, rồi làm công tác tuyển sinh đến khai giảng là 1,5 tháng. Trước đây ngày 15-8 nhập học, còn bây giờ ngày 5-9 mới nhập học.
Nghĩa là trước đây từ ngày tuyển sinh đến ngày học có 15 ngày, giờ có thêm ba tuần nữa. Vậy lùi tới tháng 7 thi vẫn không sao, thậm chí 10-8 thi vẫn kịp. Giả sử dịch bệnh diễn biến phức tạp mà giãn cách hết một tháng vẫn không ảnh hưởng đến kế hoạch của năm học”.
Nếu không thi được thì sao? Ông Phú nói: “Nếu giao mỗi trường tự xét tuyển thì lúc bấy giờ sẽ có phương án khác. Sở GD-ĐT phải họp với các hiệu trưởng xây dựng phương án rồi thống nhất. Cái đó khả năng thấp hơn là đẩy lùi lịch thi một tháng vẫn không ảnh hưởng. Phải thi để có sự công bằng, dù muộn”.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Hồng Đức – hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Q.Gò Vấp, TP.HCM) – cho rằng trước mắt sự bình yên của học trò, của cộng đồng xã hội là trên hết. Nhưng nếu phải tính toán hình thức thi tuyển sinh lớp 10 trong tình hình dịch bệnh thì ông Đức cho rằng phải thi.
Ông đưa ra quan điểm: “Thi tuyển sinh lớp 10 vẫn nên tổ chức và giãn ra so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là để xét tuyển chứ không phải công nhận nên cần có phân hóa rõ ràng. Các em học tốt, ôn luyện kỹ theo những gì thầy cô đã dạy, tự học thì sẽ vượt qua kỳ thi một cách nhẹ nhàng dù trong hoàn cảnh đặc biệt”.
Không thể phân bổ theo tuyến
Cô Hứa Thị Diễm Trâm, hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), cho rằng không thể phân tuyến THPT hay xét học bạ làm “cánh cửa” vào lớp 10 mà phải trải qua một kỳ thi.
Cô Trâm giải thích: cách tuyển sinh vào lớp 10 không thể như lớp 6 được. Vì trường THPT ít hơn trường THCS nên không thể phân bổ phân tuyến học sinh. Như quận Bình Thạnh có 15 trường THCS nhưng chỉ có 6 trường THPT, quận Phú Nhuận có 2 trường THPT, quận Gò Vấp 4 trường THPT…
Vì quận, huyện của mình ít trường cấp III nên buộc các em tự linh động đăng ký nguyện vọng ở các trường thuộc quận, huyện khác lân cận vừa sức mình để vào lớp 10.
Và thống kê có hơn 20.000 học sinh học dân lập, đăng ký các trường nghề… Vì thế phải có một kỳ thi để sàng lọc chứ phân tuyến là trường THPT không đủ. Hơn nữa, số lượng học sinh đã được tư vấn, phân luồng ngay từ đầu thì các em đã vào trường nghề, đã chọn trường nghề, quay lại chuyện phân tuyến thì tội các em.
“Xét học bạ lại càng không công bằng. Thứ nhất, có trường còn chạy theo hình thức nên kết quả chưa đúng lắm với thực tế lực học. Cái khéo là làm sao điểm phải trung thực để ghi nguyện vọng vào lớp 10 vừa sức. Nhưng các trường trong một quận, huyện cũng không công bằng, có trường nhẹ tay, có trường nghiêm khắc.
Xét học bạ thì học sinh giỏi nhiều nhưng thực chất chưa giỏi. Thứ hai, nếu xét học bạ thì sẽ có chuyện quay lại trách ngược trường chỉ đạo nghiêm trong kết quả để học sinh thiệt thòi” – cô Trâm nói thêm.
Dung hòa giữa thi và xét tuyển
Trong khi đó, cô Th.H., giáo viên dạy văn lớp 9, lại phân tích: “Dịch bệnh ngày càng phức tạp, giáo viên lo lắng nên không muốn đi coi thi, chấm thi. Biện pháp chống dịch hữu hiệu nhất là hạn chế ra khỏi nhà. Mà như vậy thì không nên tổ chức thi tuyển mà xét tuyển là tốt nhất.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của học sinh, tôi đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM cho phép học sinh được chọn lựa hình thức vào lớp 10 xét tuyển hoặc thi tuyển. Như vậy, số học sinh thi tuyển sẽ không nhiều và cũng giảm bớt được áp lực cho người làm công tác tổ chức thi”.
Tương tự, ông Trần Mậu Minh – nguyên hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM – chia sẻ: “Xét tuyển sẽ gây thiệt thòi cho học sinh giỏi vì các em không thể đăng ký nguyện vọng sang các trường ở quận khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên là trên hết.
Vì vậy, tôi đề nghị một giải pháp dung hòa là thực hiện xét tuyển kết hợp thi tuyển. Trong đó, những học sinh có nguyện vọng vào học tại các trường THPT chuyên, trường THPT chất lượng cao thì phải tham gia một kỳ thi tuyển trực tuyến. Dĩ nhiên, sẽ có điều kiện dự thi dành cho đối tượng này chứ không phải học sinh nào cũng được dự thi”.
Ông Nguyễn Hùng Khương – phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM – cũng cho rằng: “Phương án xét tuyển vào lớp 10 bộc lộ nhiều bất cập mà trước đây TP.HCM đã có thời gian thực hiện nhưng cuối cùng phải bỏ.
Xét tuyển sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc đưa ra các tiêu chí tuyển sinh vào trường THPT tốp đầu. Rất khó xét tuyển một cách khách quan, công bằng và thuyết phục được xã hội nói chung, phụ huynh nói riêng”.
Ông Nguyễn Hùng Khương đề xuất: “Nếu bắt buộc phải thực hiện xét tuyển thì chỉ nên thực hiện đối với các trường THPT có tỉ lệ chọi thấp. Còn các trường có tỉ lệ chọi cao nên tổ chức thi, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, giãn cách ở mức độ cao nhất”.
* Thầy Võ kim Bảo (giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM):
Không thi sẽ khó công bằng
Nên thi tuyển vào lớp 10 vì tôi nghĩ thời gian còn nhiều. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh với sự chỉ đạo nghiêm ngặt, ráo riết phòng chống dịch của thành phố thì vài tuần cũng ổn định rồi sẽ tổ chức thi.
Không thi thì xét tuyển có được không? Vẫn không thể nào xét tuyển được vì rất nhiều em có nhiều nguyện vọng vào trường mình mong muốn, có khi một trường có nhiều nguyện vọng. Nếu không thi sẽ khó công bằng và không đúng nguyện vọng của các em.
Ngoài ra, phải vào trường không như mình mong muốn sẽ rất thiệt thòi vì suốt một năm qua các em đã học tập rất vất vả, đi luyện thi khắp nơi. Nếu xét tuyển thì bây giờ không có cơ chế nào công bằng hết cho các em trong giai đoạn này.
Quan trọng nữa cần nhấn mạnh là các em luyện thi công sức rất là nhiều, nên tuyển hình thức khác mà không thi là khó công bằng với các em.
Muốn được cạnh tranh lành mạnh
“Năm nay em đăng ký dự thi vào lớp 10 chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THPT Gia Định. Ngoài ra, em còn đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10 thường. Nguyện vọng 1 vào lớp 10 thường của em là Trường THPT Bùi Thị Xuân – một trong những trường thuộc tốp đầu của thành phố.
Vì vậy em mong muốn được thi để cạnh tranh lành mạnh với các thí sinh khác” – P.Ng., học sinh lớp 9 ở quận 7 (TP.HCM), bày tỏ.
Nguồn: tuoitre.vn