Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp buộc các quốc gia Đông Nam Á phải tăng cường những biện pháp phòng chống mạnh tay hơn.
Các nhân viên y tế khử trùng tại khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan. |
Ca tử vong ở Thái Lan vượt mốc 1.000
Nhà chức trách Thái Lan thông báo, chỉ trong vòng 24 giờ qua, thêm 24 bệnh nhân Covid-19 ở nước này không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc tính tới sáng 31/5 lên 1.012 người. Tổng số ca mắc hiện là 154.307 người, tăng 4.528 trường hợp so với một ngày trước đó và là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới vượt mốc 4.500 người.
Theo báo Bangkok Post, Bộ Y tế Thái Lan sẽ ưu tiên phân phối vắc-xin cho thủ đô Bangkok trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng tới nhằm đạt mục tiêu chủng ngừa cho ít nhất 70% dân số vào tháng 7. Việc phân bổ vắc-xin cho các tỉnh khác sẽ thay đổi tùy theo mức độ lây nhiễm của từng địa phương.
Opas Karnkawinpong, lãnh đạo Cục kiểm soát dịch bệnh Thái Lan (DDC) cho biết, cơ quan này được giao trách nhiệm đảm bảo nguồn cung các vắc-xin Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sinovac. Ông Opas nói, số lượng vắc-xin đặt hàng được dự kiến sắp đạt mục tiêu 150 triệu liều do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đặt ra.
Malaysia công bố chi tiết kế hoạch phong tỏa toàn quốc
Chính phủ Malaysia hôm 30/5 đã công bố chi tiết kế hoạch áp phong tỏa toàn quốc trong 2 tuần từ ngày 1 – 14/6 để ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới. Theo đó, mọi trung tâm thương mại, ngoại trừ các siêu thị bán nhu yếu phẩm sẽ phải đóng cửa. Tất cả hoạt động sản xuất, dịch vụ không thiết yếu đều bị cấm.
Chỉ có 17 lĩnh vực dịch vụ thiết yếu, bao gồm cả chăm sóc y tế, thông tin liên lạc và truyền thông, thực phẩm và đồ uống, các tiện ích cơ bản cũng như ngân hàng được phép tiếp tục hoạt động. Nhà chức trách cũng sẽ cho phép các công ty thuộc 12 lĩnh vực sản xuất như chế biến thực phẩm và đồ uống, sản xuất thiết bị y tế, dệt may phục vụ sản xuất đồ bảo hộ y tế, sản xuất dầu mỏ và khí đốt, … duy trì hoạt động nhưng chỉ với 60% công suất bình thường.
Theo sắc lệnh mới, chỉ 2 người từ mỗi hộ gia đình sẽ được phép ra ngoài mua nhu yếu phẩm hoặc đồ y tế, trong phạm vi di chuyển tối đa là 10km.
Đài CNA dẫn lời Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Khairy Jamaluddin thông báo, Malaysia sẽ mở thêm nhiều trung tâm tiêm chủng trong tháng 6 để đẩy nhanh chương trình chủng ngừa Covid-19 toàn quốc. Theo ông Khairy, chính phủ đã trả tiền để huy động thêm hơn 1.000 bệnh viện tư nhân tham gia chiến dịch tiêm chủng đại trà kể từ ngày 15/6, ngoài con số 2.500 cơ sở như hiện nay.
Malaysia đã thoát được đợt bùng phát dịch nghiêm trọng vào năm ngoái bằng cách thực hiện các biện pháp cứng rắn, kể cả phong tỏa. Sau một thời gian nới lỏng hạn chế nhằm vực dậy nền kinh tế, Thủ tướng Muhyiddin Yassin hôm 29/5 đã quyết định tái triển khai phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng kỷ lục, vượt mức 8.000 ca/ngày.
Malaysia hiện ghi nhận tổng cộng 565.533 ca dương tính với virus corona chủng mới, trong đó 2.729 bệnh nhân đã tử vong.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
– Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 31/5 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 171 triệu người, gần 3,6 triệu ca tử vong. Song, hơn 153,1 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
– Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 34 triệu ca mắc và 609.544 bệnh nhân không qua khỏi.
– 117 nhân viên của bệnh viện Houston Methodist ở bang Texas, Mỹ đã đệ đơn kiện cơ sở y tế này bắt ép người lao động phải chủng ngừa Covid-19 nếu không muốn mất việc. Với lí do đòi hỏi của Houston Methodist vi phạm bộ luật Nuremberg có từ thời Thế chiến hai, nhóm nhân viên này yêu cầu tòa cấm bệnh viện buộc thôi việc các nhân viên không tiêm vắc-xin.
– Ủy ban trung ương về phòng, chống và điều trị Covid-19 của Myanmar thông báo gia hạn các biện pháp phòng dịch đến ngày 30/6 tới. Quyết định được đưa ra sau khi quốc gia Đông Nam Á ghi nhận thêm 40 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 143.526 người, bao gồm 3.216 ca tử vong.
– Một chuyên gia làm việc cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi Mỹ chia sẻ tất cả các thông tin tình báo họ thu thập được về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 với WHO và cộng đồng khoa học quốc tế.
– Chính phủ Nam Phi thông báo sẽ kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm và hạn chế số người tại các cuộc tụ họp để làm chậm lại tốc độ lây lan của virus.
– Các bộ trưởng Anh đang thận trọng xem xét có nên nới lỏng phong tỏa vào ngày 21/6 hay không khi các bệnh viện vẫn chịu nhiều sức ép và giới chuyên gia y tế cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 3 có thể đã bắt đầu tại nước này.
Nguồn: vietnamnet