Tòa án quân sự Myanmar đã kết án 28 người liên quan đến hai vụ đốt phá nhà máy thuộc sở hữu Trung Quốc ở nước này hồi tháng 3-2021.
Theo Hãng tin AFP, 28 người này bị kết án tới 20 năm tù vì đã đốt phá Nhà máy giày Myanmar Rong Wei New và Nhà máy dệt may Yuan Hong Garment. Cho tới nay, 19 trong 28 người này vẫn đang bỏ trốn.
Theo truyền thông Trung Quốc, những người biểu tình ở thành phố Yangon đã đốt phá hàng chục nhà máy dệt may thuộc sở hữu của Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua, gây thiệt hại khoảng 37 triệu USD.
Bắc Kinh khi đó nói 2 nhân viên nhà máy bị thương trong vụ việc và yêu cầu chính quyền Myanmar bảo vệ công dân cũng như tài sản của Trung Quốc.
Trong khi đó, các tài khoản Twitter của các nhóm ủng hộ dân chủ tại Myanmar cáo buộc, nhưng không cung cấp bằng chứng rõ ràng, là quân đội Myanmar đã thực hiện các vụ tấn công nhà máy để biện minh cho một vụ đàn áp khiến hàng chục người biểu tình thiệt mạng.
Biểu tình bùng phát trên khắp Myanmar sau khi quân đội tiến hành cuộc lật đổ chính quyền ngày 1-2, bắt giữ cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo của chính quyền dân sự. Cho tới nay, theo Hãng AFP, hơn 800 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi đã hầu tòa trực tiếp lần đầu tiên hôm 24-5. Cố vấn nhà nước Myanmar đang đối mặt với nhiều cáo buộc, trong đó có sở hữu các thiết bị bộ đàm không có giấy phép, vi phạm quy định hạn chế chống dịch COVID-19 trong chiến dịch bầu cử năm ngoái và tội danh nặng nhất là vi phạm bí mật quốc gia.
Trong một diễn biến liên quan, 9 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã đề xuất lược bớt một phần dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Myanmar, trong đó có việc bỏ lời kêu gọi cấm vận vũ khí đối với nước này.
Theo Hãng tin Reuters, mục đích của 9 quốc gia Đông Nam Á là để dự thảo nghị quyết có thể giành được sự ủng hộ nhất trí từ 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Một cuộc bỏ phiếu cho dự thảo nghị quyết về Myanmar đã bị hoãn vào phút cuối hồi tuần trước.
Nguồn: tuoitre.vn