Liên quan đến vụ 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo nghi sốc phản vệ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 6 người tử vong, thì đến 23h đêm 29/5 lại có thêm 1 bệnh nhân nam, 60 tuổi không thể qua khỏi tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, nâng số người tử vong khi chạy thận lên 7 người.
Bác sĩ cấp cứu bệnh nhân chạy thận nhân tạo nghi bị sốc phản vệ. Ảnh: N.P.
Nam bệnh nhân này tình trạng nguy kịch, từ buổi sáng đã được các bác sĩ tập trung hồi sức cấp cứu. Khoảng 21h, sau khi đoàn chuyên gia của Bộ Y tế làm việc với bệnh viện thì tình hình ông chuyển biến xấu. Tất cả các y bác sĩ lao vào bóp bóng, ép tim lồng ngực cho bệnh nhân. Cuối cùng tất cả nỗ lực vẫn không giành lại được tính mạng của bệnh nhân.
Một bệnh nhân nữ nguy kịch cũng đang được các bác sĩ cố gắng hết sức để giành giật mạng sống. 10 bệnh nhân nghi sốc phản vệ còn lại đã được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm 29/5.
Sự việc trên được Bộ Y tế đánh giá là tai biến y khoa nghiêm trọng nhất nhiều năm qua. Nguyên nhân tai biến đang điều tra, nghi ngờ ban đầu do sốc phản vệ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo ngành Y tế và tỉnh Hòa Bình cần nỗ lực bằng mọi cách cứu chữa cho bệnh nhân, đồng thời thăm hỏi và động viên người nhà những người bệnh trong vụ tai biến y khoa này.
Trước đó, vào lúc hơn 20h tối ngày 29/5, Bệnh viện đa khoa( BVĐK) tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo sau sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại Khoa Thận nhân tạo của BV.
Tại buổi họp, TS Trương Quý Dương- Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết, sáng 29/5, tại Khoa Thận nhân tạo có 18 máy chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận mạn. Sau 45 phút chạy thận, một số bệnh nhân này xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng… Ngay lập tức, Khoa đã cho dừng chạy thận và báo cáo sự việc đến lãnh đạo BV, Sở Y tế. BVĐK tỉnh đã huy động bác sĩ hồi sức cấp cứu hồi sức tích cực cho các bệnh nhân, đồng thời báo cáo đến Bộ Y tế, xin chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn từ BV Bạch Mai.
Lãnh đạo BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết, Khoa Thận nhân tạo đang điều trị chạy thận cho hơn 100 bệnh nhân. Sau ca tai biến với 18 người chạy thận sáng 29/5, khoa phải niêm phong toàn bộ trang thiết bị, thuốc men, hóa chất phục vụ cho công tác điều tra nguyên nhân. Bệnh viện ngừng tiếp nhận tất cả ca chạy thận nhân tạo khác.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Trần Quang Khánh, ngành y tế đang xây dựng kế hoạch phân luồng hơn 100 bệnh nhân còn lại phải chạy thận nhân tạo. Khoảng 24 trường hợp nặng được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình để chạy thận. Nơi đây chỉ có thể tiếp nhận số ít bệnh nhân và chia 4 ca chạy thận một ngày. Hơn 100 bệnh nhân khác sẽ được chuyển về Hà Nội.
TS Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng Khoa Thận Nhân tạo, BV Bạch Mai cho hay: “sự cố y khoa về chạy thận nhân tạo vẫn diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên về trường hợp của BVĐK Hòa Bình là rất hy hữu, là sự cố y khoa rất nghiêm trọng. Hiện nay chúng tôi đang cùng các bác sĩ của BVĐK tỉnh Hòa Bình và xin ý kiến các chuyên gia, các thầy để tập trung cứu chữa cho bệnh nhân tốt nhất.”
Về phía tỉnh Hòa Bình, chiều ngày 29/5, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã đến thăm, động viên, chia sẻ và hỗ trợ mỗi trường hợp bệnh nhân tử vong 5 triệu đồng, BVĐK tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng.
Về phía Bộ Y tế, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn lên làm việc, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình các bệnh nhân đã tử vong và bệnh nhân đang nằm điều trị.
Thay mặt Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các bệnh nhân đã tử vong. Đồng thời chia sẻ, thăm hỏi và động viên người bệnh đang tiếp tục điều trị tại Khoa Thận nhân tạo và đề nghị bệnh viện tập trung cứu chữa người bệnh, ổn định tâm lý bệnh nhân, thân nhân người bệnh và kể cả tâm lý cán bộ y tế../.
Nguồn dangcongsan.vn