Từ nay đến hết ngày 30/6, Công an TP Hà Nội tiếp tục triển khai các tổ lưu động thu nhận hồ sơ căn cước công dân trên toàn thành phố.

Công an TP Hà Nội vừa thông tin về công tác thu nhận hồ sơ căn cước công dân điện tử trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để công tác cấp căn cước công dân sớm hoàn thành theo đúng tiến độ, tạo thuận lợi giúp nhân dân trong thực hiện các giao dịch hành chính, công an TP lưu ý một số nội dung về việc thu nhận hồ sơ.

Hà Nội lập tổ lưu động thu nhận hồ sơ căn cước công dân gắn chíp
Theo Bộ Công an, đến nay đã thu thập hơn 43 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân trên toàn quốc

Cụ thể, từ nay đến hết ngày 30/6, công an TP triển khai các tổ lưu động để thu nhận hồ sơ căn cước công dân trên toàn thành phố. Tại trụ sở công an các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì và tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ; các đơn vị làm việc tất cả các ngày trong tuần.

Những trường hợp được cấp căn cước công dân điện tử là công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, hiện đang cư trú, làm việc trên địa bàn TP Hà Nội; các trường hợp đã được cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch cũ. Trong đó, tập trung ưu tiên số công dân tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2021.

Quét mã bằng điện thoại ra nhiều trường thông tin

Theo công an Hà Nội, căn cước công dân mới được thiết kế đẹp, bền, có gắn chíp điện tử, mã Qrcode, mã MRZ và song ngữ tiếng Việt – tiếng Anh phù hợp với việc giao lưu, hội nhập trong khu vực và trên quốc tế.

Mã Qrcode khi sử dụng Smartphone quét sẽ đưa ra được các thông tin cơ bản như: số căn cước công dân; họ và tên; giới tính; nơi thường trú; ngày cấp; số chứng minh nhân dân 9 số đã được cấp;

Đáng chú ý, trên chíp lưu trữ hơn 14 trường thông tin của công dân gồm số căn cước công dân; họ và tên, họ tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi đăng ký thường trú; đặc điểm nhận dạng: ngày cấp; ngày hết hạn; họ tên cha/mẹ, vợ/chồng; số chứng minh nhân dân 9 số đã được cấp; ảnh chân dung; đặc điểm trích chọn vân tay 2 ngón trỏ; dự phòng cho ảnh mống mắt, và các thông tin khác (mở rộng ứng dụng cho các bộ, ngành khác);

Khi chuyển sang căn cước công dân điện tử, công dân có thể thay thế cho sổ hộ khẩu, người dân khi thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính sẽ không phải mang theo nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng căn cước công dân điện tử để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.

Căn cước công dân mới có chứa số chứng minh nhân dân cũ trong chip, do đó không phải xin xác nhận hoặc làm chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan đến số chứng minh nhân dân cũ;

Mã QRcode trên căn cước công dân cho phép dùng điện thoại để quét lấy thông tin khi cần khai báo, không phải nhập bằng tay.

Theo nguồn tin từ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, khi công dân khi làm thủ tục tại các cơ quan nhà nước mà quên không mang theo căn cước công dân gắn chíp thì chỉ cần nhớ dãy số trên căn cước thì hệ thống dữ liệu sẽ trích xuất được đầy đủ các trường thông tin để làm thủ tục.

Khi bị mất thẻ căn cước công dân cũng như bị làm giả sẽ không sợ việc bị lợi dụng danh tính vì mức độ bảo mật cũng như chống làm giả của căn cước công dân gắn chip rất cao…

Ngay sau khi nhận được căn cước công dân có gắn chip điện tử, người dân có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay tức thời.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bộ công anCăn cước công dânHà Nội

Các tin liên quan đến bài viết