Liên minh châu Âu ngày 25-5 công bố trừng phạt kinh tế và cấm cửa hàng không với Belarus, sau vụ việc máy bay dân sự phải hạ cánh khẩn cấp vì báo động có bom và một nhân vật đối lập trên máy bay bị bắt.
“Chúng tôi không cần sử dụng cách này.
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Hamas tuyên bố không liên quan đến vụ dọa đánh bom máy bay ở Belarus.
Belarus và các nước phương Tây tiếp tục có những hành xử khác nhau, căn cứ trên hai cách giải thích về vụ việc một máy bay của Hãng Ryanair (Ireland) phải hạ cánh khẩn cấp xuống thủ đô Minsk hôm 23-5. Belarus khẳng định lực lượng Hamas ở Gaza dọa đánh bom máy bay, nhưng châu Âu cáo buộc Belarus ngụy tạo kịch bản cho vụ “không tặc” để bắt giữ nhân vật đối lập Roman Protasevich, 26 tuổi.
“Họ sẽ giết tôi”
Những tình tiết cụ thể hơn trong vụ bắt giữ tại Minsk ngày 23-5 tiếp tục được các nhân chứng hé lộ. Những hành khách trên chuyến bay FR4978 cho biết khi nhận được thông báo sẽ hạ cánh xuống Minsk, có một cặp đôi tỏ ra lo sợ hơn những người khác.
“Anh Roman đứng bật dậy, mở khoang hành lý và bắt đầu lấy đồ, chia mọi thứ ra” – một hành khách người Lithuania ngồi phía trước anh này kể lại.
Trước khi hạ cánh, Protasevich tỏ ra tuyệt vọng khi van nài các tiếp viên. “Đừng làm vậy, họ sẽ giết tôi” – anh nói. Lúc mới lên máy bay, anh đã nói với bạn bè mình đang bị theo dõi. Chiếc máy bay của Ryanair chở hơn 120 hành khách từ Athens (Hy Lạp) đến Vilnius (Lithuania) buộc phải chuyển hướng, đáp xuống Minsk sau khi nhận được cảnh báo có bom.
Sau khi hạ cánh, chính quyền Belarus bắt giữ Protasevich và bạn gái của anh. Lãnh đạo Hãng Ryanair trước đó cho biết có một số điệp viên đi theo Protasevich và cũng đã biến mất ở Minsk.
Truyền hình Belarus ngày 25-5 phát đoạn băng ghi hình anh Protasevich nói sau khi bị bắt, xác nhận đang bị giam giữ tại thành phố Minsk và hoàn toàn khỏe mạnh, được đối xử theo đúng pháp luật. “Tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nhân viên điều tra và thừa nhận việc tổ chức biểu tình ở Minsk” – anh nói.
Tuy nhiên, nhiều người đã nhận ra một số điểm bất thường. Hãng tin AFP nhận thấy trên trán Protasevich có một vết nhỏ màu đen. Ông Dzmitry Protasevich – cha của Roman – cho rằng mũi con trai ông đã bị gãy và trên mặt có nhiều phấn bột. “Đó không phải kiểu nói của con tôi. Nó rất dè dặt và mọi người cũng có thể thấy nó rất căng thẳng”, người cha nói.
Nhưng chính quyền Belarus tiếp tục đưa ra bằng chứng nói họ đã làm đúng luật và trách nhiệm, công bố bức thư dọa đánh bom máy bay dân sự của Hãng Ryanair, cho rằng nhóm Hamas đứng sau vụ việc.
“Chúng tôi, các chiến binh Hamas, yêu cầu Israel ngừng bắn ở Dải Gaza. Chúng tôi yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) dừng hỗ trợ Israel trong cuộc chiến này. Có một quả bom trên máy bay. Nếu không đáp ứng yêu cầu của chúng tôi, quả bom sẽ phát nổ tại Vilnius ngày 23-5”, bức thư viết.
“Không tặc” là ai?
Lãnh đạo 27 nước thành viên EU ngày 25-5 nhất trí trừng phạt Belarus, gồm trừng phạt kinh tế và cấm cửa hàng không. EU kêu gọi các hãng hàng không của khối “tẩy chay” không phận Belarus và cấm các hãng hàng không Belarus đi qua châu Âu. Đến nay nhiều hãng hàng không của Đức, Pháp, Hà Lan, Phần Lan và Ukraine tuyên bố sẽ không bay qua Belarus. Ngoài ra EU sẽ đóng băng khoản đầu tư 3 tỉ euro cho Belarus.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào những người có liên quan vụ việc, các doanh nghiệp và thực thể cung cấp tài chính cho chính quyền và cơ quan hàng không Belarus.
“Đây là một vụ không tặc do nhà nước (Belarus) bảo trợ” – Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cáo buộc. Căng thẳng leo thang rất nhanh khi Ý triệu tập đại sứ Belarus đến phản đối, trong khi Latvia và Belarus trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên án vụ việc và hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của châu Âu. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gọi điện cho phe đối lập Belarus bày tỏ sự ủng hộ của Washington. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ủng hộ việc mở cuộc điều tra độc lập vụ việc tại Belarus.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các nước sẽ khó làm gì Belarus. Dù cấm cửa hàng không với Belarus song EU không có thẩm quyền gì với các chuyến bay cất cánh, hạ cánh ở Belarus hay bay qua không phận nước này.
Đó là chưa kể Belarus nằm trên hành trình của nhiều tuyến hàng không của châu Âu và kết nối Âu – Á, nên việc “tẩy chay” không phận Belarus sẽ khiến các chuyến bay kéo dài hơn, tốn kém hơn cho các hãng hàng không.
Trước đó, Mỹ và châu Âu cũng đã nhiều lần trừng phạt Belarus sau cuộc bầu cử năm 2020 nhưng hầu như không có tác dụng.
Nga – quốc gia đã ủng hộ Belarus trong vụ việc – cũng bị cho là có liên quan. “Thật khó tin một hành động như vậy có thể diễn ra mà ít nhất không có sự đồng ý của chính quyền Matxcơva” – báo Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nêu nhận định ám chỉ.
Cho đến nay Nga vẫn kêu gọi các nước không nên hấp tấp đánh giá tình hình và Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định việc Belarus bắt giữ nhân vật đối lập là “hoàn toàn hợp lý”.
Nguồn: tuoitre.vn