Quốc hội nên nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động (Key Performance Indicator – KPI) của đại biểu, gồm các giá trị định tính và định lượng.
Hôm nay, hơn 69 triệu cử tri trong cả nước thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất là làm thế nào để lựa chọn được những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Mặt khác, làm thế nào để cử tri có thể giám sát, đánh giá được người đại biểu mà họ đã tin tưởng lựa chọn?
Tìm hiểu kỹ về các ứng cử viên trước ngày bỏ phiếu tại TP.HCM. |
Bằng lá phiếu của mình, cử tri sẽ trao quyền lực nhà nước của mình cho người mà họ thấy xứng đáng nhất, tin tưởng nhất. Nói cách khác, bầu cử thực chất là sự chuyển giao quyền lực nhà nước của nhân dân cho Nhà nước, là bước đầu tiên trong qui trình giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước và hạn chế sự tha hóa của quyền lực nhà nước.
ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước cử tri, đồng thời chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình, phải liên hệ chặt chẽ với cử tri và chịu sự giám sát của cử tri.
Trên thực tế hiện nay, hoạt động giám sát của cử tri đối với ĐBQH được thực hiện chủ yếu thông qua các cuộc tiếp xúc với cử tri. Theo đó, ĐBQH phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước liên quan; đồng thời báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và hoạt động của Quốc hội.
Về nguyên tắc, ĐBQH phải báo cáo trước cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình mỗi năm ít nhất một lần. Về phía mình, cử tri có thể trực tiếp hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc để yêu cầu ĐBQH báo cáo công tác và có thể nhận xét đối với việc thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH. Theo qui định, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri là một trong những trách nhiệm của ĐBQH.
Cam kết chính trị của ứng cử viên
Những năm qua, hoạt động của Quốc hội và của ĐBQH đã có những bước chuyển biến tích cực, được đông đảo cử tri quan tâm, ghi nhận. Mặc dù vậy, bên cạnh những ĐBQH hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ đúng lời hứa lúc vận động tranh cử, vẫn còn không ít ĐBQH thể hiện vai trò mờ nhạt, chưa đáp ứng được kì vọng của cử tri.
Đưa hòm phiếu vào tận nơi cách ly ở Bắc Ninh. |
Những ai quan tâm đến nghị trường đều dễ dàng nhận thấy dường như các hoạt động chất vấn, tranh luận, góp ý… chỉ xoay quanh một số gương mặt quen thuộc mà thôi. Không ít ĐBQH trải qua suốt cả nhiệm kì mà không để lại chút ấn tượng nào đối với cử tri, khiến cử tri có cảm giác những người đó chỉ việc “xuân thu nhị kì” lấp đầy ghế trống và… bấm nút!
Vậy làm thế nào để cử tri có thể giám sát được hiệu quả hoạt động của ĐBQH, người mà họ đã tin tưởng lựa chọn để uỷ thác quyền lực nhà nước và đại diện cho họ tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?
Nếu chỉ thông qua những buổi tiếp xúc cử tri hay những báo cáo nặng về tính hình thức và sáo mòn, rõ ràng là cử tri sẽ khó có thể đánh giá được mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ cũng như mức độ thực hiện chương trình hành động khi tranh cử của ĐBQH. Đấy là chưa nói, chương trình hành động của nhiều ứng cử viên còn rất chung chung, rập khuôn, sáo rỗng và khó có thể lượng hoá được khả năng thực thi.
Vì vậy, để có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của ĐBQH, trước hết cần phải thay đổi từ cách xây dựng chương trình hành động.
Cần nhấn mạnh rằng chương trình hành động không chỉ nhằm thuyết phục cử tri bỏ phiếu mà còn là định hướng hoạt động, là kim chỉ nam hành động xuyên suốt toàn bộ thời gian làm ĐBQH sau này. Đó không chỉ là lời hứa với cử tri mà còn là cam kết chính trị của ứng cử viên.
Trước hết, chương trình hành động phải bám sát quyền và trách nhiệm của ĐBQH theo luật định; có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn, với năng lực, trình độ và chuyên môn của ứng cử viên. Mặt khác, chương trình hành động cần nêu ngắn gọn, rõ ràng mục tiêu, hành động và kết quả cần đạt được gắn liền với từng hành động cụ thể.
Nội dung chương trình hành động cần thể hiện để cử tri thấy rõ nếu trúng cử, ứng cử viên sẽ thực hiện những hành động cụ thể nào, bằng những giải pháp gì và kết quả cần đạt được là gì.
Nên tăng cường tương tác với cử tri
Trên cơ sở đó, người trúng cử ĐBQH phải thường xuyên thông tin để cử tri biết những việc mà mình đã thực hiện và kết quả đã đạt được. Ngoài hình thức tiếp xúc cử tri trực tiếp, các ĐBQH nên tăng cường tương tác với cử tri thông qua việc sử dụng các phương tiện công nghệ và mạng xã hội.
Bằng cách này, ĐBQH sẽ dễ dàng, nhanh chóng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và rút ngắn khoảng cách với họ.
Thiết nghĩ, Quốc hội nên nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động (Key Performance Indicator – KPI) của ĐBQH.
Dựa trên chức trách, nhiệm vụ và chương trình hành động của từng ĐBQH, KPI được xây dựng bao gồm các giá trị định tính (dựa trên cảm nhận, ý kiến cá nhân) và các giá trị định lượng (được đo lường bằng con số cụ thể).
Hàng năm, KPI sẽ được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng ĐBQH một cách minh bạch, công khai để cử tri biết. Cách làm này vừa tạo động lực, vừa tạo áp lực buộc các ĐBQH phải không ngừng nỗ lực thực hiện các chức trách, nhiệm vụ và những cam kết chính trị (chương trình hành động) một cách tốt nhất có thể.
Trong doanh nghiệp, KPI là một trong những công cụ hiện đại và hữu hiệu giúp các nhà quản lý triển khai chiến lược lãnh đạo thành các mục tiêu quản lý và chương trình hành động cụ thể cho từng bộ phận và cá nhân.
Nếu biết cách vận dụng, KPI hoàn toàn có thể được sử dụng như là một công cụ để cử tri giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của ĐBQH – người mà họ đã tin tưởng, ủy thác quyền lực nhà nước bằng lá phiếu bầu.
Nguồn: vietnamnet