Kỳ thi vào lớp 10 đang sắp sửa diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước và đây là thời gian mà các sĩ tử cần có chiến thuật ôn luyện hợp lý và hiệu quả để có thể có được kết quả tốt nhất.
Cô Nguyễn Đức Tâm An, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19, các sĩ tử khối 9 cũng chuyển sang hình thức ôn tập online nhưng hoàn toàn có thể tận dụng thời gian được ở nhà nhiều để dồn sức cho hành trình về đích của mình.
Đọc lại, đọc sâu các văn bản văn học
Theo cô Tâm An, nhiều sĩ tử trong thời gian này có tâm lí “cuống”, mua ê hề những sách tham khảo, sách nâng cao,… Thực ra không nên ôm đồm đọc mở rộng trong thời điểm nước rút này, bởi dễ dẫn đến đuối sức.
Một nguy cơ nữa là những cách lí giải, bình giảng khác nhau cho cùng một câu thơ dẫn đến người học bị “tẩu hỏa nhập ma”, “đẽo cày giữa đường”, thấy ai nói cũng đúng mà thực chất lại không biết chắt lọc kiến thức nào là quan trọng, cần thiết.
Vì vậy trong thời gian này, các em nên đọc lại từng văn bản trong phạm vi ôn tập, đọc sâu, suy ngẫm cho ngấm. Vừa đọc, học sinh vừa dùng bút nhấn dòng tô đậm các chi tiết đặc sắc để ghi nhớ dẫn chứng phục vụ cho việc phân tích.
Cô Nguyễn Đức Tâm An, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) |
Ví dụ với tác phẩm truyện, nếu lần đọc đầu tiên khi học giống như “làm quen” với các nhân vật, thì ở lần đọc sâu này, các em được gặp lại, “ngắm nhìn” từng gương mặt, từ đó nảy sinh cảm xúc để hiểu hơn về tác phẩm.
Đối với văn xuôi, các em cần đọc để nhớ được hệ thống nhân vật, tình huống truyện, nội dung cơ bản, những nghệ thuật nổi bật (miêu tả ngoại hình, miêu tả diễn biến tâm lí, giọng điệu, ngôn ngữ độc thoại nội tâm,…).
Đối với thơ, cần đọc để nắm được mạch cảm xúc, những biện pháp tu từ nổi bật, tình cảm, tư tưởng của tác giả thể hiện qua bài thơ.
Các em cũng nên chú ý phát hiện và gạch chân những yếu tố Tiếng Việt xuất hiện trong văn bản, ví dụ khi đọc lại Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, các em phát hiện được thành phần biệt lập tình thái “có lẽ” trong câu văn “Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi”, hoặc phát hiện thành phần khởi ngữ “làm khí tượng” trong câu “Làm khí tượng, ở được cao thế mới là lí tưởng chứ” (Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa), đừng ngần ngại gạch chân và chú thích thêm vào sách để khắc sâu kiến thức.
Việc đọc sâu cũng giúp các em có thể lắng lại để tạo những liên tưởng về lẽ sống, tư tưởng, rất tốt để tạo được chiều sâu khi viết nghị luận xã hội.
Biết hệ thống hóa kiến thức
Với kiến thức Tiếng Việt, các em nên lập hoặc sưu tầm bảng tóm tắt kiến thức cơ bản, đơn giản như sau:
Các em nên ôn thật kĩ với những chủ đề được học trong lớp 9 như Các phương châm hội thoại, Khởi ngữ, Các thành phần biệt lập,… Đọc và ôn lại các kiến thức Tiếng Việt ở lớp dưới thông qua các bài Tổng kết về từ vựng, Tổng kết về ngữ pháp, khi ôn nên chú ý kiểu bài nhận biết và vận dụng khi viết đoạn văn nghị luận văn học.
Xác định những vấn đề thường được khai thác trong đề thi Văn vào lớp 10
Đề thi thường có 2 phần: phần khai thác văn bản đọc hiểu trong SGK và phần đọc hiểu ngữ liệu mở rộng toàn cấp và ngoài chương trình. Nội dung câu hỏi thường là:
– Nhận diện tên tác phẩm (0.5 điểm), tên tác giả (0.5 điểm), hoàn cảnh sáng tác (0.5 – 1.0 điểm), phương thức biểu đạt chính (0.5 điểm)
– Giải thích ý nghĩa từ ngữ (0.5 điểm), một hình ảnh, ý nghĩa nhan đề tác phẩm (1.0 điểm)
– Chỉ ra người kể chuyện, ngôi kể, tác dụng của việc lựa chọn ngôi kể (1.0 điểm)
– Trình tự của mạch cảm xúc trong các tác phẩm thơ. (0.25 – 0.75 điểm)
– Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp nghệ thuật đã học (so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ, nói giảm nói tránh…) (1 điểm)
– Tìm những văn bản, chép các câu thơ có nét tương đồng (hình ảnh, hoàn cảnh sáng tác, hình tượng, chủ đề…) (0.5 – 1.0 điểm)
– Nêu tình huống truyện, tác dụng của tình huống truyện… (1.0 điểm)
– Nhận diện đối thoại – độc thoại – độc thoại nội tâm. (0.5 – 1.0 điểm)
– Lời dẫn trực tiếp – Lời dẫn gián tiếp. (0.5 – 1.0 điểm)
– Hoàn cảnh sống, làm việc… của nhân vật. (0.5 – 1.0 điểm)
– Vẻ đẹp của nhân vật (phẩm chất, tâm hồn…) (0.5 – 1.5 điểm)
– Ý nghĩa của các chi tiết, hình ảnh, câu nói…; lí giải được nguyên nhân dẫn đến những tâm trạng, cảm xúc của nhân vật. (0.5 – 1.0 điểm)
– Xác định các kiểu câu, các thành phần biệt lập (phụ chú, cảm thán, tình thái, gọi – đáp), khởi ngữ… (0.5 – 1.0 điểm)
– Nhận diện các phép liên kết trong đoạn văn (0.5 điểm)
– Từ láy, từ ngữ phủ định, từ địa phương… (0.5 – 1.0 điểm)
– Đoạn văn nghị luận xã hội (1/2 – 2/3 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về những vấn đề gần gũi với cuộc sống hiện tại từ đó có những liên hệ cần thiết. (1.5 – 2.0 điểm)
– Đoạn văn nghị luận văn học (10 – 15 câu, theo các kiểu lập luận tổng – phân – hợp, diễn dịch, quy nạp, tích hợp các yêu cầu tiếng Việt: câu ghép, câu bị động, các phép liên kết câu, các thành phần biệt lập…) trình bày cảm nhận về một đoạn thơ (bài thơ) hoặc nhân vật trong tác phẩm văn xuôi… (3.5 – 4.0 điểm)
Nắm được những vấn đề cơ bản nêu trên ở mỗi văn bản đọc hiểu, các em sẽ chủ động hơn trong việc rà soát lại những kiến thức còn chưa vững.
Ôn tập kết hợp luyện đề, rèn kĩ năng làm bài
Khi luyện làm đề, các em có thể nhận ra những xu hướng ra đề những năm gần đây, tránh ôn lan man không hiệu quả mà lại được mài giũa kĩ năng làm bài khi luyện đề.
Rèn đọc đề: xác định những câu, từ ngữ chứa yêu cầu về nội dung và cách thức làm bài (trả lời cho câu hỏi: Đề yêu cầu làm gì và làm bằng cách nào?). Trong kĩ năng đọc đề, quan trọng nhất chính là đọc đề viết đoạn.
Ví dụ:
Trước khi viết, các em cần xác định yêu cầu kiểu đoạn (đoạn tổng phân hợp hay diễn dịch, quy nạp?), viết câu văn khái quát chủ đề đoạn theo yêu cầu, xác định mục tiêu về nội dung (đề giải quyết đề bài đó, cần có những ý gì và sắp xếp như thế nào?). Nên lập dàn ý chi tiết đến từng dẫn chứng, dẫn chứng phải tiêu biểu, chọn lọc sao cho sát nhất với vấn đề nghị luận. Dẫn chứng chỉ được tính điểm khi các em kết hợp tái hiện và phân tích, đánh giá, ví dụ: chi tiết này chứng tỏ tính cách nào ở nhân vật… Từ đó các em có thể tìm được những lời văn bình luận cho phù hợp. Với nghị luận xã hội, các em không sử dụng dẫn chứng nhân vật văn học để làm sáng tỏ cho vấn đề thực tiễn của đời sống.
Cô Nguyễn Đức Tâm An, giáo viên Ngữ văn cùng các học sinh khối 9 của Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
Phần nghị luận xã hội, các em không nên “ôn tủ”, tuy nhiên nên lưu ý ôn để giải quyết thuần thục được những vấn đề cơ bản về tư tưởng đạo lí (như tình yêu thương, sự sẻ chia, lòng yêu nước, lòng biết ơn,…), về hiện tượng đời sống (như bạo lực học đường, sử dụng mạng xã hội, chọn cách thần tượng, sự vô cảm,…)
Tuy nhiên, hãy dành sự quan tâm tới những vấn đề liên quan trực tiếp, thiết thân với các em khi ở ngưỡng cửa trưởng thành. Đó có thể là vai trò của những nguyên tố dẫn tới thành công (ý chí, nghị lực, sự chăm chỉ, sáng tạo, kiên trì, khiêm tốn,…), ý thức trách nhiệm của công dân, ý nghĩa của lí tưởng sống, vai trò của ước mơ, mối quan hệ giữa cái “tôi” với cộng đồng, trách nhiệm với tài nguyên, môi trường,… Nhất là khi gắn những vấn đề đó với một tình thế cụ thể của dân tộc (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc chiến chống Covid-19,…), thì vấn đề sẽ thu hẹp phạm vi và các em cần bàn luận tập trung hơn.
Cũng nên lưu ý dạng đề mở, đặt ra câu hỏi để thí sinh nêu quan điểm của mình, như: “Phải chăng hoàn cảnh khó khăn là cơ hội để khám phá khả năng của chính mình?”, “Phải chăng tuổi trẻ cần bước ra khỏi vùng an toàn của mình?”,…
Nguồn: vietnamnet