Tổng thống Joe Biden không nói rõ những nước nào được ưu tiên tiếp cận 80 triệu liều vắc-xin mà Mỹ sẽ chia sẻ.
Tổng thống Joe Biden, ngày 17/5, thông báo Mỹ sẽ gửi thêm 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 sau khi tuyên bố hồi tháng trước sẽ chia sẻ 60 triệu liều AstraZeneca với toàn cầu.
Số 20 triệu liều bổ sung bao gồm vắc-xin của các hãng Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.
Nước nào được ưu tiên nhận vắc-xin ngừa Covdi-19 từ Mỹ? |
Quyết định mới được đưa ra trong bối cảnh chính quyền ông Biden đang chịu nhiều áp lực về việc sử dụng vắc-xin dư thừa trong nước. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông sẽ phối hợp với chương trình Covax để phân phối số vắc-xin trên trong 6 tuần tới.
“Trong 6 tuần tới, Mỹ sẽ gửi tổng cộng 80 triệu liều vắc-xin ra nước ngoài, con số này chiếm 30% tổng số vắc-xin do Mỹ sản xuất. Đây sẽ là số vắc-xin nhiều hơn bất kỳ nước nào đã thực sự chia sẻ với các nước khác”, Tổng thống Biden nói.
“Chúng tôi sẽ không dùng vắc-xin của mình để đổi lấy sự ủng hộ từ các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ phối hợp với Cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu Covax và các đối tác khác, để đảm bảo vắc-xin được phân phối công bằng số vắc-xin trên, dựa theo dữ liệu khoa học và sức khỏe cộng đồng”, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định.
Những ngày qua, Mỹ đã tăng tốc triển khai tiêm chủng cho người dân, dẫn đến số ca nhiễm Covid-19 ở nước này giảm mạnh. Có tới 60% người trưởng thành và gần 50% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, trong khi tỷ lệ này ở châu Á chưa tới 5% và châu Phi khoảng 1%.
Thực tế này dẫn tới ngày càng nhiều lời kêu gọi ông Biden hãy hành động nhiều hơn nữa để chấm dứt tình trạng “phân biệt chủng tộc về vắc xin” như cách gọi của nhà hoạt động AIDS Asia Russell.
Trong thông báo về kế hoạch chia sẻ vắc-xin, Tổng thống Biden không nói rõ những nước nào sẽ được ưu tiên tiếp cận 80 triệu liều vắc xin nói trên.
Tuy nhiên, từ Ấn Độ, báo The Hindu chỉ ra rằng, dự kiến nước này sẽ nhận được một phần đáng kể. Trước đó, Tổng thống Biden từng tuyên bố sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ New Delhi đối phó với đại dịch, và Mỹ cũng đã chuyển đủ nguyên liệu thô từ các đơn đặt hàng sẵn có của Mỹ cho Viện Huyết thanh Ấn Độ để sản xuất 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca.
Hồi tháng 3, Mỹ đã chia sẻ hơn 4 triệu liều vắc-xin AstraZeneca cho Mexico và Canada. Pfizer/BioNTech cũng bắt đầu xuất khẩu vắc-xin sản xuất tại Mỹ tới các nước khác, trong đó có Mexico, Canada và Uruguay, tách biệt với kế hoạch chia sẻ vắc-xin mà Tổng thống Biden công bố.
Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus Tedros kêu gọi các nước, các nhà sản xuất và phát triển vắc-xin thúc đẩy việc cung cấp hàng trăm triệu liều qua sáng kiến Covax. Ông nói rằng các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nên làm nhiều hơn để giúp đỡ các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Trên trang web chính thức, Covax thông báo tính đến ngày 18/5, cơ chế này đã chuyển hơn 68 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 tới 124 nước tham gia.
Covax ra đời năm 2020, được vận hành chung bởi WHO, Liên minh Vắc-xin Toàn cầu (Gavi) và Liên minh Đổi mới Sẵn sàng vì Dịch bệnh (Cepi), với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) là đối tác triển khai chính. Mục đích là tập hợp các nỗ lực vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu và đảm bảo sự phân phối công bằng theo cơ chế mà các nước giàu hơn bù đắp chi phí vắc-xin cho các nước nghèo hơn.
Nguồn: vietnamnet