Hệ thống y tế Palestine vốn đã chịu áp lực từ dịch Covid-19, nay lại đối mặt những khó khăn đến từ các cuộc giao tranh với Israel gây ra.
Các y bác sĩ Palestine đang phải nỗ lực hết sức sau hơn một tuần các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và những tổ chức vũ trang của Palestine nổ ra.
“Bộ Y tế Palestine đang chiến đấu trên hai mặt trận ở Dải Gaza, một là mặt trận chống đại dịch Covid-19 và mặt trận còn lại với nhiều khó khăn hơn là điều trị cho những người bị thương do xung đột với Israel”, người đứng đầu khoa phẫu thuật tại bệnh viện At Shifa nằm trong Dải Gaza, ông Marwan Abu Sada nói với hãng Reuters.
Bác sĩ Marwan Abu Sada chăm sóc bệnh nhi hôm 17/5. |
Bệnh viện At Shifa, nơi bác sĩ Abu Sada làm việc, là cơ sở y tế lớn nhất trong số 13 bệnh viện và 54 phòng khám phục vụ cho khoảng 2 triệu người dân sinh sống ở Dải Gaza. Theo hãng Reuters, số giường chăm sóc đặc biệt được lắp đặt tại đây đã tăng gấp đôi sau khi số người bị thương do xung đột tăng lên.
Và giống với nhiều cơ sở y tế khác của Palestine, bệnh viện có 750 giường này đã phải đối mặt tình trạng thiếu thốn thuốc men và các trang thiết bị y tế trước ngày 10/5, thời điểm các cuộc giao tranh nổ ra.
“Các loại thuốc thiết yếu và dụng cụ y tế sử dụng một lần bị thiếu hụt trầm trọng. Nhiên liệu được dùng cho các máy phát điện cung cấp năng lượng cho nhiều bệnh viện ở Dải Gaza cũng đang dần cạn kiệt”, bác sĩ Abu Sada nói thêm.
Theo hãng tin Reuters, nguyên nhân hệ thống y tế Palestine thiếu thốn thuốc men là bởi chính quyền Israel đã chặn nhiều chuyến xe vận chuyển hàng cứu trợ từ Ai Cập tới Dải Gaza, với lý do những chuyến hàng này có thể sẽ cung cấp vũ khí cho các tổ chức dân quân vũ trang như Hamas.
Trong khi đó số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, các cơ quan chức năng Palestine tại Dải Gaza, khu vực với khoảng hai triệu dân sinh sống, đã ghi nhận hơn 106.000 ca dương tính với Covid-19 và 986 trường hợp tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại đây.
“Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống y tế tại Dải Gaza có thể bị xếp vào dạng yếu kém nhất với nhiều trang thiết bị y tế lạc hậu, các tòa nhà cũ kỹ, thiếu nhân lực có chuyên môn về y tế được đào tạo một cách bài bản và các loại thuốc thiết yếu thường xuyên bị thiếu hụt”, người đứng đầu cơ quan WHO tại Dải Gaza, ông Sacha Bootsma nói với hãng tin Reuters.
Số liệu thống kê từ Bộ Y tế Palestine ngày 18/5 cho biết, các cuộc tấn công của quân đội Israel tại Dải Gaza thời gian gần đây đã khiến 217 dân thường thiệt mạng, trong đó có 36 phụ nữ, 63 trẻ em, và hơn 1.500 người khác bị thương.
Nguồn: vietnamnet