Nhiều năm qua, tuyến đường ĐT755, đoạn qua 4 thôn (4, 6, 11 và 12) của xã Thống Nhất (Bù Đăng) với chiều dài hàng chục kilômét bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hằng ngày có khoảng 1.500 học sinh các trường: Mẫu giáo Anh Đào, tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, THCS Thống Nhất và THPT Thống Nhất phải đi qua đoạn đường “đau khổ” này để đến lớp. Mỗi khi mưa lớn, đường lầy lội, học sinh thường đi học trễ, nếu đi xe đưa rước thì trễ cả xe, thậm chí có em phải nghỉ học hoặc đến lớp trong tình trạng áo quần lấm lem.
Vào mùa mưa đường trơn trượt, nhiều phương tiện bị trượt, đổ trên đường, xe đưa rước bị mắc lầy nên học sinh phải xuống xe đứng đợi
Từng đi công tác qua đoạn đường này vào mùa khô và được “thưởng thức” làn bụi mờ mịt mỗi khi có xe đi ngược chiều nên tôi rất ngại quay lại. Giờ đi trên đoạn đường này vào mùa mưa, tôi càng thêm hiểu nỗi khổ mà người dân và học sinh nơi đây phải gánh chịu.
Nhiều học sinh bỏ học vì đường quá tệ
Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi có 4 điểm trường, trong đó 3 điểm trường cạnh tuyến đường ĐT755 với 500 học sinh. Mỗi ngày đến lớp là nỗi ám ảnh đối với phụ huynh và thầy – trò. Hiệu phó Nguyễn Thị Huyền Thương cho biết: “Nhiều năm nay, sức khỏe và việc đi lại của giáo viên, học sinh không được đảm bảo an toàn. Mùa khô, để giữ sạch trang phục, giáo viên phải mặc áo mưa chống bụi dù trời nắng chang chang. Còn mùa mưa, giáo viên và học sinh bị té khi đến trường là chuyện thường. Mới đây trường có 2 giáo viên bị tai nạn do đường trơn trượt, trong đó 1 giáo viên phải nghỉ dạy để điều trị. Việc thầy đi dạy trễ, học sinh đến lớp thất thường do đường xấu, lưu thông khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học của trường”.
Cùng trên tuyến đường, Trường mẫu giáo Anh Đào cũng đang gặp khó khăn không kém. “Trường có 310 học sinh, mùa mưa mỗi ngày số học sinh đi học chỉ đạt 70%. Đợt vừa qua mưa nhiều, trường có 11 em không đến lớp. Ban giám hiệu cùng giáo viên chủ nhiệm đến vận động nhiều lần, sau đó chỉ có 3 em tiếp tục theo học với điều kiện giáo viên phải chịu trách nhiệm đưa rước, nhưng cũng đi học không đều” – Hiệu trưởng Lê Thị Thu cho hay.
Thầy Nguyễn Đình Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất cho biết: Trường hiện có khoảng 1.000 học sinh, số em ở 4 thôn có tuyến đường ĐT755 đi qua chiếm 60%. Có em nhà ở xa trường 20km nên những ngày mưa, xe bị lầy, tan học tầm 5 giờ chiều nhưng phải hơn 9 giờ tối các em mới về đến nhà, dẫn đến người mệt mỏi, không có tâm trạng để học và ôn bài. Cũng do đường xấu, việc đi lại khó khăn nên năm học 2015-2016, một số học sinh của trường đã bỏ học.
“Với 585 học sinh, trong đó có 140 học sinh ở 4 thôn 4, 6, 11 và 12 nên vào ngày mưa số học sinh vắng nhiều nhất trên 30 em. Nhiều em đi xe máy phải bọc xích vào vỏ bánh xe mới đi được nên đến trường thì quần cũng lấm lem” – cô Nông Thị Thái, Hiệu phó Trường THPT Thống Nhất cho biết. “Lớp của tôi có 10 học sinh ở 4 thôn có đường ĐT755 đi qua, những em này thường đi trễ so với giờ học và luôn trong tình trạng mệt mỏi. Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em cũng như của trường” – thầy Trần Thanh Du, chủ nhiệm lớp 72, Trường THCS Thống Nhất nói.
Học sinh ở các thôn 4, 6, 11 và 12, xã Thống Nhất đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn và không có phương tiện đi lại, do đó chi phí xe đưa rước học sinh mỗi tháng 400-600 ngàn đồng là quá sức đối với phụ huynh. Em Trần Thế Luận, học sinh lớp 7A3, Trường THCS Thống Nhất cho biết: Đi học bằng xe đưa rước phải đóng 400 ngàn đồng/tháng, tưởng tránh được bụi bẩn, mưa ướt nhưng khổ vẫn hoàn khổ. Những hôm xe bị lầy phải ở lại chờ hàng giờ, về đến nhà cũng 10 giờ đêm, chúng em chỉ kịp nghỉ ngơi để hôm sau dậy lúc 5 giờ 15 phút để kịp đón xe đi học.
Cần sớm nâng cấp tuyến đường
Không chỉ học sinh mà các doanh nghiệp, gia đình vận chuyển nông sản, phân bón, hàng hóa qua tuyến đường này cũng “kêu trời”. Anh Nông Quang Trung, lái xe đưa rước học sinh, cho biết: Có hôm trả học sinh xong về đến nhà cũng 11 giờ khuya, lại tốn thêm chi phí vì mỗi khi xe mắc lầy phải thuê xe khác đến kéo.
Anh Trần Văn Tâm ở thôn 3, xã Thống Nhất, thường xuyên lưu thông trên đoạn đường “đau khổ” này cho biết: Để khắc phục tình trạng lầy lội, hằng năm người dân phải đóng góp từ 200-300 ngàn đồng/hộ, các nhà xe đưa rước học sinh và doanh nghiệp ở các thôn đóng góp 1 triệu đồng/đơn vị để sửa chữa đường, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đó.
Ông Nguyễn Huy Long, Bí thư Đảng ủy xã Thống Nhất cho biết: Đoạn đường ĐT755 đi qua 4 thôn dài 13,5km, thuộc dự án PRA (Nam Cát Tiên) do tỉnh quản lý. Đây cũng là con đường huyết mạch của xã. 4 thôn ở dọc trục đường này có trên 1.000 hộ dân sinh sống, chiếm 50% số dân toàn xã. Mặc dù xã đã đề xuất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư làm mới, nâng cấp hay sửa chữa. Kinh phí sửa chữa đường hằng năm đều do xã vận động người dân và doanh nghiệp (từ 80-100 triệu đồng/năm), nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển. Năm 2015, xã chi gần 200 triệu đồng nâng cấp sửa chữa nhưng đường đã hư hỏng nặng. Tháng 10-2016, xã vận động các doanh nghiệp đóng góp sửa chữa, nhưng do kinh phí có hạn nên chỉ san lấp những điểm xấu nhất. Hiện hầu hết người dân ở các thôn có đoạn đường đi qua đều mong muốn đường sớm được nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa bàn và trả lại nụ cười cho học sinh mỗi khi tới trường.
Ngọc Bích (BPO)