Làm thế nào để khắc phục tình trạng học giả bằng thật? Tôi nghĩ ở đây cần phân biệt hai chuyện. Một là chuyện các em học sinh tuy học kém nhưng vẫn lên lớp, thậm chí vẫn là học sinh tiên tiến.
Ở đây có lỗi của học sinh một phần, nhưng cái chính là lỗi của nhà trường, của thầy cô giáo và một phần của cả phụ huynh học sinh. Ngoài những nguyên nhân tiêu cực do quan hệ, bệnh thành tích là cái tạo nên nhiều hệ lụy trong chuyện này.
Muốn có học thật, thi thật thì dứt khoát phải khắc phục triệt để bệnh thành tích, đổi mới hoạt động thi đua, đừng để thi đua trở thành áp lực đối với nhà trường và giáo viên. Ngay cả cách đánh giá học sinh cũng phải thay đổi. Muốn có học thật, thi thật thì cách đánh giá, cho điểm cũng phải thay đổi, phải “thật”.
Vấn đề thứ hai của chuyện học thật, thi thật liên quan đến việc đi học của người lớn. Chúng ta đang cổ vũ cho việc học tập suốt đời, xây dựng một xã hội học tập. Việc này có ý nghĩa xã hội và kinh tế rất lớn.
Tuy nhiên ai cũng thấy ở đây đang xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực đáng buồn. Nhiều người đi học không phải để nâng cao hiểu biết, tay nghề mà chủ yếu là để được nâng lương, để được đề bạt vào chức vụ này chức vụ kia.
Nhất là đối với cách học để lấy bằng hai. Nhiều người thắc mắc không hiểu ông ấy, bà ấy là người có chức vụ, trọng trách nặng nề lấy đâu ra thời gian để học mà lại có nhiều bằng cấp như vậy. Cái cốt yếu là phải xác định cho đúng mục đích của việc học.
Học là để có kiến thức, nâng cao hiểu biết, rèn luyện tay nghề. Không nên xem học là phương tiện để làm việc khác. Chừng nào mục tiêu của việc học được xác định đúng đắn thì lúc đó mới có học thật, thi thật.
Thật với chính mình
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của tân bộ trưởng Bộ GD-DT trong thư gửi toàn ngành khi mới nhậm chức.
Nghề nhà giáo phải được vinh danh xứng đáng, nhưng muốn được vinh danh trước hết nhà giáo phải làm tròn sứ mạng của mình.
Chuyện học thật, thi thật cũng vậy, phụ thuộc chủ yếu ở nhà trường, ở thầy cô giáo. Cái chính là phải thật với chính mình.
Nguồn: tuoitre.vn