“Chúng tôi sẽ tiếp tục công khai thông tin bằng nhiều hình thức đối với các dự án quy hoạch để người dân không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng, trục lợi. Có chính sách kiểm soát lãi vốn vay để đầu tư dự án bất động sản phù hợp. Sở sẽ lấy ý kiến sửa đổi Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND ngày 16-10-2020 của UBND tỉnh ban hành Quy định hạn mức tách thửa đất theo hướng: Siết chặt việc phân lô tách thửa, quy định chặt chẽ điều kiện để được tách thửa đất, tăng diện tích tối thiểu tách thửa đất; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đất đai, nhất là các dự án lớn của tỉnh, nâng cao sự hiểu biết của người dân” – ông Dương Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhấn mạnh các giải pháp góp phần “hạ nhiệt” cơn sốt giá đất hiện nay.
Nhiều lo ngại khi giá đất tăng cao
Thời gian qua, tình trạng giá đất tăng “đột biến” từ thành thị tới nông thôn diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Bình Phước. Đối với Bình Phước, theo phân tích của ông Dương Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT, giá đất liên tục “nhảy múa” xuất phát từ nhiều nguyên nhân cơ bản. Về chủ quan, thứ nhất do định hướng phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh như: Xây dựng các tuyến đường giao thông trọng điểm, các khu – cụm công nghiệp, khu dân cư. Thứ hai, đất không tăng mà người ngày càng đông, nhu cầu sử dụng đất càng cao. Thứ ba, việc lập quy hoạch, kế hoạch để phát triển làm giá đất tăng theo. Thứ tư, do dịch Covid-19 nên vốn đầu tư vào sản xuất – kinh doanh không hiệu quả, người dân chuyển qua kinh doanh bất động sản. Các nguyên khách quan này không kiềm chế được. Còn đối với nguyên nhân khách quan, thứ nhất là lãi suất ngân hàng thấp (do ảnh hưởng Covid-19), người dân không gửi tiền vào ngân hàng mà chuyển qua mua đất có lợi nhuận hơn nên tập trung tiền vào kinh doanh bất động sản, góp phần đẩy giá đất tăng cao. Thứ hai, một số thông tin dự kiến đưa vào quy hoạch đang khảo sát, chưa được phê duyệt nhưng người dân chưa tìm hiểu rõ quy hoạch, trong khi giới đầu cơ lợi dụng đưa thông tin không chính xác nhằm tạo thị trường ảo thu hút người khác tham gia vào mua bán trục lợi. Thứ ba, người dân thiếu hiểu biết, tâm lý chạy theo đám đông bị cuốn theo giới đầu cơ đất (ví dụ điển hình như dự án sân bay Technic, đường ĐT753…). Thứ tư, người dân chưa am hiểu chính sách, pháp luật về đất đai nên còn diễn ra việc chuyển nhượng, sang tay đất đai chưa theo quy định tạo điều kiện “cò đất” mua đi bán lại lướt sóng.
Giá đất tại các tuyến đường vào Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Đồng Phú và quy hoạch Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng tăng chóng mặt
Theo phân tích của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, các khu vực có quy hoạch hoặc hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện, thường là cơ sở để giá đất tăng. Các khu vực “ăn theo” hoặc chỉ tăng giá dựa trên thông tin chung thì không nên được nhìn nhận là nguyên nhân thật sự dẫn đến hiện tượng tăng giá đất. Sự tăng giá này chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực. Điển hình như địa bàn huyện Đồng Phú, khi dự án 5 tuyến đường kết nối từ ĐT741 vào Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Đồng Phú và quy hoạch Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng, vài tháng nay, giá đất đã tăng chóng mặt. Những địa bàn vùng sâu, xa, cách xa trung tâm hành chính huyện khoảng 20km, giá đất từ chỗ chỉ vài chục triệu đồng, nay tăng vọt lên gần 300 triệu đồng, có vị trí trên 300 triệu/mét ngang. Anh Mông Văn Tài, Trưởng ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa cho rằng: “Giá đất này là ảo, vì thực tế đường chỉ mới định hình. Tôi e rằng, khi giới đầu cơ đến đây lướt sóng, người dân hám lợi làm theo. Sau đó, giới đầu cơ đi hết, người dân ôm cục nợ là không tránh khỏi”.
Hiện tượng sang nhượng đất nền, thậm chí là đất sào, đất mẫu đã và đang diễn ra tràn lan tại nhiều địa bàn trong tỉnh. Nóng nhất hiện nay, ngoài huyện Đồng Phú, còn phải kể đến Chơn Thành, Đồng Xoài và một số địa bàn khác. Chính quyền các địa phương đã cảnh báo bằng văn bản. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. “Xã là địa bàn trọng điểm được đầu tư phát triển dự án dịch vụ, công nghiệp và dân cư. Một số cơ sở hạ tầng được Nhà nước tích cực đầu tư nhằm hoàn thiện hơn nữa trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Rất nhiều đối tượng nhằm mục đích đầu cơ, mua đi bán lại, lướt sóng, rao bán, thậm chí chỉ mới đặt cọc đã rao bán và bán luôn với giá tăng lên gấp nhiều lần” – ông Phạm Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Minh Thành, huyện Chơn Thành lo ngại.
Bài học về công tác quản lý
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó chủ tịch HĐND xã Tân Hòa khá băn khoăn về dự án 5 tuyến đường kết nối từ ĐT741 vào khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Đồng Phú và quy hoạch Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng. Bởi “nếu dự án này sớm triển khai là điều đáng mừng. Địa phương có điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, đợi đến 10 năm sau mới triển khai thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo tôi, phải công bố công khai dự án, công bố khung giá đất để người mua, người bán có cơ sở giao dịch và địa phương giám sát, quản lý” – ông Tỉnh nói.
Chú trọng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm hoạt động này tuân thủ quy định pháp luật; có biện pháp quản lý chặt chẽ sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt; tiếp tục xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định pháp luật; có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. |
Ông Dương Hoàng Anh Tuấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất |
Công bố đầy đủ chi tiết quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng, cập nhật cụ thể tới người dân là một trong các giải pháp được các chuyên gia nghiên cứu về bất động sản nhấn mạnh nhằm kiểm soát “sốt đất”. Cùng với đó, đưa ra các chế tài chặt chẽ để kiểm soát thị trường và đảm bảo sự công khai minh bạch trong ngành bất động sản. Theo Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT, việc để xảy ra tình trạng “sốt đất” tại các địa phương trong suốt thời gian vừa qua là bài học về công tác quản lý thị trường bất động sản chưa làm thấu đáo dẫn tới việc để môi giới lợi dụng gây “nóng” thị trường. Bộ TN&MT cũng đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất. Đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định pháp luật.
“Nhà tôi cũng có đất, vườn, các tuyến đường của dự án này ngang qua. Đất có giá vừa mừng nhưng vừa lo và hoang mang nữa, vì chỉ trong vài tháng giá đất tăng cấp số nhân từ 80-90 triệu đồng/mét ngang, nay tăng gấp 3,4 lần”. |
Ông Trịnh Quang Phương ấp Chợ, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú |
Ông Dương Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định: Thời gian qua, việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện theo đúng quy định chính sách pháp luật về đất đai. Các dự án lớn của tỉnh đều được sở phối hợp với các sở, ngành, địa phương đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, tham mưu trình HĐND tỉnh thông qua và trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau đó, UBND cấp huyện công bố công khai các dự án, trong đó có dự kiến thời gian thực hiện cụ thể. Đối với các dự án trọng điểm của tỉnh, sau khi thống nhất chủ trương thực hiện đều được công khai trên trang thông tin điện tử của tỉnh và được cơ quan báo chí công khai thông tin. Tuy nhiên, theo yêu cầu đặt ra hiện nay của bộ đối với các tỉnh, thành phố, là phải thực hiện công bố quy hoạch và công khai bảng giá đất, đảm bảo chỉ cần truy cập vào các website, cổng thông tin các địa phương là có thể nắm được giá đất.
Hiện nay, Tổng cục Quản lý đất đai đang tổng hợp báo cáo từ các địa phương để phân tích nguyên nhân trên cơ sở văn bản gửi các địa phương của Bộ TN&MT yêu cầu kiểm tra, báo cáo tình trạng “sốt đất”. Đồng thời, Tổng cục Quản lý đất đai cũng đã có kế hoạch kiểm tra, thanh tra các vấn đề có liên quan tại 26 địa phương trên cả nước.
Theo Báo Bình Phước