Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, những ngày qua, một số địa phương đã chủ động giăng lưới “bắt giặc” COVID-19 bằng việc xét nghiệm ngẫu nhiên.
Đây là hành động cho thấy các địa phương đã chủ động tầm soát, truy vết sớm một bước trước khi phát hiện các ca nhiễm và là một cách chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công mà Thủ tướng Phạm Minh Chính mới nêu ra trong đợt dịch này.
TP.HCM truy vết, khoanh vùng sớm một bước
Nhận định tình hình dịch đợt này phức tạp hơn những lần trước, ngay trong ngày lễ 30-4, TP.HCM đã mở rộng lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên tại những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, khu du lịch, chợ, sân bay, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ vận chuyển, khu chế xuất…
Đến sáng 10-5, TP.HCM đã lấy 12.753 mẫu và tất cả đều có kết quả âm tính bên cạnh việc lấy mẫu giám sát 1.499 người đến từ các tỉnh thành khác sau dịp nghỉ lễ. Tin vui là tất cả cũng đều có kết quả âm tính.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, khi lực lượng nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên ở các điểm nguy cơ nêu trên tại địa bàn TP.HCM, nhiều người dân chưa hay chủ trương này đã tỏ ra lo lắng vì nghĩ có ca bệnh mới. Khi nhân viên y tế giải thích mục đích lấy mẫu xét nghiệm, họ đều an tâm và sẵn sàng hợp tác.
Nhiều người dân cho rằng nếu ca nhiễm cộng đồng được phát hiện vô tình qua việc đi khám bệnh hoặc từ truy vết F0 thì việc khoanh vùng có thể đã trễ, bị động, việc truy vết như “đuổi hình bắt bóng” thì việc chủ động xét nghiệm ngẫu nhiên này đã phần nào giải bớt những nỗi lo.
Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong chuyên khoa truyền nhiễm tại TP.HCM cho rằng việc xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên trong cộng đồng là cực kỳ cần thiết khi tình hình dịch “nóng bỏng” như hiện nay, giúp việc truy vết, khoanh vùng sớm hơn một bước, từ đó phát hiện sớm nguồn lây trong cộng đồng.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên trong cộng đồng thường áp dụng phương pháp test nhanh, mang ý nghĩa nghiên cứu dịch tễ học là chính, giúp đánh giá mức độ nhiễm bệnh của một cộng đồng, từ đó có phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp.
Vấn đề không chỉ nằm ở việc xét nghiệm tầm soát mà điều quan trọng nữa là người dân phải khai báo y tế trung thực, tuân thủ thông điệp 5K mới tránh được việc “đuổi hình bắt bóng” dù đã xét nghiệm tầm soát.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường
Vĩnh Phúc thực hiện “chiến lược đánh chặn”
Lần thứ hai trong vòng hơn một năm, tỉnh Vĩnh Phúc bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ngày 10-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Thành – chủ tịch UBND tỉnh – cho biết đến nay tỉnh đã truy được nguồn gốc của tất cả trường hợp F0 trước đó đã được khoanh vùng, cách ly theo “chiến lược đánh chặn”, xét nghiệm ngẫu nhiên.
Ông Thành cho hay tỉnh đã có kinh nghiệm chống dịch trong đợt dịch đầu tiên năm 2020 là điều tra truy vết, đuổi theo dịch để dập dịch. “Tuy vậy với chủng virus Ấn Độ ở đợt dịch này, nếu chúng tôi vẫn thực hiện phương pháp điều tra truy vết thì sẽ không kịp vì tốc độ lây lan quá nhanh. Vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thực hiện “chiến lược đánh chặn” để dập dịch hiệu quả hơn” – ông Thành nói.
Theo chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ đạo của Bộ Y tế là xét nghiệm đến F1 nhưng Vĩnh Phúc đã báo cáo với Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ chuyển sang xét nghiệm cả trường hợp F2 và cả những người có nguy cơ lây nhiễm cao, những trường hợp trong cộng đồng ở khu dân cư gần với F0, ở các chợ, trung tâm siêu thị, các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao… Như vậy, số người được xét nghiệm sẽ tăng lên gấp nhiều lần và sẽ không bị bỏ lọt các ca nhiễm.
“Mục đích chúng tôi xét nghiệm như trên là để “giăng lưới” bao vây, khoanh vùng, đánh chặn, phát hiện sớm nhất các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm để đưa đi cách ly” – chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ. Đặc biệt, từ ngày 1-5, tỉnh đã thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên cho bác sĩ, bệnh nhân, người nhà…
“Những nơi được gọi là có nguy cơ lây nhiễm cao, tất cả những người tham gia chống dịch, tất cả các bệnh viện, các khu dân cư gần với F0, các trường hợp F2 đều được xét nghiệm” – ông Thành nhấn mạnh.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác định đẩy nhanh tốc độ rà soát. Theo ông Thành, để triển khai được biện pháp trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng công suất xét nghiệm lên 5 lần, và dự kiến sắp tới sẽ tăng công suất xét nghiệm từ 5 đến 10 lần.
Khi phát hiện F0, chậm nhất là 2 giờ sau phải lập chốt kiểm dịch, cách ly y tế khu dân cư nơi F0 sinh sống và chậm nhất là 10 giờ sau phải có kết quả xét nghiệm được hết F1, thay vì trước đây các F1 có thể có kết quả từ 1 đến 2 ngày sau.
Đánh giá được nguy cơ dịch
Ông Hoàng Đức Hạnh – phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội – chia sẻ từ 7-5 Hà Nội đã triển khai lấy 15.000 mẫu ở các khu vực nguy cơ cao như trước cổng Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, các bến xe, chợ đầu mối, khu công nghiệp… Đây là đợt lấy mẫu chủ động kế tiếp, sau khi Hà Nội đã xét nghiệm chủ động cho 25.000 nhân viên y tế và hàng ngàn bệnh nhân, thuộc nhóm nguy cơ cao thời gian vừa qua.
“Trong đợt lấy mẫu chủ động mới nhất, chúng tôi đã kiểm tra trước 150 mẫu khu vực trước cổng Bệnh viện K và 500 mẫu xung quanh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Tất cả các mẫu này đều âm tính, cho thấy dịch vẫn khu trú tại một số khu vực trong bệnh viện chứ chưa xâm nhập vào cộng đồng lân cận” – ông Hạnh cho biết.
Theo ông Trần Đắc Phu – chuyên gia cao cấp của Văn phòng đáp ứng phòng chống dịch khẩn cấp Bộ Y tế, Đà Nẵng cũng triển khai lấy mẫu chủ động khá rộng trong cộng đồng dân cư, Bắc Giang khi phát hiện ổ dịch cũng đã lấy mẫu rộng, Bệnh viện K đã xét nghiệm rộng rãi toàn bệnh viện… “Khi xét nghiệm rộng rãi sẽ đánh giá được nguy cơ dịch, là chủ động phòng chống chứ không phải khi có ca bệnh mới truy vết, xét nghiệm” – ông Phu nhận định.
Muốn chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công” phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
TP.HCM tiếp tục xét nghiệm diện rộng
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại chợ Thái Bình (quận 1, TP.HCM)
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 10-5, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho rằng nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan ở TP.HCM rất lớn với 6 nguy cơ: lượng lớn người dân trở về sau dịp chơi lễ; cửa ngõ giao thông quốc tế với một sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ; có nhiều khu cách ly tập trung; nhiều người sau cách ly tập trung trở về, trong đó có các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh làm việc; nhiều bệnh viện tuyến cuối và tình trạng nhập cảnh trái phép.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết ngành y tế chuẩn bị kịch bản dịch lan rộng trong cộng đồng từ thấp đến cao bằng việc dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm (90.000 test PCR và 30.000 test nhanh sẵn có, chuẩn bị mua thêm 200.000 test PCR và 100.000 test nhanh); phối hợp giữa cơ sở y tế của TP và trung ương trên địa bàn (24 cơ sở) đảm bảo công suất xét nghiệm (15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 30.000 – 40.000 mẫu đơn).
Tất cả 22 trung tâm y tế và các bệnh viện công lập tổ chức 2-3 đội lấy mẫu tại mỗi đơn vị (tổng cộng 250 đội), ngoài ra còn huy động lực lượng sinh viên các trường ĐH y khoa (400 người) thiết lập các đội lấy mẫu phục vụ công tác giám sát cộng đồng và xét nghiệm kiểm tra khi phát sinh ổ dịch.
Tầm soát: tập trung nơi nguy cơ cao
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường – phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – cho rằng việc TP.HCM đã và đang triển khai tầm soát ngẫu nhiên trong cộng đồng rất tích cực và cho rằng “việc này bắt buộc phải làm” để hạn chế “thủng lưới” tối đa trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo bác sĩ Trường, việc lấy mẫu xét nghiệm giám sát không thể triển khai toàn dân vì năng lực xét nghiệm của TP “chưa đủ sức và có giới hạn”, thay vào đó nên chú trọng vào những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, sân bay, chợ, quán ăn…
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, để tìm ca nhiễm và người tiếp xúc trong cộng đồng phải thêm khâu truy vết, điều tra dịch tễ; việc xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên trong cộng đồng chỉ phục vụ một phần. “Nếu xét nghiệm tầm soát cả cộng đồng, chúng ta không đủ nguồn lực và nhân lực. Vì vậy cần tập trung vào nơi có nguy cơ cao và nâng cao biện pháp 5K” – PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
Bài học xét nghiệm song song ở Đà Nẵng
Ở giai đoạn đầu trong đợt đẩy lùi dịch COVID-19 bùng phát đợt 2 năm ngoái, do tính cấp thiết và cần độ chính xác cao nên Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm ngay riêng lẻ để kịp thời truy vết F1 để đưa đi cách ly.
Tuy nhiên tới đầu tháng 8-2020, khi số lượng ca mắc tăng cao, nhu cầu đẩy nhanh truy vết đang cấp thiết, Đà Nẵng phải dùng hình thức xét nghiệm gộp để giải quyết số lượng mẫu quá lớn. Theo đó, hình thức xét nghiệm gộp từ 3-5 mẫu áp dụng cho các khu dân cư đang bị phong tỏa.
Hình thức này vừa đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, lại vừa tiết kiệm sinh phẩm. Khi phát hiện dương tính mới tiếp tục xét nghiệm sâu để xác định đích danh mẫu dương tính của người nào (vì đằng nào người trong nhóm này cũng đang trong vùng phong tỏa).
Như vậy, việc áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp theo nhóm vừa bảo đảm yêu cầu về độ chính xác vừa rút ngắn thời gian gấp rút và khẩn trương. Tất nhiên trong giai đoạn 2 này, các trường hợp F1 vẫn được xét nghiệm riêng lẻ.
Trong giai đoạn thứ 3, khi không ghi nhận ca mắc mới, Đà Nẵng triển khai xét nghiệm theo diện hộ gia đình trên toàn TP. Đối tượng được xác định là người có nguy cơ nhất trong một hộ gia đình, là người trên 18 tuổi. Trong thời gian này, TP Đà Nẵng xác định nếu phát hiện sớm ca bệnh sẽ giúp các cơ quan chuyên môn nhanh chóng có biện pháp triển khai kiểm soát khoanh vùng, dập dịch kịp thời.
Lúc này nguy cơ tương đối thấp, cho nên nếu lấy theo đại diện gia đình lại ít tốn kém, vừa nhanh mà coi như tầm soát được toàn diện TP. Cũng vì nguy cơ tương đối thấp nên tiếp tục dùng phương pháp xét nghiệm gộp đối với các mẫu lấy về. Đó là một sự tính toán tiết kiệm từ thời gian, nhân lực, chi phí mà lại hiệu quả nhất.
Nhờ sử dụng hài hòa các giải pháp này mà vừa đẩy nhanh được tốc độ truy vết tìm bệnh nhân, vừa giảm được chi phí.
Dồn tổng lực dập dịch
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 chiều 10-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất, cần ưu tiên cao nhất hiện nay là dồn tổng lực để dập dịch COVID-19.
Thủ tướng nêu rõ: cả hệ thống chính trị, các cơ quan, nhất là các địa phương cần tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; không trông chờ, ỷ lại từ cấp trên; nơi nào, cấp nào, cá nhân nào có tâm lý này phải chấm dứt ngay, không để tái diễn.
Nhiệm vụ quan trọng thứ hai, theo Thủ tướng, là tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Thủ tướng cho rằng cần báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức việc tiếp xúc cử tri một cách đúng quy định nhưng phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của các phó thủ tướng và các bộ ngành, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại yêu cầu cần khắc phục ngay cả hai khuynh hướng: chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi không có dịch trong cộng đồng và hoang mang, dao động, hoảng hốt, mất bình tĩnh khi dịch bùng phát.
Thủ tướng đánh giá các bộ, cơ quan đã phối hợp tích cực, chặt chẽ, hiệu quả nhưng vẫn có những nơi những lúc còn sơ hở, thiếu phối hợp. Thời gian tới, việc phối hợp phải cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, tích cực hơn.
Thủ tướng giao Bộ Y tế và Bộ Tài chính khẩn trương trao đổi, thống nhất, hướng dẫn, tháo gỡ nhanh các vướng mắc về tài chính cho các hoạt động phòng chống dịch, phù hợp với tình huống khẩn cấp, bảo đảm công khai, minh bạch. Bộ Y tế thông tin, hướng dẫn về giá cả các loại trang thiết bị, máy móc, vật tư… để các địa phương có cơ sở triển khai, không để ách tắc về thủ tục ảnh hưởng tới tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý dứt khoát phải xây dựng, hoàn thiện thêm các bệnh viện dã chiến, huy động thêm các cơ sở y tế, chuẩn bị sẵn sàng cho phương án có thêm nhiều người từ nước ngoài trở về.
Thủ tướng đề nghị tăng cường công nghệ thông tin trong mọi biện pháp chống dịch, Bộ Quốc phòng trang bị camera cho những nơi xung yếu để lấp các lỗ hổng, các sơ hở nếu có trong việc kiểm tra, kiểm soát.
Nhắc lại yêu cầu khen thưởng và kỷ luật kịp thời, đúng người, đúng việc, không vì các thủ tục hành chính rườm rà mà chậm trễ khen thưởng, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách vấn đề này và nhấn mạnh cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện rất nghiêm minh nguyên tắc tập trung dân chủ, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tập thể; nguyên tắc nêu gương, cấp trên nêu gương cho cấp dưới, chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu.
Xét nghiệm là trọng tâm chống dịch
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 ngày 10-5.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, biến chủng virus của Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Các trường hợp tiếp xúc trong môi trường kín gần như đều bị lây nhiễm…
Muốn chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công”, phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh. Theo các chuyên gia, biến chủng mới của virus lần này ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn nên việc xét nghiệm phải thần tốc hơn nữa.
Tại buổi họp, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm PCR, qua đó tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.
Tại buổi họp, các chuyên gia nhận định về cơ bản chúng ta đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Các địa phương chỉ giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết. Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên.
Qua các ý kiến, đánh giá lại công tác chống dịch 10 ngày qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng có thể rút ra một điểm kết luận là ít nhất từ giờ đến cuối năm chúng ta chưa thể có vắc xin tiêm đại trà, nên chưa thể có tác động của vắc xin vào miễn dịch cộng đồng một cách đáng kể.
“Điều đó có nghĩa chúng ta vẫn phải tiếp tục tinh thần chống dịch như lúc chúng ta chưa có vắc xin, theo những nguyên lý đã rất đúng từ đầu đến bây giờ” – Phó thủ tướng khẳng định.
“Không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn. Không một người Việt Nam nào an toàn khi cả nước chưa an toàn. Mỗi người phải có trách nhiệm trước hết với mình và người thân của mình, sau đó là với đất nước, với cộng đồng” – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao cũng phải tìm vắc xin
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải có câu trả lời rõ ràng về số lượng vắc xin sẽ có theo ngày tháng cụ thể trong thời gian tới. Bộ Ngoại giao chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm nguồn cung vắc xin phòng dịch.
Nguồn: tuoitre.vn