Cái được của GPA 4.0 hay của thủ khoa rất nhiều, nhưng cái giá phải trả của sự hoàn hảo đó là gì?
VietNamNet giới thiệu bài viết của anh Cao Bảo Anh, đang là nghiên cứu sinh tại ĐH Harvard (Mỹ) về mặt sau của những thành công trong học tập và nghiên cứu. Cao Bảo Anh từng tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Toronto ở Canada với điểm GPA tuyệt đối 4.0.
Cao Bảo Anh hiện đang là nghiên cứu sinh tại ĐH Harvard |
Cái được của GPA 4.0 hay của Thủ khoa là rất nhiều, khi nhắc đến, mọi người rất ấn tượng và dễ bắt chuyện. Mình đi phỏng vấn ở Harvard, điểm số đó cũng là một thế mạnh.
Đó là những cái được. Còn cái giá phải trả của sự hoàn hảo một cách cực đoan này là gì? Hay nói cách khác, thất bại hay sự không hoàn hảo có thể đem lại gì cho bạn?
1. Công sức
Đây là điều dễ thấy nhất. Thiên tài đương nhiên là có thật, nhưng phần lớn chúng ta không phải dạng ấy. Để đạt được một điều gì đó, chúng ta phải bỏ công sức. Quy tắc 10.000 giờ là một ví dụ. Bạn làm một điều gì đó hơn 10.000 giờ, bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực ấy.
Hồi trước, thầy dạy toán mình hay dặn là “đổ mồ hôi nơi thao trường hơn đổ máu nơi chiến trường”. Nghe rất bạo liệt, những cũng thật truyền cảm hứng.
Bỏ công sức là điều không tránh khỏi. Nhưng đây là cái giá chính đáng. Cái giá này ai nghe xong cũng gật gù đồng ý. Nhưng còn những cái giá khác thì sao?
2. Bị giới hạn trong vùng an toàn
Đây là cái giá đáng kể tiếp theo. Khi bạn ám ảnh bởi sự hoàn hảo một cách cực đoan, bạn có xu hướng bi giới hạn ở trong vùng an toàn của mình.
Có rất nhiều lần đứng trước các môn mình rất thích như Xã hội học, Triết học, Tâm lý học, thậm chí là Vật lý, Khoa học máy tính… nhưng lại không dám đăng ký học chỉ vì “sợ không được 4.0”.
Mình quả thực được 4.0 nhưng cảm giác bị bó hẹp. Đứng trước những thử thách mới lại ngại vì sợ không bằng người ta.
Ngày nay, khi mọi thứ thay đổi đến chóng mặt, chẳng có một vùng nào thực sự là an toàn cả. Không chịu thay đổi, không chịu thích nghi là nhất định bị đào thải. Đấy là cái giá thứ hai.
3. Dễ mất kiên nhẫn, dễ bỏ cuộc
Nghe có vô lý không? Rõ ràng đó là những người rất giỏi, rất chăm chỉ cơ mà? Nhưng chúng ta chỉ thấy được kết quả cuối cùng, hay bề nổi của những thành công. Những sự lựa chọn ở phía sau chúng ta không thấy được.
Khi một người hướng đến sự hoàn hảo một cách cực đoan, chỉ cần một lỗi sai nhỏ, bạn đã cảm thấy mệt mỏi, thấy không đáng để đổ công sức vào. Thấy ai giỏi hơn mình, bạn cũng có thể dễ dàng đi tìm một hướng khác để không phải đối diện với việc mình thua kém.
Nhóm người nào nhảy việc nhiều nhất? Nhóm người có khả năng và rất giỏi. Chỉ một chút thất bại, họ đã muốn đi tìm một khởi đầu mới để tìm lại sự hoàn hảo. Nhưng nếu bạn không thể thay đổi hay không có sự chọn khác thì sao? Bạn nhất định sẽ khủng hoảng, sẽ chán nản.
4. Liên tục so sánh mình với người khác
So sánh để có thêm động lực có thể không sai (có thể thôi nhé). Nhưng khi bạn so sánh chỉ có hai khả năng xẩy ra: Một là bạn thắng, hai là bạn thua. Nếu bạn hướng đến vị trí nhất lớp, nhất trường, thủ khoa, khả năng bạn thua lại càng lớn vì chỉ có đúng một vị trí như thế.
Bạn có thể thắng, nhưng thường rất nhanh bạn sẽ thấy mình đã ở trong một cuộc đua khác với những người chiến thắng khác. Bạn có tin rằng mình sẽ luôn là người chiến thắng trong đấu trường càng ngày càng khắc nghiệt đó không?
Bởi thế có ai hỏi Harvard như thế nào. Mình thường trả lời rằng không khác với những gì bạn đã và đang trải qua, chỉ khắc nghiệt hơn bội phần.
Có một sự nguy hiểm của việc liên tục so sánh với người khác. Chúng ta có thể quên mục đích ban đầu là để học, để nâng cao khả năng bản thân. Chúng rất nhanh lấy sự thắng – thua làm thước đo. Nếu bạn liên tục so sánh, một giây phút nào đó, nhất định bạn sẽ gục ngã và kiệt sức.
5. Liên tục mong đợi những lời khen và phần thưởng ngắn hạn
Điểm số là hình thức thưởng – phạt chúng ta được tiếp cận từ rất sớm. Điểm số cao là một phần thưởng. Phần thưởng này không chỉ là hữu hình (giấy khen, quà cáp) mà còn là một phần thưởng về tinh thần. Nhưng đặc trưng của điểm số chính là phần thưởng ngắn hạn.
Một một bài kiểm tra hay kỳ thi luôn có một đáp án có sẵn, luôn có một mốc thời gian định sẵn. Các khóa học thường không kéo dài quá một năm (phần lớn là 3-4 tháng). Các kỳ thi thường kéo dài trong khoảng một năm. Thành công trong điểm số, trong thi cử thường là ngắn hạn.
Mình quan sát rằng những bạn trẻ thành công rất sớm từ điểm số hay kết quả của các kỳ thi thường gặp khó khăn trong những công trình dài hơi hơn. Việc làm nghiên cứu mình đang làm là ví dụ: Không có một đáp án có sẵn, không có một khoảng thời gian cụ thể, phải liên tục đương đầu với thất bại. Mình đã và đang rất vất vả để không đòi hỏi một kết quả thấy ngay.
6. Khó đối diện với thất bại
Khi bạn đã quen với sự hoàn hảo, quen với thành công, bạn đương nhiên quên đi cảm giác thất bại. Và khi một lần nữa thất bại, tác động ấy lên tâm lý là rất khủng khiếp.
Không có nỗi sợ nào bằng nỗi sợ đánh mất chính mình. Khi bạn đã quen với sự hoàn hảo, đối diện với thất bại một lần nữa, bạn có thể cảm thấy mình kém cỏi, mình không còn là chính mình. Chúng ta rất dễ tự rơi vào trạng thái thôi miên như thế.
Và sự quý giá của thất bại
Thất bại hay sự không hoàn hảo là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Ngay cả cơ thể – một công trình vĩ đại cũng đầy những sai lệch, thiếu sót.
Nếu bạn đang ngày đem nỗ lực để đạt được sự hoàn hảo trong hoc học tập hay công việc, hãy tiếp tục nỗ lực. Hãy đem tất cả những điều bạn có để theo đuổi mục tiêu và ước mơ của mình.
Có thể dùng tuổi trẻ để theo đuổi một mục tiêu là một cảm giác tuyệt vời. Nhưng hãy nhớ là, một ngày nào đó bạn thất bại, bạn không đạt được điều mình muốn, thì đó không phải là dấu chấm hết. Bạn chỉ đang tiếp tục học một bài học khó khăn hơn – học cách đứng lên từ thất bại.
Nếu bạn đã thất bại, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, hay cảm thấy không còn là bản thân mình nữa, chìm đắm trong tự ti và so sánh với người khác… thì hãy luôn nhớ rrằng: Thứ nhất, bạn không đơn độc. Thứ hai, điều bạn đang trải qua là một bước tiếp theo trong cuộc hành trình bạn cần đi. Nếu đứng lên được từ thất bại, thoát ra khỏi bóng tối, bạn sẽ mạnh mẽ hơn trước rất nhiều. Sự mạnh mẽ mà không có điểm số nào có thể đo đếm được.
Hãy tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình. Nhưng nếu bạn lỡ vấp ngã, hãy tìm cách đứng dậy. Bạn sẽ thấy một chân trời rộng lớn hơn, một cuộc hành trình xa dài hơn ở trước mắt – đó là sự trưởng thành đích thực.
Nguồn: vietnamnet