Chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM sáng 10-5, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói “rất lo lắng”, đề nghị nêu cao tinh thần cảnh giác, không được phép lơ là…
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho rằng dù không có ổ dịch cộng đồng từ sau ổ dịch Tân Sơn Nhất vào tháng 2-2021, nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan ở TP.HCM vẫn là rất lớn.
Chủ tịch UBND TP.HCM: “Rất lo lắng”
Ông Bỉnh liệt kê 6 nguy cơ: Sau dịp lễ, số lượng người dân trở về TP từ các vùng có nguy cơ hoặc các vùng dịch là rất lớn.
TP là cửa ngõ giao thông quốc tế với một sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ, việc giao nhận, vận chuyển hàng hóa và các thuyền neo đậu nhiều ngày là điều kiện cho các đối tượng xuống tàu và lên bờ bất hợp pháp, mang theo mầm bệnh xâm nhập cộng đồng.
TP.HCM có rất nhiều khu cách ly tập trung, có nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình cách ly. TP cũng có nhiều người sau cách ly tập trung trở về, trong đó có các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh để làm việc, là nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng nếu không tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch trong thời gian sau cách ly.
TP.HCM còn có nhiều bệnh viện tuyến cuối, tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, kèm theo người chăm sóc.
Cuối cùng là nguy cơ nhập cảnh trái phép luôn hiện hữu, thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân là người nhập cảnh trái phép.
Điểm qua các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở 26 tỉnh thành cả nước từ ngày 29-4 đến 10-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói “rất lo lắng”. Ông Phong nhấn mạnh tinh thần cảnh giác, không được phép lơ là, tất cả theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chuyển từ phòng thủ sang tấn công”.
Khẳng định phòng chống dịch là ưu tiên số 1 của TP.HCM, ông Phong đề nghị các ban ngành sắp xếp mọi công việc để có biện pháp phòng chống dịch từ xa: “Dịch bùng phát coi như mọi kế hoạch khác cũng không hoàn thành”.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị thủ trưởng các đơn vị như du lịch, các khu công nghiệp, giao thông vận tải… kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch ở mức cao nhất; kiểm soát đường hàng không (hãng hàng không phải kiểm soát cả nhân viên và hành khách), tiếp nhận vận chuyển người nhập cảnh, đường bộ phải tái lập các chốt kiểm soát tiến hành khai báo y tế…
“Tất cả người dân đến địa phương từ vùng dịch phải khai báo y tế, tất cả bệnh viện đều phải có phương án ứng phó và kiểm soát chặt dịch”, ông Phong yêu cầu.
TP.HCM đã có các kịch bản
Về năng lực phòng dịch của TP, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết đã kích hoạt mạnh mẽ các bộ chỉ số an toàn, xem xét các phương tiện giao thông công cộng, taxi truyền thống, taxi công nghệ…
Ngành y tế dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm (90.000 test PCR và 30.000 test nhanh sẵn có, chuẩn bị mua thêm 200.000 test PCR và 100.000 test nhanh); phối hợp giữa cơ sở y tế của TP và trung ương trên địa bàn (24 cơ sở) đảm bảo công suất xét nghiệm (15.000 mẫu đơn trong 24h, khi cần thiết có thể huy động lên đến 30.000-40.000 mẫu đơn).
22 trung tâm y tế và các bệnh viện công lập tổ chức 2-3 đội lấy mẫu tại mỗi đơn vị (tổng cộng 250 đội); huy động lực lượng sinh viên các trường ĐH y khoa (400 người) thiết lập các đội lấy mẫu phục vụ công tác giám sát cộng đồng và xét nghiệm kiểm tra khi phát sinh ổ dịch.
Chuẩn bị kịch bản dịch lan rộng trong cộng đồng từ thấp đến cao, TP.HCM triển khai thêm 4 khu cách ly tập trung, nâng tổng công suất toàn TP lên trên 10.000 giường. Mỗi quận huyện duy trì ít nhất 1 khu cách ly tập trung công suất 100 giường.
“TP.HCM sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50-100 người bệnh COVID-19, dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100-200 người bệnh và nhiều hơn (4 bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 cho người lớn, trẻ em, Bệnh viện Chợ Rẫy và huy động thêm các bệnh viện khác khi cần).
Ngành y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường để trình UBND TP, chuẩn bị cho 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Bỉnh khẳng định.
Nguồn: tuoitre.vn