Xuất khẩu điều đang là mảng sáng nông sản Việt Nam với nhiều hứa hẹn tăng trưởng cao theo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Theo đó, công nghiệp chế biến càng tăng trưởng nóng kèm theo gia tăng nhập khẩu nguyên liệu do nguồn cung trong nước không theo kịp tốc độ phát triển của doanh nghiệp. Năm 2016, xuất khẩu điều tăng trưởng tốt nhưng doanh nghiệp có hưởng lợi khi giá điều thô ở đỉnh cao?
Nhiều doanh nghiệp chế biến điều ở Bình Phước khó khăn về nguyên liệu
THỊ TRƯỜNG RỘNG MỞ
Tại hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 8/2016 vừa diễn ra từ ngày 9 đến 13-11 tại TP. Đà Nẵng, ông Ranjeet Wallia, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Chi Commodities Handlers (Canada) cho biết, nhu cầu tiêu thụ hạt điều của thế giới đang gia tăng trong vài năm gần đây, nhất là sau khi có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh về dinh dưỡng của hạt điều được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin. Mỹ – thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, nhu cầu tiêu dùng hạt điều đã tăng trưởng 53%, là loại hạt tiêu thụ nhiều thứ 2 chỉ sau hạnh nhân. Người dân ở đây thường dùng hạt điều để chế biến thức ăn nhẹ, kết hợp với sữa hoặc sử dụng như những loại ngũ cốc khác. Hiện thị trường này đã chiếm tới 32% tổng sản lượng điều xuất khẩu hằng năm của Việt Nam.
Còn tại EU, ông Joseph Lang, Giám đốc điều hành Công ty Kenkko House, một trong những doanh nghiệp kinh doanh hạt, quả khô lớn nhất ở đây, cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ điều ở EU dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, do người tiêu dùng ý thức hơn về giá trị dinh dưỡng của loại hạt này. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ gia tăng luôn đi kèm với yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là ở những thị trường có hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt như Mỹ, EU. Một doanh nghiệp kinh doanh hạt khô ở thị trường Trung Quốc cũng cho biết sẽ tăng nhập khẩu hạt điều chất lượng cao từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 10 tháng năm 2016, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 913.000 tấn điều thô, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 39% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo cả năm nay, Việt Nam có thể nhập khẩu 1 triệu tấn nguyên liệu (nếu cả nhập tiểu ngạch từ Campuchia), chiếm tới 65% lượng điều chế biến trong nước.
XUẤT KHẨU TĂNG, NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU LỚN
Giá điều tăng những tưởng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp lại đang thận trọng và lo ngại nếu giá điều tiếp tục tăng. Hiện giá điều khô loại 1 ở Bình Phước đã đạt ngưỡng trên 55.000 đồng/kg, cao hơn 18.000 đồng/kg so với giá giữa vụ điều và cũng đang rất khan hàng vì điều thô dự trữ đã cạn kiệt. Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) Nguyễn Đức Thanh cho rằng, giá điều tăng mạnh ngay từ đầu năm và gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp chế biến.
Tại hội thảo phát triển điều Bình Phước bền vững, diễn ra ở thị xã Đồng Xoài ngày 28-10-2016, nhiều doanh nghiệp chế biến phản ánh giá điều nhân đang ở mức cao nhưng doanh nghiệp không được nhiều lợi nhuận vì đây đều là các đơn hàng ký từ trước. Dù đã được dự báo về mất mùa, sản lượng điều giảm nhưng nhiều doanh nghiệp đã không tiên đoán được giá điều biến động nhanh như vậy nên phải chấp nhận chịu thiệt tới cả tỷ đồng cho mỗi chuyến hàng. Mặt khác, giá điều nguyên liệu thường tăng trước rồi giá thành phẩm mới tăng. Trong khi quá trình sơ chế tốn rất nhiều chi phí và rủi ro, nếu không cân đối được chi phí đầu vào và thành phẩm bán ra thì không lỗ là may. Nhiều doanh nghiệp lo ngại với mức giá này, họ chỉ đủ vốn để duy trì sản xuất.
Dù được đánh giá là ngành hàng mang lại kim ngạch “tỷ đô”, tuy nhiên, với số lượng nhập khẩu như đã nêu, điều là một trong những ngành hàng có cung – cầu nguyên liệu mất cân đối nghiêm trọng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không chủ động được chế biến xuất khẩu và khó kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó giám đốc Công ty Vinacontrol (đơn vị giám định điều thô nhiều nhất Việt Nam), năm nay điều thô từ châu Phi nhập về chất lượng giảm rõ rệt so với năm ngoái; khi về đến Việt Nam thường bị ẩm, mốc, mọc mầm… nên tỷ lệ hàng hư hỏng cao. Điều này đã gây thiệt hại hàng chục triệu USD cho Việt Nam, quan trọng hơn là làm giảm uy tín thương hiệu nhân điều Việt Nam.
Theo Vinacas giá tăng do biến đổi thời tiết gây mất mùa điều niên vụ 2015-2016. Vụ điều vừa qua, sản lượng điều của cả nước chỉ đạt gần 400 ngàn tấn, giảm khoảng 30% so với vụ trước, trong khi đó nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 1,4 triệu tấn. Không chỉ vậy, nguồn hàng nhập khẩu từ các nước châu Phi, Ấn Độ năm nay cũng khó khăn hơn. Tại Ấn Độ, các nhà chế biến điều cũng đang phải đẩy giá lên mới mua được hàng để chế biến. Riêng thị trường Bờ Biển Ngà cung cấp tới 40% sản lượng hạt điều nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến của Việt Nam cũng đã giảm sản lượng khoảng 100 ngàn tấn.
Phương Hàn (BPO)