Từ giá đồng, thiếc đến giá đường, thịt heo đều đã tăng vùn vụt. Người tiêu dùng đã cảm nhận đòn tăng giá. Túi tiền của họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng hậu cần tắc nghẽn, đồng USD suy yếu trở lại và nhu cầu thế giới gia tăng đang tác động rõ rệt đối với giá nguyên liệu.
Các nền kinh tế mở cửa trở lại
Giá dầu thô đã tăng 30% trong một năm qua. Tạp chí Capital (Pháp) dẫn lời các chuyên gia nhận xét nguyên nhân giá dầu tăng do các nền kinh tế đã mở cửa trở lại.
Chuyên gia Bjornar Tonhaugen ở Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận xét tuy kinh tế Ấn Độ suy giảm do đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang vượt lên nên rất cần xăng dầu.
Chuyên gia Bart Melek ở Ngân hàng đầu tư TD Securities (Canada) nhận xét “giá dầu thô dường như khó kìm lại” khi giá một thùng dầu Brent đã tiến gần đến ngưỡng 70 USD trong tuần này.
Theo Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), giá xăng tại Mỹ đã tăng từ 1,77 USD/gallon (3,8 lít) cách đây một năm lên 2,89 USD hôm 2-5.
Do người Mỹ ăn sáng tại nhà nhiều hơn!
Chỉ số Bloomberg ghi nhận giá ngũ cốc đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và đã lên đến mức cao nhất tính từ năm 2016.
Đối với đường, tình trạng thiếu container vận chuyển và nạn tắc nghẽn cổ chai tại các cảng đang đẩy giá đường lên cao.
Trong khi đó, giá bắp, đậu tương và lúa mì tăng do vấn đề về giao hàng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào tháng 4-2021, trong số các mặt hàng tăng giá ngoạn mục nhất, thịt heo giữ thế thượng phong với mức tăng 51% trong một năm.
Thông thường người ta hay dẫn chứng nguyên nhân giá thịt heo tăng là do nhu cầu của Trung Quốc tăng.
Song Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận xét giá thịt heo tăng gấp đôi từ khi đại dịch xảy ra do “người tiêu dùng ở Mỹ ăn sáng nhiều hơn tại nhà”.
Khí hậu thay đổi bất thường với hạn hán ở Mỹ Latin và sương giá muộn ở châu Âu cũng tác động làm giá cả gia tăng.
Nhu cầu tăng thêm
Đối với đồng, chuyên gia Elijah Oliveros-Rosen của Công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (Mỹ) cho biết đồng ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các cơ sở hạ tầng năng lượng đang trong quá trình chuyển đổi.
Nhu cầu về đồng phản ánh sức khỏe kinh tế thế giới. Trong tuần này giá đồng đã lên đến mức cao nhất trong 10 năm nay do nhu cầu tăng từ Trung Quốc và đồng USD suy yếu trở lại.
Thiếc vốn là nguyên liệu quan trọng dùng cho vi mạch điện tử, linh kiện ôtô, pin cũng đã tăng giá đến mức cao nhất kể từ năm 2011. Giá thiếc hiện đã tăng gấp đôi so với một năm trước.
Giá gỗ xây dựng đã tăng gấp ba lần trong thời gian 12 tháng. Liên đoàn Các nhà xây dựng Mỹ thậm chí đã cảnh báo hiện nay phải tốn thêm bình quân 36.000 USD để dựng khung một ngôi nhà.
Trong bối cảnh giá cả thị trường căng thẳng như hiện nay, các công ty có xu hướng dự trữ trước nguyên liệu, do đó càng đẩy giá lên cao hơn nữa.
Một số nhà sản xuất mua vào quá nhiều do thiếu nguyên liệu. Tình hình thiếu hụt này lại tiếp tục đè nặng lên chi phí các doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cảnh báo tình hình giá cả nguyên liệu tăng đang tiếp cận người tiêu dùng Mỹ trong bối cảnh lạm phát đã tăng nhanh từ tháng 3-2021.
Nguồn: tuoitre.vn