Nhiều chỉ dấu cho thấy phe chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh đã thắng thế trong chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte. Manila đang dần rời ra Trung Quốc và trở về quỹ đạo cũ: dựa vào Mỹ trong các vấn đề an ninh.

Trung Quốc đẩy Philippines về phía Mỹ - Ảnh 1.

Cách hành xử hung hăng của Trung Quốc khiến Tổng thống Philippines Duterte không có nhiều lựa chọn

Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đang chứng kiến giai đoạn căng thẳng nhất kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, với những tranh cãi chưa có hồi kết liên quan tranh chấp Biển Đông.

Sự thay đổi của ông Duterte

Tổng thống Duterte không còn nhiều thời gian cho mối quan hệ với Trung Quốc. Theo Hiến pháp Philippines, ông Duterte sẽ phải rời nhiệm sở vào ngày 30-6-2022, đúng 6 năm sau khi đắc cử, và không được phép tái tranh cử.

Trong chuyến công du đầu tiên tới Bắc Kinh vào năm 2016, Tổng thống Duterte tuyên bố đã đến lúc “chào tạm biệt Washington” và gọi Trung Quốc là “một người bạn tốt”. Những phát ngôn như thế này đã vơi dần trong vài tháng vừa qua, đặc biệt từ sau khi nước Mỹ có một tổng thống mới.

Nhà lãnh đạo Philippines vẫn né tránh chỉ trích Trung Quốc nhưng sẵn sàng nói thẳng khi nhắc tới tranh chấp Biển Đông. Bài phát biểu của ông Duterte trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9-2020 có thể xem là một bước ngoặt quan trọng.

Ông tuyên bố phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông là “không thể thỏa hiệp” và sẽ đối đầu với các nỗ lực phá hoại phán quyết. Đó là một sự cứng rắn chưa từng thấy của ông Duterte, vốn trước đó thường né tránh đề cập tới phán quyết có nội dung bác bỏ các yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Từ sau bài phát biểu đó, Philippines dần dịch chuyển trở lại quỹ đạo cũ. Việc hủy bỏ Thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (VFA) – cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines, bị đình chỉ vô thời hạn.

Trong chuyến thị sát căn cứ không quân Clark hồi tháng 2 năm nay, Tổng thống Duterte ngầm xác nhận ông đã bị các quan chức thuyết phục về tầm quan trọng của quân đội Mỹ tại Philippines. “Tình thế hiện tại đòi hỏi quân đội Mỹ phải tiếp tục hiện diện tại đây. Tôi thấy như thế cũng được”, ông Duterte nói.

Dù vậy, tạp chí Nikkei Asia nhận định Tổng thống Duterte có thể sẽ tiếp tục dịu giọng với Trung Quốc vì ông cần sự ủng hộ của Bắc Kinh để kéo dài di sản chính trị của mình. Ông Duterte sẽ không ra tranh cử, nhưng con gái ông và những người được ông ủng hộ thì đang làm điều đó.

Philippines “vai kề vai” Mỹ

Việc Philippines và Mỹ nối lại cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) hồi giữa tháng 4 rồi là một chỉ dấu cho thấy sự hòa giải giữa hai đồng minh hiệp ước. Washington cũng cho thấy sự nhạy bén khi nhanh chóng ủng hộ Philippines trong sự kiện hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện tại đá Ba Đầu. Đây là khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.

Việc ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tái khẳng định nghĩa vụ của nước này đối với Philippines trong Hiệp ước Phòng thủ tương hỗ là một thông điệp kép gửi đến cả Bắc Kinh lẫn Manila.

Nhìn lại hơn 1 năm qua, kể từ khi COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã không ngần ngại hỗ trợ Philippines chống dịch. Nếu chỉ dừng tại đây, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila có lẽ chỉ toàn màu hồng. Song sự quyết đoán và hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông vô hình trung đẩy Manila về phía Washington.

Chẳng hạn, vào tháng 2-2020, chỉ vài ngày sau khi ông Duterte tuyên bố hủy VFA, tàu hải cảnh Trung Quốc đã có “hành động thù địch” (cách dùng từ của Manila – PV) với một tàu chiến của Philippines. Vào tháng 4-2020, Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính mới để quản lý quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Đầu tháng 7 và tháng 8-2020, Trung Quốc tiến hành tập trận lớn ở quần đảo Hoàng Sa và bắn một số tên lửa đạn đạo trúng tàu mục tiêu đang di chuyển trên Biển Đông. Những hành động của Bắc Kinh có thể nhắm tới Washington song cũng đủ để khiến những nước trong khu vực như Philippines lo ngại.

Nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman (Mỹ) nói trên tạp chí Foreign Policy: “Bắc Kinh chỉ nên tự trách mình vì vuột mất cơ hội kéo Philippines khỏi quỹ đạo của Mỹ. Kiểu hành xử hung hăng của Trung Quốc đã khiến ông Duterte không có cơ hội thúc đẩy chương trình nghị sự ủng hộ Trung Quốc và bài xích Mỹ”.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr báo hiệu sự thay đổi thái độ đối với Trung Quốc và Mỹ, theo ông Grossman. Trong một bài phát biểu hồi tháng 6-2020, ông Locsin nêu quan điểm “trong thời điểm đại dịch và căng thẳng siêu cường gia tăng”, Manila nên giữ quân Mỹ ở lại bằng việc tiếp tục gia hạn thỏa thuận VFA.

Dòng tweet “yêu cầu Trung Quốc cuốn xéo khỏi Biển Đông” mới đây của ông Locsin và sự cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho thấy phe “chủ chiến” với Bắc Kinh đã chiếm ưu thế.

Mới đây nhất, quân đội Philippines tuyên bố sẽ thiết lập căn cứ hậu cần trên đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Philippines đang kiểm soát) để bảo đảm các chuyến tuần tra liên tục trên Biển Đông, rút ngắn thời gian phản ứng trước các sự cố bất ngờ trong khu vực.

Nói như ông Grossman, “Tổng thống Duterte giờ đây nhận ra Trung Quốc không phải bạn, mặc dù ông ta vẫn sẽ tiếp tục tuyên bố ngược lại như thế, và rằng Philippines cuối cùng vẫn cần đồng minh an ninh lâu đời là Mỹ”.

Trung Quốc chỉ trích Philippines “la làng”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4-5 đã có những phê phán hiếm hoi nhắm vào Philippines, cụ thể là Ngoại trưởng Locsin, sau các phát ngôn gay gắt của ông trên Twitter.

“Lịch sử hết lần này tới lần khác đã chứng minh “ngoại giao la làng” (3 diplomacy) chỉ làm suy yếu lòng tin lẫn nhau hơn là thay đổi thực tế. Chúng tôi hi vọng một vài cá nhân ở Philippines sẽ lưu tâm đến cách hành xử cơ bản và hành động phù hợp với địa vị của mình”, phát ngôn viên Uông Văn Bân nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : MỹphilippinesTổng thống Rodrigo Dutertetrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết