Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ ăn chay theo chỉ đạo mới đây của Chính phủ ra sao?
Ăn chay đúng và đủ chất là một xu hướng tốt cho sức khỏe, tỉ lệ người ăn chay trường ở Việt Nam tăng hằng năm, phát nguyện ăn thuần chay không chỉ có ở Phật tử mà còn ở nhiều người dân khác.
Muôn kiểu đồ chay
Những năm gần đây, nhiều hàng quán chay từ bình dân cho đến nhà hàng chay sang trọng nở rộ. Thực đơn không chỉ các món chay quen thuộc như: đậu hủ chiên, diếp cuốn, cải ngồng… mà còn bổ sung những tên món với hình thức chay giả mặn như: sườn non chay, thịt kho tàu chay, cá kho, cá chiên, nem chả…
Dạo qua các chuỗi siêu thị lớn, khu vực bán sản phẩm chay được trưng bày quy mô hơn, một số siêu thị được mở ra để chuyên kinh doanh thực phẩm chay.
Tại một siêu thị thuần chay ở TP.HCM, chúng tôi ghi nhận có hơn 300 mặt hàng đồ chay khác nhau, các sản phẩm chay đóng hộp, đóng gói, được sơ chế sẵn. “Ngày nay khách hàng ăn chay nhiều, lượng khách tăng theo từng tháng, hàng phải nhập về thường xuyên” – chị H.M.T. (quản lý một siêu thị) chia sẻ.
Ngoài các lựa chọn trong nước thì thực phẩm chay hữu cơ có nguồn gốc từ các nước cũng được các nơi bày bán nhiều nơi.
Lợi bất cập hại
Dọc các quầy hàng ở một số ngôi chợ lớn tại TP.HCM như chợ An Đông, các tiểu thương bày bán thực phẩm chay khô theo số lượng sỉ, đóng thành gói lớn qua rất nhiều ngày, hoặc các thực phẩm hút chân không, một số mặt hàng không ghi rõ thông tin xuất xứ cũng như thời hạn sử dụng.
Khi được hỏi, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời qua loa của chủ cửa hàng là đồ chay đã sấy khô nên những mặt hàng này để được rất lâu, không sợ mốc.
Thực phẩm chay còn bùng nổ ở thị trường online với đầy đủ các mặt hàng. Trên các trang thương mại điện tử, không khó để mua được một gói sườn non chay được rao bán là ngon, công nghệ nước ngoài, giá cả mỗi loại đều chênh lệch nhau. Một số mặt hàng có hạn sử dụng và nguồn gốc không được rõ ràng với lý do… làm tại gia.
Chưa kể nhiều khu chợ nhỏ, người bán đồ chay ăn sẵn bày bán các món giả mặn trong cái thau thâm thấp, bày ra lề đường bụi bặm khá mất vệ sinh.
Theo ThS công nghệ thực phẩm Tạ Lê Quốc An: “Nguyên nhân gây hư hỏng thực phẩm là do sự phát triển của các vi sinh vật và phản ứng oxy hóa đối với chất béo.
Để có thể ngăn cản hư hỏng do vi sinh vật, có thể sử dụng các chất chống vi sinh vật (được phép dùng trong thực phẩm) như natri benzoat, kali sorbat… hoặc một số cơ sở sản xuất sẽ dùng các chất bị cấm sử dụng như formol, hàn the…
Chống oxy hóa chất béo mà sử dụng các chất phụ gia như BHT, BHA thì hai chất này có thể làm phát triển khối u hoặc ung thư, ảnh hưởng đến chức năng gan và hệ thần kinh”.
Ngoài ra, “việc bảo quản không đúng cách cũng dễ làm cho sản phẩm chay hư hỏng và ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn.
Thực phẩm bị mốc sẽ sinh ra độc tố aflatoxin cũng là tác nhân gây ra ung thư, hoặc sự phát triển của vi khuẩn Clostridium botulinum trong điều kiện kín khí sẽ sinh độc tố có thể gây tử vong với liều lượng cực nhỏ ~0,03 microgam đối với người trưởng thành” – ThS Quốc An nhấn mạnh.
Thận trọng khi mua và bảo quản thực phẩm
Các sản phẩm của những công ty hoặc cơ sở uy tín, có thương hiệu rõ ràng được cấp phép kinh doanh nên là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng, để hạn chế các chất cấm hoặc các phụ gia vượt quá mức cho phép.
“Hạn sử dụng và cách thức bảo quản thực phẩm sẽ phụ thuộc vào tính chất của thực phẩm. Thực phẩm khô sẽ có hạn sử dụng lâu hơn (>6 tháng) so với thực phẩm tươi do các vi sinh vật khó phát triển trên thực phẩm hơn nên cách thức bảo quản thực phẩm khô cũng sẽ đơn giản hơn (bao bì kín, có thể hút chân không), thực phẩm tươi thì hạn sử dụng thường ngắn hơn (<6 tháng) và thường phải bảo quản ở nhiệt độ thấp (<5oC)” – ThS Quốc An chia sẻ thêm.
Có thuốc botulinum nhưng quá hạn giải độc cho bệnh nhân
Ngày 4-5, bác sĩ Vũ Đình Thắng – trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM) – cho biết sau gần 1 tháng rưỡi điều trị tích cực, 4 bệnh nhân bị ngộ độc botulinum ở Bình Dương đã có những chuyển biến khả quan.
Theo đó, trong 4 ca bệnh hiện có 3 người đã cai được máy thở (trước đó phải thở oxy qua lỗ mở khí quản), sức cơ cải thiện rất đáng kể, đạt gần như người bình thường.
Trong số các bệnh nhân này, đặc biệt có 2 người sau khi cai máy thở đã được chuyển sang khoa khác chăm sóc. “Với tình trạng bệnh nhân tiến triển như hiện nay và nếu không gặp vấn đề gì phát sinh, có thể trong vòng nửa tháng nữa các bệnh nhân này sẽ được xuất viện”, bác sĩ Thắng nói.
Trước đó, tính đến ngày 26-3 có 6 bệnh nhân ngộ độc nhập các bệnh viện ở TP.HCM cấp cứu sau khi cùng ăn bún riêu chay ở Bình Dương. Trong số này có 3 người được sử dụng huyết thanh giải độc tố clostridium botulinum, 1 người tử vong và 2 người được thay huyết tương lọc độc tố.
Việc khan hiếm thuốc giải độc tố botulinum được xác định là nguyên nhân làm bệnh nhân tử vong nhanh chóng hoặc phục hồi sức khỏe chậm.
Để kịp thời cứu chữa cho người bệnh ngộ độc botulinum, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã tiếp nhận lô thuốc giải độc tố botulinum quý hiếm này. Được biết, đây là 6 lọ thuốc giải độc tố botulinum (6.000 USD/lọ) đầu tiên trong số 30 lọ thuốc được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu.
Bác sĩ Vũ Đình Thắng cho biết dù có thuốc giải độc nhưng việc dùng cho các bệnh nhân đang điều trị tại đơn vị đã muộn bởi sau một thời gian độc tố botulinum trong máu đã xâm nhập vào trong các tế bào.
“Nguyên tắc sử dụng thuốc giải độc botulinum là càng sớm càng tốt, khi độc tố botulinum còn trong máu; còn khi chất độc đã xâm nhập vào tế bào thì chỉ còn cách điều trị hỗ trợ, cho thở máy chờ cho bệnh nhân hồi phục”, bác sĩ Thắng nói.
Nguồn: tuoitre.vn