Cùng với thu hút nhà đầu tư lớn đến với Bình Phước, các chuyên gia, người lao động nước ngoài đến làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp (KCN)cũng ngày càng tăng cao. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.898 người nước ngoài lưu trú, làm việc, thăm thân, du lịch… Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, nhất là thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. Và để làm tốt quản lý người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Bình Phước đã cải cách hành chính, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực này.
Tiện lợi 24 giờ/7 ngày
Là đơn vị có số lượng chuyên gia người nước ngoài nhiều, Công ty TNHH Yakjin Sài Gòn, KCN Bắc Đồng Phú đã được hỗ trợ thực hiện thủ tục khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua mạng. Anh Nguyễn Thành Phúc, cán bộ phụ trách hồ sơ người nước ngoài, Công ty TNHH Sài Gòn chia sẻ: Công ty có 21 người nước ngoài. Trước đây, doanh nghiệp thực hiện khai tạm trú theo mẫu NA17, sau đó đưa tới đồn công an KCN để khai báo tạm trú, kèm theo hộ chiếu và thị thực của người nước ngoài. Quy trình này khiến doanh nghiệp mất thời gian đi lại, ảnh hưởng tới công việc. Bây giờ khai báo tạm trú của người nước ngoài chỉ cần qua điện tử là xong, tiết kiệm thời gian đi lại, thủ tục đỡ rườm rà. Đồng thời, công ty nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ cơ quan Công an tỉnh trong xử lý vướng mắc liên quan đến giấy tờ, thủ tục đối với lao động nước ngoài.
Anh Makareddy Kusugal, huấn luyện yoga tại Trung tâm Namo Yoga Bình Phước được cán bộ Đội quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh hướng dẫn đăng ký tạm trú qua mạng
Anh Makareddy Kusugal là huấn luyện yoga tại Trung tâm Namo Yoga Bình Phước (Đồng Xoài). Vì vậy, anh phải khai báo tạm trú theo quy định cho Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh. Nhận thấy việc khai báo qua mạng dễ dàng và thuận tiện, anh Makareddy Kusugal khẳng định: “Thực hiện thủ tục khai báo tạm trú trên internet vô cùng tiện lợi, giúp tôi giảm thời gian khi không cần tới trụ sở Công an tỉnh thực hiện thủ tục khai báo. Tôi cảm thấy rất tốt và thoải mái”.
Trung tá Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đội trưởng Đội quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh cho biết: “Đơn vị đang có 1 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Đó là thủ tục khai báo tạm trú cho người nước ngoài trên trang thông tin điện tử. Chỉ cần 5 thông tin gồm: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch và số hộ chiếu là thực hiện được thủ tục khai báo. Các cơ sở lưu trú có thể chủ động truy cập Trang thông tin điện tử khai báo 24 giờ/7 ngày, không phải đến trụ sở công an và khai báo bằng phiếu. Đồng thời, thông qua bưu điện nhận kết quả hồ sơ tại nhà cũng tạo thuận lợi cho người dân”.
Góp phần làm tốt phòng dịch Covid-19
Việc thực hiện khai báo thông tin tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam qua mạng là kết quả cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực xuất nhập cảnh, theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Công an. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các cơ sở lưu trú thực hiện trách nhiệm khai báo tạm trú theo đúng quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đơn giản và nhanh chóng. Từ khi dịch Covid-19 diễn biến khó lường thì đây là giải pháp tốt vừa phục vụ doanh nghiệp, người lao động vừa phòng dịch.
Một số đơn vị ngoài đăng ký qua mạng vẫn đến trực tiếp cơ quan chức năng để được hỗ trợ các thủ tục liên quan
Địa bàn tỉnh có 402 cơ sở lưu trú đăng ký khai báo tạm trú qua mạng cho người nước ngoài. Hiện khoảng 1.600 người nước ngoài đang lưu trú, làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 298 người nước ngoài đang lưu trú với nhiều mục đích khác nhau như: thăm thân, đầu tư, lao động, du lịch. Thống kê từ năm 2017 đến nay, có 25.092 lượt khai báo tạm trú của người nước ngoài qua mạng trong tổng 31.687 lượt khai báo tạm trú của người nước ngoài.
Việc thực hiện thủ tục hành chính mức độ 3 khai báo tạm trú người nước ngoài đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh được người dân, doanh nghiệp và người lao động nước ngoài tích cực hưởng ứng. “Bên cạnh hiệu quả đạt được còn một số khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, về trang thiết bị phục vụ thực hiện thủ tục còn thiếu. Địa bàn vùng sâu, xa, vùng biên giới, việc kết nối internet còn hạn chế. Trình độ ngoại ngữ, tin học của người dân cũng chưa cao. Vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các thủ tục hành chính tại đây chưa đạt kết quả như mong muốn” – Trung tá Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết thêm.
Qua thời gian triển khai thủ tục khai báo tạm trú trang thông tin điện tử của Công an tỉnh đã ghi nhận kết quả tích cực. Các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp và người lao động nước ngoài hài lòng về sự đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả. Đây là bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, quản lý người nước ngoài lưu trú trên địa bàn tỉnh; góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh. Việc quản lý người nước ngoài qua mạng được xem là lợi ích kép, vừa góp phần xây dựng chính quyền điện tử và phòng dịch Covid-19.
Theo Báo Bình Phước