Sau thời gian dài giá mủ cao su “chạm đáy” thì cuối năm 2016 giá mủ bắt đầu tăng lên giúp cho nông dân Bình Phước có lãi. Kéo theo đó thị trường mua bán giống cao su trong tỉnh cũng “ấm” lên. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng khuyến cáo người dân hãy thận trọng khi đầu tư kinh doanh giống loại cây này. Bởi đã có nhiều bài học “xương máu” từ việc chạy theo thị trường, mùa vụ dẫn đến nhiều hộ sản xuất cây giống lâm vào cảnh khó khăn.
Ông Trần Văn Phục chuẩn bị giống tốt để cung ứng cho thị trường |
Do giá mủ cao su tăng nên trong từ đầu năm 2017 người nông dân tích cực thay diện tích cao su già để trồng mới, khiến cho giá giống cao su tăng vọt. Hiện người mua chủ yếu sử dụng hai loại cao su giống là BP2-3-5 và lai hoa. Trong đó, giống BP2-3-5 có giá từ 25.000 – 30.000/stump bầu, còn stump trần có giá 5.000 – 6.000 đồng/cây, tăng 3 – 4 lần so với các năm trước đây. Giống lai hoa có giá từ 20.000 – 22.000 đồng/stump bầu, tăng 2 – 3 lần so với những năm trước. Đây được xem là cơ hội cho những người kinh doanh cây giống có điều kiện đầu tư mở rộng diện tích.
Ông Trần Văn Phục, chủ vựa giống cao su Quang Phục (ở xã Minh Long, huyện Chơn Thành) cho biết: Cách đây vài năm, xã Minh Long được mệnh danh là “thủ phủ” giống cao su, tuy nhiên hiện tại nơi đây chỉ còn vài cơ sở làm. Riêng gia đình ông vẫn gắng gượng cho đến nay nhưng vẫn cầm chừng, chưa dám đầu tư mạnh vì sợ lỗ vốn như mấy năm trước.
“Do không được dự báo giống cao su sẽ tăng lên nên năm nay gia đình tôi chỉ sản xuất cầm chừng, hiện trong vườn tôi chỉ có khoảng 40.000 cây giống, từ đầu mùa mưa đến nay mỗi ngày tôi bán từ 1.000 – 2.000 cây giống” – ông Phục nói. Theo nhận định của riêng ông Phục, trong năm nay nhu cầu cao su giống sẽ tiếp tục tăng, do đó kéo theo nhiều cơ sở sẽ quay lại ồ ạt sản xuất giống.
Còn ông Nguyễn Hồng Thường (ở xã Minh Lập, huyện Chơn Thành) chia sẻ: “Nhận thấy giá mủ cao su tăng trở lại nên gia đình tôi hiện đã thanh lý gần 5ha cao su già cỗi và mua hơn 2.000 cây cao su giống để trồng mới. Hi vọng những năm sau này giá mủ cao su cũng tăng như vậy”.
Theo ông Phạm Văn Hoang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, dự kiến từ nay đến năm 2020 diện tích quy hoạch cao su của Bình Phước sẽ đạt 250.000ha, trong đó kế hoạch năm 2017 hơn 236.000ha. Năm 2016, diện tích thanh lý cao su tiểu điền hơn 1.000 ha, tương ứng nhu cầu giống gần 600.000 cây giống. Tuy nhiên, số diện tích này đa số thuộc các công ty nên họ đã chuẩn bị giống.
“Để cung ứng cho thị trường, các cơ sở sản xuất giống cần có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu trồng của người sử dụng nhằm tránh dư thừa giống, gây thiệt hại về kinh tế. Đối với người nông dân khi mua giống cao su cần thận trọng lựa chọn những loại giống phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu cũng như chọn mua giống ở các cơ sở uy tín, chất lượng nhằm tránh thiệt hại về sau” – ông Hoang khuyến cáo.
Nguồn khoahocthoidai.vn