“Lãnh đạo cùng các ban, ngành, đoàn thể của địa phương đã có rất nhiều cuộc họp, kiến nghị với nhiều cấp, ngành nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn kéo dài gần 10 năm nay. Uy tín của những người đại biểu dân cử như chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hứa và kiến nghị giải quyết một vấn đề sát sườn, gây bức xúc trong dân là ô nhiễm môi trường sống nhưng không có kết quả thì nói còn ai nghe?” – ông Lê Ngọc Nam, Phó chủ tịch HĐND xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú kiến nghị.

“Quýt làm, cam chịu”

Một trong những điểm gây ô nhiễm môi trường mà Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước phản ánh trong nhiều năm qua và hiện vẫn gây nhiều bức xúc cho người dân xã Thuận Lợi là bãi rác thải tập trung của xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng.

Đáng chú ý, bãi rác này ở thôn Phú Nguyên, xã Phú Riềng nhưng lại giáp ranh với ấp Thuận Bình, xã Thuận Lợi nên người dân nơi đây phải gánh chịu ô nhiễm. Bãi rác đã hình thành từ hơn 10 năm nay. Hàng chục tấn rác thải các loại được vận chuyển đến đây hằng ngày. Gần 5 năm nay, bãi rác được mở rộng thêm 1,8 ha nên mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

Lãnh đạo xã Thuận Lợi và người dân ấp Thuận Thành 1 ngao ngán trước tình trạng ô nhiễm môi trường do cống xả thải từ Trung tâm thương mại Phú Riềng thải ra

Ông Trần Minh Quyết, cán bộ hưu trí nhà ở ấp Thuận Bình, xã Thuận Lợi bức xúc: Trong năm có 2 mùa mưa, nắng thì hơn 50 hộ dân thuộc tổ 3 và tổ 5, ấp Thuận Bình phải hứng chịu sự ô nhiễm nghiêm trọng cả 2 mùa do bãi rác thải tập trung này gây ra. Mùa khô, rác thải được xử lý bằng hình thức đốt cháy trực tiếp. Khói từ đốt rác bao trùm cả 2 tổ dân cư này. Dù mưa hay nắng, người dân thôn Thuận Bình và các thôn vùng phụ cận đều phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm kéo dài gần 10 năm nay.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Phú Riềng khẳng định: Tình trạng ô nhiễm, gây bức xúc dư luận này đã có giải pháp khắc phục. Đó là trong tháng 4 này có 2 xe vận chuyển rác từ xã về nhà máy xử lý rác của thành phố Đồng Xoài. Đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt, còn lâu dài rất cần được tỉnh, huyện, ngành tài nguyên và môi trường kêu gọi nhà đầu tư về đầu tư trên địa bàn huyện 1 nhà máy xử lý rác. Điều quan trọng nữa là phải có kinh phí, quỹ đất rộng và xa khu dân cư.

Phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với bảo vệ môi trường

Tìm được giải pháp khắc phục tạm thời cho vấn đề thu gom rác thải thì xã Phú Riềng lại gặp phải rắc rối khác. Đó là tình trạng xả nước thải, các loại chất thải của Trung tâm thương mại Phú Riềng xuống dòng suối, nơi giáp ranh giữa thôn Phú Cường thuộc xã Phú Riềng và ấp Thuận Thành 1, xã Thuận Lợi. Nơi đây, người dân địa phương quen gọi suối này là suối D. Gần 8 năm Trung tâm thương mại Phú Riềng ra đời, vào mùa khô như hiện nay, gần 100 hộ dân sống dọc con suối này phải hứng chịu ô nhiễm và ngày một trầm trọng hơn. Nhiều người đã lâm bệnh vì ô nhiễm. Số khác thì bán đất, bán nhà đi nơi khác nhưng đáng buồn là do hôi thối quá, không ai dám đến mua. Ông Nguyễn Văn Thịnh ở thôn Phú Cường, xã Phú Riềng, nhà chỉ cách ống cống xả thải chưa đến 10m nên nguồn nước giếng bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối, buộc gia đình ông phải đi mua nước uống và cả nước tắm, giặt từ 5 năm nay.

Phải sống trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài, người dân đã rất nhiều lần phản ánh với các cấp, ngành, chính quyền địa phương nhưng chưa có giải pháp khắc phục dứt điểm. Ông Trần Văn Phước, Trưởng ấp Thuận Thành 1, xã Thuận Lợi đề xuất: Tôi tha thiết kiến nghị lãnh đạo tỉnh, huyện, Sở Tài nguyên – Môi trường sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm này. Đây cũng là quan điểm của ông Lê Ngọc Nam, Phó chủ tịch HĐND xã Thuận Lợi.

Theo ông Nam, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của cử tri và người dân nhưng không mang lại hiệu quả khi đề xuất giải quyết vấn đề cấp thiết như ô nhiễm môi trường thì người đại biểu khó mà nói gì được.

Trong quá trình phát triển của các địa phương, có một phần đóng góp quan trọng từ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển ấy đòi hỏi phải có sự hài hòa về mặt lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp với cộng đồng; phải gắn liền với công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Bởi phát triển kinh tế là rất cần thiết nhưng những hậu quả về môi trường là không thể bù đắp trong tương lai.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : mội trườngô nhiễm

Các tin liên quan đến bài viết