Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa dỡ bỏ trừng phạt và hạn chế thị thực cho các quan chức cấp cao của Tòa án Hình sự quốc tế mà chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt.

Động thái trên được cho là sẽ làm hài lòng các nhà hoạt động nhân quyền cùng nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Ông Biden thu hồi sắc lệnh thời ông Trump, bỏ phạt quan chức tòa hình sự quốc tế
Công tố viên Fatou Bensouda tại ICC ở The Hague, Hà Lan, năm 2018. Bà bị chính quyền Trump áp đặt trừng phạt. 

Trong một thông báo, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Tổng thống Joe Biden đã thu hồi sắc lệnh đối với một số thành viên ICC, chấm dứt đe dọa cùng sự áp đặt trừng phạt kinh tế cũng như những hạn chế về thị thực liên quan đến tòa án.

“Do vậy, các biện pháp trừng phạt mà chính quyền trước đó áp đặt đối với Công tố viên ICC Fatou Bensouda và Trưởng phòng Quyền Tài phán, Bổ sung và Hợp tác của Văn phòng Công tố, Phakiso Mochochoko, đã được dỡ bỏ”, ông Blinken nêu cụ thể.

Quan chức này cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chấm dứt một chính sách riêng biệt năm 2019 về hạn chế thị thực đối với một số nhân viên ICC.

“Những quyết định này phản ánh đánh giá của chúng tôi rằng các biện pháp được thông qua là không phù hợp và không hiệu quả”, ông Blinken nói.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh vẫn tồn tại bất đồng giữa Washington và tòa án quốc tế có trụ sở tại The Hague, Hà Lan.

“Chúng tôi tiếp tục không đồng ý mạnh mẽ với các hành động của ICC liên quan đến tình hình Afghanistan và Palestine. Chúng tôi duy trì sự phản đối lâu nay đối với nỗ lực của Tòa án nhằm khẳng định quyền tài phán đối với nhân sự của các nước không phải là thành viên ICC như Mỹ và Israel”, ông nhấn mạnh.

Washington không phê chuẩn Quy chế Rome của ICC và bác bỏ quyền tài phán của tòa án này đối với người Mỹ.

Hồi tháng 3 năm ngoái, ICC cho phép một cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh có thể xảy ra ở Afghanistan, bao gồm cả những tội ác có thể được thực hiện bởi quân đội Mỹ và CIA. Tháng 7 cùng năm, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh trừng phạt kinh tế chống lại các quan chức ICC tham gia điều tra về nhân sự của Mỹ, vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế và một số đồng minh.

ICC được thành lập khi Quy chế Rome có hiệu lực vào năm 2002. Tòa án truy tố các tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác xâm lược.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : áp đặt trừng phạthạn chế thị thựcMỹông Bidentrừng phạt

Các tin liên quan đến bài viết