Chile vừa ban hành lệnh phong tỏa thủ đô Santiago và gần 200 thành phố (chiếm 80% dân số) do đợt dịch thứ hai bùng nổ. Số ca mắc COVID-19 gia tăng khiến các khoa hồi sức cấp cứu quá tải.

Chile tái bùng phát dịch COVID-19 do vắc xin của Trung Quốc hiệu quả không cao? - Ảnh 1.

Cảnh tiêm vắc xin nhộn nhịp ở Chile 

Các quy định phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng thấy. Các chợ bán trái cây, rau quả và hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa. Không ai được ra ngoài, trừ mấy tiếng trước 9 giờ sáng để rèn luyện thể dục, thể thao.

Tại khu vực Santiago, giới nghiêm đã được áp dụng từ 10h đêm. Từ ngày 29-3 bắt đầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, mỗi tuần người dân chỉ được cấp tối đa hai giấy phép ra ngoài.

1/3 dân số Chile đã tiêm vắc xin nhưng dịch vẫn bùng phát

Đáng chú ý là số ca nhiễm gia tăng trong khi Chile được xem là quốc gia đứng đầu khu vực Mỹ Latin về tỉ lệ đã tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Tính đến ngày 30-3 đã có 6.387.953 người được tiêm vắc xin trong dân số 17.574.003 dân, chiếm tỉ lệ 36,35%.

Với tỉ lệ này, Chile đứng sau Israel (60,33%) và Anh (45,68%) nhưng vượt trên Mỹ và Pháp.

Chile tái bùng phát dịch COVID-19 do vắc xin của Trung Quốc hiệu quả không cao? - Ảnh 2.

Tổng thống Chile Sebastián Piñera được tiêm liều vắc xin CoronaVac đầu tiên ngày 12-2 

Từ đầu chiến dịch tiêm chủng ngày 24-12-2020, Chile sử dụng hai loại vắc xin gồm vắc xin CoronaVac của Sinovac (Trung Quốc) và vắc xin của Pfizer/BioNTech, trong đó phần lớn là vắc xin CoronaVac.

Hiệu quả của vắc xin CoronaVac không cao

TS di truyền học Axel Kahn – nguyên giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu sức khỏe và y học quốc gia Pháp (INSERM) – nhận xét số ca mắc COVID-19 gia tăng ở Chile trong khi 1/3 dân số Chile đã tiêm chủng là điều bình thường.

Ông đưa ra nhiều lý do để giải thích. Một, quả đúng 36,35% dân số Chile đã tiêm vắc xin COVID-19 nhưng đây là những người chỉ mới được tiêm một liều. Tỉ lệ đã tiêm đầy đủ hai liều ở Chile chỉ đạt khoảng 17%.

Hai, vắc xin CoronaVac chỉ đạt hiệu quả 79% sau hai liều tiêm so với 94% đối với vắc xin của Pfizer/BioNTech và 82% của AstraZeneca.

Nếu tính một liều tiêm, vắc xin CoronaVac đạt hiệu quả càng kém hơn. Vắc xin của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả đến 90% chỉ 21 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên, còn vắc xin của AstraZeneca là 76% ba tuần sau liều đầu tiên.

Ba, vắc xin CoronaVac yêu cầu tiêm hai liều cách nhau 28 ngày mới đạt hiệu quả 79% theo công bố của nhà sản xuất Sinovac. Tuy nhiên, một nghiên cứu rộng rãi của các nhà khoa học Brazil nhận thấy hiệu quả của CoronaVac chỉ đạt tròm trèm 50%.

Phải chờ đến tháng 4-2021

Chile tái bùng phát dịch COVID-19 do vắc xin của Trung Quốc hiệu quả không cao? - Ảnh 3.

Người giao thức ăn trên đường sá vắng hoe ở Santiago chiều tối 27-3 

TS Axel Kahn lưu ý chiến dịch tiêm chủng không có tác dụng tức thời đối với đại dịch dù sử dụng bất kỳ loại vắc xin nào. Ông nhấn mạnh: “Những người đã tiêm vắc xin hôm nay ở Chile sẽ không được bảo vệ cho đến cuối tháng 4-2021”.

Ông giải thích thêm: “Chúng ta đã biết để ngăn chặn hoàn toàn ngưỡng dịch bệnh hoặc dịch tái phát cần đạt được mức miễn dịch tập thể. Với tỉ lệ 17% đã tiêm hai liều, còn lâu Chile mới có thể dựa vào tiêm chủng để ngăn chặn đợt dịch thứ hai này”.

Theo lý thuyết, muốn đạt miễn dịch tập thể, tỉ lệ tiêm chủng đã lên tới khoảng 60-70% đối với virus SARS-COV-2.

Cuối cùng là lo ngại từ biến thể ở Brazil trong khi Chile gần với Brazil.

TS Axel Kahn ghi nhận: “Chúng tôi lo ngại biến thể ở Brazil đang lây nhiễm mạnh ở Chile nên làm giảm hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng”.

Biến thể ở Brazil đã được phát hiện tại Chile và đang phát tán toàn khu vực Mỹ Latin.

Hiện thời chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu trực tiếp hiệu quả của vắc xin Trung Quốc CoronaVac đối với biến thể của Brazil.

Ngoài ra còn một số yếu tố khác như kỳ nghỉ hè vừa kết thúc nên số người đi lại ở Chile gia tăng trên toàn quốc, tạo điều kiện cho virus lây lan.

Nguồn: tuoitre.vn

 

Từ khóa : bùng phát dịchChileCoronaVacCOVID-19vắc xin

Các tin liên quan đến bài viết