Đến năm 2022, thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa sẽ được giảm xuống trung bình còn tối đa 30 phút/lần đến giao dịch.
Đây là một mục tiêu cụ thể của Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt.
Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp
Đề án hướng tới đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC. Từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Đề án đặt mục tiêu vào năm 2025 mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% |
Một mục tiêu cụ thể trong năm 2021 được nêu ra tại Đề án là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu tử Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp.
Cùng với đó, hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 40%, 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh ,cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Cũng trong năm 2021, tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 100% Trung tâm phục vụ hành chính công.
Mục tiêu đến năm 2022 là hoàn thành số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, tăng tối thiểu 20% đối với kết quả thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và đất đai với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ việc giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp.
Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 50% Bộ phận một cửa cấp huyện và 30% Bộ phận một cửa cấp xã. Hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Đề án còn đặt mục tiêu đến năm 2022 tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó) mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu.
Trong giai đoạn 2023 – 2025, sẽ hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% đối mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100%; Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng hồ sơ tiếp nhận…
5 nhóm nội dung đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Đề án mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nêu rõ 5 nhóm nội dung đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó có việc: mở rộng tiếp nhận, giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc và địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng CNTT trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới…
Hoàn thiện thể chế; Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống CNTT; và Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện là 3 nhóm giải pháp sẽ được tập trung trong thời gian tới.
Trước đó, trong kết luận hội nghị trực tuyến ngày 18/3 tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, công tác hiện đại hóa nền hành chính đột phá về kết quả xây dựng Chính phủ điện tử đã làm thay đổi lề lối, phương thức làm việc theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, trong đó lưu ý một số vấn đề như: TTHC còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; một số cơ quan còn chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức; vẫn còn hiện tượng tiêu cực, vòi vĩnh, đòi đưa hối lộ ở một số cơ quan, đơn vị khi giải quyết thủ tục có liên quan…
Về định hướng xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về 3 đột phá chiến lược. Cải cách hành chính cần tiếp tục được chỉ đạo và điều hành sát sao, có trọng tâm, bám sát với nhiệm vụ đột phá chiến lược đề ra; công tác cải cách hành chính phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, từng người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045.
Nguồn; vietnamnet