Đọc phần tranh luận của các bạn về hạt sạn y khoa trong phim ‘Bố già’, tôi vốn chỉ định viết comment nhỏ nhưng vì thấy bứt rứt quá nên tôi phải viết luôn một bài gửi tới báo.
Thứ nhất, về bài viết của bạn Hà Thu, là người đầu tiên chỉ ra những hạt sạn trong phim Bố già. Tôi thấy trong bài viết bạn bày tỏ là người hâm mộ Trấn Thành yêu thích cách xây dựng câu chuyện của bộ phim Bố già. Điều ấy chứng tỏ những gì mà bạn ấy viết ra là hoàn toàn khách quan. Hâm mộ, yêu thích nhưng cái gì kém thì vẫn phải chê, chứ không phải hâm mộ thì khen lấy khen để theo kiểu nịnh bợ, đu trend. Theo tôi đánh giá, bạn ấy là một người có tư duy rất văn minh và có học thức.
Một phân cảnh trong phim ‘Bố già’. |
Nhưng khi đọc hai bài ý kiến của bạn Phạm Cường và Hoàng Nam thì lại hoàn toàn phớt lờ những lời khen của Hà Thu để xoáy thật sâu vào việc bạn Hà Thu chỉ trích lỗi y khoa. Thú thực, Phạm Cường là độc giả khiến tôi thất vọng nhất trong cuộc tranh luận này với những lập luận vô cùng ngô nghê và rất trẻ con.
Tôi xin lỗi trước khi phải nói ra câu này, chẳng rõ bạn thuộc tầng lớp trung niên hay thiếu niên mà bạn lại có một tư duy cho rằng, khi mà phim không phải do ngành y tế đặt hàng thì không cần làm cho nó đúng thực tế? Bạn có biết bao lâu nay phim Việt Nam bị chê vì cái gì không, chính là chê ở cái tính thực tế đấy. Các nhà biên kịch chỉ biết xây dựng một câu chuyện mang tính chất gia đình, cố gắng tạo ra những tình tiết éo le, cảm xúc để lấy nước mắt hoặc tiếng cười của người xem nhưng lại rất yếu trong nghiệp vụ nghề nghiệp. Điển hình nhất là các phim có yếu tố y khoa và yếu tố hình sự, hai thể loại mà dễ mắc lỗi nhất.
Đối với bạn Phạm Cường, qua những dòng chữ của bạn tôi đánh giá bạn là một khán giả vô cùng dễ dãi, phim gì bạn cũng sẽ xem và khen hay được cả bởi vì tiêu chuẩn của bạn rất thấp. Và thật may bạn không đi sản xuất phim, chứ nếu bạn mà đi làm phim chắc sẵn sàng để cho nhân vật của bạn đã chết rồi cũng sẽ được đội mồ sống lại nếu cần, bởi vì mục đích của bạn chỉ là làm cho khán giả khóc để họ khen ngợi bạn mà thôi. Bởi vì bạn đâu có làm phim theo đơn đặt hàng của ngành y!
Bạn bảo người ta chỉ biết chê bai như đa số người Việt Nam, nhưng tôi thấy ngược lại. Chính bạn mới giống đa số người Việt Nam, chỉ thích nghe những lời khen có cánh tâng bốc bạn và thần tượng của bạn, chứ không chấp nhận bị người khác chê bai khuyết điểm của mình dù là nhỏ nhất. Bạn xù lông nhím lên viết cả một bài viết với đầy những lý lẽ ngô nghê trẻ con để bảo vệ cái bộ phim bạn yêu thích. Của đáng tội, rõ ràng người viết bài (bạn Hà Thu) cũng khen ngợi bộ phim này rất nhiệt tình đấy chứ. Vậy nên tôi chẳng hiểu sao bạn lại bỗng nhiên có thái độ hằn học cay cú như vậy.
Bộ phim thành công về cảm xúc nhưng vẫn còn thiếu sót về thực tế. |
Bạn yêu cầu họ đưa ra những nhận xét thuyết phục trong khi bản thân nhận xét của bạn lại cực kỳ vô lý, và bạn không hề có kiến thức về sản xuất một bộ phim thì những gì mà người ta viết ra làm sao mà bạn hiểu được? Nếu bạn chỉ thích được người khác khen, ghét bị ai đó chê bai thì bạn không phải mẫu người có khả năng tiến bộ được đâu. Tôi nói thật nhé, nói mấy lời khen ngợi thì dễ lắm, ai cũng khen được, người già trẻ nhỏ đều khen được. Chê được mới khó, bởi vì muốn chê phải có kiến thức.
Tôi đã xem phim Bố già, và tôi hoàn toàn công nhận những giá trị về mặt cảm xúc mà bộ phim đã mang lại. Nhưng tôi lại cũng nói thẳng luôn rằng những bộ phim tạo dựng được cảm xúc như thế này, nền điện ảnh Việt Nam mấy chục năm qua không hề thiếu. Cả phim truyền hình lẫn phim chiếu rạp chúng ta đều có đủ, từ những phim như: Của để dành, Sóng ở đáy sông, Về nhà đi con, Cha cõng con cũng đều là những kiệt tác về cảm xúc không thua kém gì Bố già cả. Nhưng nếu khán giả Việt Nam chỉ cần có thế thôi, chỉ cần những phim giàu cảm xúc, đong đầy nước mắt mà bỏ qua những yếu tố kiến thức thì điện ảnh Việt Nam sẽ không thể nào tiến bộ và nâng tầm đẳng cấp lên ngang ngửa với những nền điện ảnh lớn trong khu vực được. Vẫn sẽ chỉ có người Việt Nam tự xem phim của nước mình chứ quốc tế sẽ không thèm để ý.
Để nền điện ảnh phát triển mạnh mẽ hơn thì hơn ai hết khán giả cần bớt dễ dãi hơn. Phim hay chúng ta khen. Nhưng nếu cái gì họ làm chưa tốt, bạn rất cần phải lên tiếng. Cá nhân tôi là một người yêu nghệ thuật, tôi hoàn toàn không chấp nhận ngồi im một chỗ để đón nhận những bộ phim chỉ có tiếng cười, chỉ có nước mắt nhưng lại yếu kém về logic. Những phim như vậy Việt Nam có nhiều rồi, cái chúng ta cần là phải vươn cao hơn chứ không phải bằng lòng với những gì mà chúng ta vẫn cứ làm suốt bao năm qua.
Nếu bạn Hoàng Nam muốn hỏi sạn từ đâu mà có? Thì qua hai bài tranh luận của bạn và bạn Phạm Cường, tôi xin được nói rằng một phần số lượng sạn không hề nhỏ của điện ảnh Việt Nam bao năm nay đến từ chính sự dễ dãi của những khán giả như các bạn đấy. Khi các bạn dễ dãi, xuề xoà bỏ qua thì các nhà sản xuất sẽ cảm thấy không cần phải rút kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn kiến thức để làm phim nữa. Họ chỉ cần làm các bạn khóc là thành công rồi, vậy là đủ. Và rồi cứ như thế sạn sẽ tiếp tục được sinh ra.
Nếu bạn muốn biết một kiệt tác vừa giàu cảm xúc lại đạt tới đỉnh cao về kiến thức thì tôi xin mời các bạn xem Ký sinh trùng của Hàn Quốc. Nhưng trước khi các bạn xem, tôi nói cho các bạn (đặc biệt là bạn Phạm Cường) biết rằng. Mặc dù phim này không phải do Bộ xây dựng Hàn Quốc đặt hàng nhưng đạo diễn phim đã thuê cả một kiến trúc sư thật về tư vấn xây dựng bối cảnh trong phim. Và phim của người ta đã giành được 4 giải Oscar đấy thưa bạn.
Nguồn: vietnamnet