Có lẽ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chẳng ai có thể nghĩ tới chuyện có một ngày vắc xin chống virus corona lại trở thành công cụ trong cuộc chiến giành quyền lực cấp độ toàn cầu.
“Sự bất công trong phân phối vắc xin không chỉ là vấn đề về mặt đạo đức, mà là hành động tự hại mình về mặt kinh tế và dịch tễ học.
Tổng giám đốc WHO TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS
Đang nóng nhất là cuộc khẩu chiến giữa Liên minh châu Âu (EU) và thành viên vừa rời đi là Anh. Nôm na rất dễ hiểu: EU có đặt mua vắc xin của Hãng AstraZeneca là liên danh Anh – Thụy Điển. Giờ thì bên AstraZeneca nói không thể cung cấp đơn hàng đúng hạn cho EU theo hợp đồng đã ký do trục trặc về khâu sản xuất nên thiếu hàng.
Khổ nỗi, nhiều nhà máy của AstraZeneca đang đặt trên lãnh thổ châu Âu nên nhất cử nhất động chuyển hàng đi đều bị biết cả. Châu Âu cho rằng AstraZeneca qua mặt mình, giao hàng cho các đối tác khác mà không đảm bảo hàng cho châu Âu trong khi chương trình tiêm chủng ở đây có khả năng bị ảnh hưởng do thiếu vắc xin.
Cấm xuất khẩu 6 tuần
Khi khó khăn quá nhiều, thiệt hại kinh tế quá nhiều thì lợi ích quốc gia/khu vực càng trỗi dậy. Các chính trị gia càng ra sức bảo vệ cho quyền lợi gần nhất của mình. Châu Âu cũng không còn bao dung như thường thể hiện trước đây.
Trả lời phỏng vấn của Tập đoàn truyền thông Funke của Đức ngày 20-3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen không giấu giếm: “Chúng tôi có một lựa chọn là cấm xuất khẩu. Thông điệp gửi tới AstraZeneca là hãy thực hiện đầy đủ hợp đồng với châu Âu trước khi giao vắc xin cho các nước khác”.
Chủ tịch von der Leyen cho biết AstraZeneca mới chỉ giao 30% trong số 90 triệu liều vắc xin AstraZeneca đã thỏa thuận trong quý 1-2021. Công ty này giải thích sản xuất bị đình trệ vì các nhà máy của hãng trên lãnh thổ châu Âu, nhưng giới chức châu Âu không hài lòng khi AstraZeneca vẫn có thể giao hàng đầy đủ theo hợp đồng ký với Anh.
Trong ngày 25-3, các lãnh đạo của EU bắt đầu nhóm họp thượng đỉnh và sẽ bàn về vấn đề cung ứng vắc xin. Trong ngày 24-3, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua việc sửa đổi cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu.
Các quan chức EU cho biết việc sửa đổi này không dẫn đến một lệnh cấm xuất khẩu chung, song sẽ ủng hộ điều mà bà chủ tịch Ursula von der Leyen gọi là nguyên tắc “có đi, có lại”. Báo New York Times cho biết sự chỉnh sửa này sẽ dẫn đến việc EU cấm xuất khẩu vắc xin trong sáu tuần để ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho các nước EU.
Bà Ursula von der Leyen đã từ chối trả lời câu hỏi là liệu có một “cuộc chiến vắc xin” với Anh hay không, chỉ cho biết đến nay EU đã chấp thuận xuất khẩu 41 triệu liều vắc xin sang 33 quốc gia kể từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 3.
Bà nói rằng EU hiện nên xem xét liệu có nên cho phép xuất khẩu sang các nước đã tiến xa hơn trong chương trình tiêm chủng của họ.
Bí ẩn Nga, Trung
Theo báo South China Morning Post, Trung Quốc cho đến nay đã viện trợ vắc xin cho 69 quốc gia và xuất khẩu sang 28 quốc gia. Tuy các vắc xin Sinopharm và Sinovac không được EU chấp thuận do không trình bày kết quả của giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba nhưng vẫn được một số nước Đông và Trung Âu sử dụng do việc cung cấp của các công ty dược phẩm phương Tây quá chậm. Theo báo Politico thì Trung Quốc chiếm 32% tổng nguồn cung cấp vắc xin cho Hungary.
Tuy nhiên, theo đặc phái viên của báo Đan Mạch Berlingske tại Nga và Trung Quốc, cho dù hai nước này đã xuất khẩu một số lượng lớn vắc xin, tỉ lệ dân chúng được tiêm chủng lại thấp hơn so với các nước nhận vắc xin của họ.
Theo các số liệu được công khai vào cuối tháng 2, Nga đã cung cấp 4 triệu liều Sputnik V cho 17 quốc gia trong khi chỉ giữ lại 6 triệu liều. Chỉ tiêu Matxcơva đặt ra vào đầu năm nay là 20 triệu người Nga được tiêm chủng trong quý 1 và tới cuối tháng 6-2021 thì 60% người Nga trưởng thành (65 triệu người), được tiêm chủng.
Thế nhưng, theo tính toán của các chuyên gia độc lập của Nga thì với tốc độ hiện tại, Nga chỉ có thể hoàn tất các chỉ tiêu này vào cuối năm 2022.
Trung Quốc đã đặt ra chỉ tiêu là đạt 40% trong số 1,4 tỉ dân được tiêm chủng vào cuối tháng 6 và cũng đã hứa hẹn rất nhiều với nước ngoài. Theo Đài truyền hình CGTN của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ gửi ít nhất 463 triệu liều vắc xin ra nước ngoài và hơn 46 triệu liều đã được chuyển đi.
Ước tính các công ty Trung Quốc có thể đạt công suất tổng cộng 3,6 tỉ liều vào cuối năm nay. Không biết Trung Quốc có thể đạt các chỉ tiêu này hay không nhưng hiện đang bị Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ kêu ca là giao hàng chậm so với kế hoạch.
Nguồn: tuoitre.vn