Lần đầu tiên có chuyện gia đình người hiến tạng cần gặp người nhận. Nhiều lúng túng pháp lý đã diễn ra khi người mẹ mong gặp người đã nhận trái tim con mình nhưng không được.
Bốn ngày vừa qua, câu chuyện của gia đình bà N. nóng lên. Dù trước đó bà đã 2 lần gửi đơn đề xuất nguyện vọng kể trên và 1 lần rút đơn nhưng lần này bà đưa câu chuyện cùng với nguyện vọng của mình lên mạng xã hội. Con gái của bà cũng lên tiếng, đã có tranh cãi, hàng trăm lượt chia sẻ và rất nhiều vấn đề được đặt ra.
Khát khao của người mẹ
Hôm 14-9-2020, gia đình bà T.T.N. ở Hải Dương đau đớn khi người con trai, niềm hi vọng của gia đình, bị chấn thương sọ não và được xác định không qua khỏi. Theo lời kể của gia đình, đó là nỗi đau xé lòng với người mẹ, “tôi đau đớn và gục ngã vì con không thể còn sống bên mình”.
Nhưng rồi vượt lên nỗi đau riêng, gia đình bà N. đã quyết định hiến tạng con trai, “hiến bao tạng là thêm bấy nhiêu em T. và như em vẫn bên mẹ” – người con gái của bà động viên. Bà N. đồng ý với điều kiện phải biết được tên tuổi, địa chỉ của người nhận tạng, để sau này bà được biết phần cơ thể ở trên đời có được ổn không.
9h ngày 16-9-2020, gia đình bà N. được gặp mặt con lần cuối, ngay sau đó các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy 2 tay, gan, thận, phổi để ghép cho những người bệnh đang chờ, tim được điều phối sang ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
“Chiều 16-9 lễ tang cho T. được tổ chức trang trọng, đại diện Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 108 cùng 5 gia đình nhận tạng tiễn đưa em, 5 gia đình thường xuyên cập nhật tình hình của những người được ghép, mẹ mừng mỗi khi nghe tin tiến triển; buồn, lo lắng mỗi khi có tin sức khỏe của ai đó không tốt. Cháu trai ghép tay nhận mẹ là bà, tình cảm với bà.
Duy chỉ có ca nhận tim mẹ mong mỏi nhất, muốn được nghe nhịp thở nhất thì không có liên hệ gì. Mẹ đã tìm đến Việt Đức, nhưng thông tin mỗi lúc một khác. Mẹ đau khổ, gần đây không ngủ được, thậm chí có lời đồn mẹ bán tim, mẹ càng muốn tìm, muốn chứng minh cho mọi người thấy mẹ làm vì nghĩa cử” – con gái của bà N. chia sẻ.
Bệnh viện nơi cho, nơi không
Lần lại thông tin từ 6 tháng trước, hôm 16-9-2020 Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã thực hiện ca lấy ghép đa mô tạng từ người hiến chết não để cứu sống 6 bệnh nhân, trong đó 5 ca ghép thực hiện tại Bệnh viện 108 gồm ghép 2 phổi cho 1 bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát; ghép gan cho 1 bệnh nhân suy gan cấp trên nền xơ gan do nhiễm virus viêm gan siêu vi B, ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối, ghép đồng thời 2 cẳng bàn tay cho 1 bệnh nhân bị cụt 2 bàn tay do tai nạn chất nổ.
Ca ghép còn lại, bệnh viện phối hợp với Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, ghép cho 1 bệnh nhân viêm cơ tim thể giãn giai đoạn cuối tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Trong số 6 ca ghép này, có 5 ca thực hiện tại Bệnh viện 108 và bà N. đã gặp, đã biết toàn bộ những người nhận tạng của con mình. Riêng trái tim ghép tại Bệnh viện Việt Đức, theo bà N., bà chưa gặp được người nhận và chưa nhận được kể cả một cuộc điện thoại của người nhận trái tim.
Theo ông Trần Bình Giang – giám đốc Bệnh viện Việt Đức, ông rất chia sẻ với nguyện vọng của người mẹ, tuy nhiên theo quy định của luật pháp, bệnh viện và các bác sĩ không được cung cấp thông tin, địa chỉ của người hiến và nhận tạng, tránh trường hợp không hay xảy ra.
“Trên thế giới, các thông tin về người hiến và người ghép đều được mã hóa, không được phép tiết lộ để đảm bảo cuộc sống bình thường của người được nhận tạng, nhất là trong quá trình khám chữa bệnh” – ông Giang nói.
Điều khó khăn là trước khi gia đình bà N. quyết định hiến tạng, theo thông tin từ gia đình thì Bệnh viện 108 hứa sẽ cung cấp thông tin người nhận. Và họ đã thực hiện đúng lời hứa này trong phạm vi bệnh viện của mình. Đành rằng quy định là không được tiết lộ nhân thân hai bên, nhưng một đại diện của Bệnh viện 108 cho rằng người Việt Nam mình không làm thế được, họ không cần tiền, nhưng phải biết phần cơ thể của con họ ở đâu.
Tuy nhiên với ca ghép tim thì phạm vi nằm ngoài sự quản lý của Bệnh viện 108, lúc này quy định đã rõ, Bệnh viện 108 có hứa (gia đình có tin nhắn nhưng không có văn bản cam kết) thì Bệnh viện 108 cũng không thể thực hiện được vì ca ghép tiến hành ở bệnh viện khác. Và Việt Đức thì đang thực hiện đúng pháp luật quy định, Bệnh viện Việt Đức trước đó không hứa cung cấp thông tin người hiến – nhận.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ có được, Bệnh viện 108 đã đến làm việc với Bệnh viện Việt Đức đề nghị cung cấp thông tin nhưng chưa được chấp thuận.
Thiếu quy định rõ ràng?
“Nếu biết được, khi tắt hơi, nhắm mắt mới yên lòng, thanh thản lúc ra đi. Nếu ai biết hoặc người nhận trái tim trưa 16 hoặc ngày 17-9-2020 mong mọi người nhắn giúp tôi biết nhé” – bà N. viết.
Bệnh viện 108 cho biết bà N. còn đến bệnh viện chăm sóc chàng trai trẻ nhận được đôi tay do con trai bà hiến tặng.
Tuy nhiên quy định thì vẫn là quy định, theo ông Trần Bình Giang, nếu cơ sở nào thực hiện kết nối giữa người hiến tạng và người nhận tạng dưới bất kỳ hình thức nào đều không đúng quy định.
“Nếu người nhận tạng tha thiết gặp người hiến họ sẽ tìm cách. Còn nếu người ta không muốn và muốn giữ cuộc sống riêng tư, họ hoàn toàn có quyền đó. Bệnh viện không thể bắt người ta phải mang ơn và tìm đến người hiến tạng cho mình, điều này có thể làm mất đi tính nhân văn của nghĩa cử hiến tạng cứu người” – ông Giang nói và cho biết đến thời điểm này, người nhận trái tim từ con trai bà N. vẫn đang sống khỏe mạnh.
Trong khi đó, theo chị Nguyễn Thanh C., con gái bà N., gia đình mong muốn được biết người nhận tim là ai và không đòi hỏi gì. “Bố tôi mất sớm khi em trai tôi mới học lớp 4, một mình mẹ lo nuôi các con ăn học. Ra trường thì năm 2006 em gái tôi mất do tai nạn, để lại con gái mới 9 tháng tuổi. Đến 2020 em trai tôi lại mất. Ai là mẹ chắc hiểu nỗi lòng của mẹ tôi” – chị C. nói.
Phạt nếu tiết lộ thông tin
Ngày 14-11-2013, Chính phủ ban hành nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, hình thức xử phạt hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép mô, bộ phận cơ thể người trừ trường hợp có sự thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định khác sẽ bị:
– Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trừ trường hợp có sự thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định khác.
Mức phạt này đồng thời áp dụng cho các hành vi: môi giới việc mua bán bộ phận cơ thể người; lấy bộ phận cơ thể không tái sinh ở người sống khi chưa có ý kiến bằng văn bản của hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người.
Chỉ 10-20 người hiến tạng/năm
Theo thông tin từ Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, từ 2010 đến nay mỗi năm chỉ vận động được khoảng 10 người chết não hiến tặng mô tạng, năm 2019 nhiều nhất, có 20 người chết não hiến tạng. Những người này đã đem lại sự sống cho hàng trăm người được ghép phổi, gan, thận, tim, giác mạc… trong hơn 10 năm qua.
Đã có những cuộc kết nối giữa người cho và người nhận tạng. Khi đến Hà Nội để tham dự cuộc tri ân người hiến tặng mô tạng, một người đã được ghép tim tại Huế được gặp vợ người hiến tặng trái tim cho mình. Người nhận tim kể rằng khi đi đến gần vợ người hiến tặng trái tim, dù chưa biết chị ấy, nhưng trái tim của người chồng đã qua đời, giờ đang ở một cơ thể mới, bất ngờ đã đập những nhịp mạnh hơn. Những người hiến tặng mô tạng và những người may mắn được nhận tạng vì thế cũng trở nên gần gũi với nhau hơn.
Nguồn: tuoitre.vn