Sau mấy ngày tạm hoãn để bị cáo Dương Thị Bạch Diệp được chăm sóc sức khỏe, ngày 22-3, phiên tòa tiếp tục được mở lại với phần luận tội và đề nghị mức án cho các bị cáo.

Đề nghị tuyên phạt bà Dương Thị Bạch Diệp mức án chung thân - Ảnh 1.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nghe luận tội 

Trong phiên xử trước đó, sau khi kết thúc phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa đã công bố các bút lục liên quan đến lời khai nhận tội của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nhưng bị cáo này khóc lớn phản đối, phiên tòa bị gián đoạn nên HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa.

Hôm nay 22-3, đại diện viện kiểm sát đã có phần luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo trong vụ án.

Lợi dụng việc hoán đổi để chiếm đoạt đất công

Vụ án hoán đổi đất được thực hiện giữa thửa đất 57 Cao Thắng của Công ty Diệp Bạch Dương với thửa đất 185 Hai Bà Trưng do Trung tâm ca nhạc nhẹ (thuộc Sở VH-TT&DL TP.HCM) quản lý.

Sau khi được thành phố chấp nhận chủ trương, hai bên đã thực hiện hoán đổi. Tuy nhiên, thửa đất 185 Hai Bà Trưng đã được sang tên cho Công ty Diệp Bạch Dương nhưng thửa đất 57 Cao Thắng lại bị công ty thế chấp tại Ngân hàng Agribank dẫn đến việc Trung tâm ca nhạc nhẹ bị mất quyền kiểm soát đối với cả hai thửa đất, thiệt hại được xác định là 186 tỉ đồng.

Trong phiên tòa, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp khai mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản, việc thế chấp tài sản tại Ngân hàng Agribank là hoàn toàn giả mạo. Bà không dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất 57 Cao Thắng để thế chấp cho Agribank.

Tuy nhiên, trong phần trả lời tại tòa, đại diện viện kiểm sát khẳng định chính Công ty Diệp Bạch Dương đã có văn bản mượn hồ sơ gốc để xin giấy phép sửa chữa nhà, cập nhật tài sản trên đất…

Bà Dương Thị Bạch Diệp khẳng định trong hồ sơ vay vốn có những mâu thuẫn về thời gian được thể hiện trên văn bản cũng như thực tế, việc xin giấy phép xây dựng, sửa chữa, hoàn công được thực hiện trước khi bà Diệp mượn lại hồ sơ gốc của thửa đất tại Ngân hàng Agribank.

Đề nghị tuyên phạt bà Dương Thị Bạch Diệp mức án chung thân - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Thành Tài tại phiên tòa ngày 22-3 

Bị cáo Diệp chỉ cung cấp giấy tờ photo hồ sơ đất!

Theo đó, Viện KSND TP.HCM cho rằng bà Diệp đã thực hiện hành vi gian dối khi không thực hiện đúng cam kết bàn giao đất cả về mặt thực tế và pháp lý. Việc gian dối của bà Diệp đã khiến cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM mất quyền kiểm soát với lô đất 185 Hai Bà Trưng, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Cụ thể, viện kiểm sát cho rằng bà Diệp cung cấp bản photo nhằm thể hiện nhà 57 Cao Thắng chưa thế chấp, không thông báo nhà 57 Cao Thắng đang thế chấp ở Agribank.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà số 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp không dùng tài sản này để thay thế tài sản thế chấp là số 57 Cao Thắng đang thế chấp tại Agribank mà đem giấy chứng nhận này thế chấp ở một ngân hàng khác nhằm chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Viện kiểm sát cho rằng để bị cáo Diệp chiếm đoạt tài sản nhà nước, có trách nhiệm của nhiều cán bộ UBND TP.HCM.

Viện kiểm sát chia sẻ áp lực lãnh đạo của bị cáo Nguyễn Thành Tài

Ngoài bà Diệp bị đề nghị mức án ở tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì viện kiểm sát còn đề nghị mức án ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch TP.HCM) và 8 bị cáo khác tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo thuộc nhóm cán bộ nhà nước không hưởng lợi gì từ việc hoán đổi, chỉ với mục đích mang lại lợi ích cho Trung tâm ca nhạc nhẹ. Do thiếu trách nhiệm, hoặc do tin tưởng cấp duới mà phạm tội.

Đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài, viện kiểm sát cho rằng bị cáo từng giữ chức vụ quyền hạn cao, viện kiểm sát chia sẻ với bị cáo về những áp lực trong công việc khi phải thực hiện cả những việc không thuộc lĩnh vực phân công khi chủ tịch UBND thành phố vắng mặt. Viện kiểm sát ghi nhận sự thành khẩn trong quá trình khai báo và xét xử của bị cáo tại tòa.

Đối với phần dân sự, viện kiểm sát cho rằng tài sản 185 Hai Bà Trưng là tài sản của Nhà nước nên cần thu hồi để trả cho Nhà nước, dành quyền khởi kiện dân sự cho các bên với phần tranh chấp liên quan đến tài sản này.

Cụ thể, các mức án được đề nghị như sau:

– Bà Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương): chung thân.

– Ông Vy Nhật Tảo (nguyên giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM): 5 đến 6 năm tù.

– Ông Trần Nam Trang (nguyên phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM): 3 năm án treo.

– Ông Nguyễn Thành Rum (nguyên giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch TP.HCM): từ 4 đến 5 năm tù.

– Ông Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường): từ 5 đến 6 năm tù.

– Ông Huỳnh Kim Phát (nguyên phó chánh văn phòng UBND TP.HCM): từ 3 đến 4 năm tù.

– Ông Lê Văn Thanh (nguyên phó chánh văn phòng UBND TP.HCM): từ 3 đến 4 năm tù.

– Ông Lê Tôn Thanh (nguyên phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM): 3 năm án treo.

– Ông Nguyễn Thành Tài (nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM): từ 5 đến 6 năm tù.

– Ông Đào Anh Kiệt (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM): từ 4 đến 5 năm tù.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Dương Bị bạch Diệpluận tội\tù chung thân

Các tin liên quan đến bài viết