Tình hình Biển Đông căng thẳng hơn trước là một thực tế. Song tình hình Biển Đông trên mặt báo còn căng thẳng hơn do những xảo thuật gây nhiễu thông tin, che đậy “bản thân”, đổ vấy cho các bên khác, gây lầm lẫn về nguyên nhân, hậu quả.

Bẫy thông tin Biển Đông của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tiêm kích F-35 do Mỹ chế tạo cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân hoàng gia Anh. Con tàu dự kiến sẽ tới châu Á trong tháng 5-2021 

Cách loan tin và bình luận của phía Trung quốc, từ của “Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông” (SCSPI) cho tới các tờ báo như Hoàn Cầu Thời báo, Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP)… trong thời gian gần đây có dàn bài chung như sau: 1- Tình hình đang yên ổn. 2- Tàu và máy bay Mỹ và các nước châu Âu đến, tới lui, áp sát… khiến tình hình khu vực bất ổn.

Tung tin giả

Chẳng hạn, một bài của SCMP đăng ngày 27-2 với nhan đề “Biển Đông: Cách Hải quân Mỹ nhắm tốt hơn các mục tiêu” đã dễ dàng “xào nấu” một cuộc tập trận chiến thuật thành “Chiến lược quân sự mới của Mỹ trên Biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc”.

Bài báo này thuật lại một cuộc tập trận của nhóm tàu sân bay Mỹ USS Eisenhower, rồi trích bình luận của một nhà nghiên cứu Trung Quốc tên Du Wenlong từ Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, sao chép vài ý kiến của vài sĩ quan hải quân Mỹ đăng trên trang tin Học viện hải quân Mỹ (USNI News) ngày 17-2, “xào nấu” lại, thêm những “gia vị nóng” như: “Quân đội Mỹ đặt mục tiêu sử dụng binh lính trên bộ để giúp các hạm đội đa quốc gia dẫn đường chính xác hơn cho tên lửa ở tầm xa hơn, một cách tiếp cận mà các nhà phân tích cho rằng có thể được sử dụng ở Biển Đông”.

Cái tựa đề “Biển Đông: Cách Hải quân Mỹ nhắm tốt hơn các mục tiêu” được “nặn ra” trong một bài báo về một cuộc tập trận không rõ đã diễn ra ở đâu, song chêm vài lần địa danh “Nam Hải” (Biển Đông), khiến người đọc đinh ninh rằng cuộc diễn tập này của tàu sân bay USS Eisenhower đã diễn ra trong Biển Đông, và đây là thủ phạm gây “nóng” tình hình.

Càng nóng hơn khi cho rằng cuộc tập trận này áp dụng tiêu chuẩn NATO và nhằm áp dụng trong Biển Đông “nhắm cho trúng mục tiêu” là Trung Quốc.

Sự thật ở đây là cuộc diễn tập này của tàu USS Eisenhower đã không hề diễn ra trong Biển Đông mà là trên Đại Tây Dương, sát bờ biển bang Florida, như có thể thấy trên bản đồ vị trí các tàu sân bay Mỹ hôm 18-2 của USNI. Việc Mỹ chọn khu vực ven Florida làm nơi diễn tập và thực tập chuẩn truyền tin của NATO, nếu có ai đó bực mình trước tiên, thì đó phải là Nga. Song, Nga đã không phản đối do khu vực này quá xa Nga, huống hồ là Biển Đông.

Kế đến, đây không phải là một bài tập chiến lược nào cả mà chỉ là một bài tập chiến thuật với hai chi tiết mới là: (1) huấn luyện biệt kích hải quân SEAL áp sát mục tiêu nhằm chỉ thị mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tấn công; (2) cuộc tập trận huy động hệ thống liên lạc của NATO, để cho phép Mỹ tương tác với các đồng minh.

Việc huấn luyện và sử dụng bộ binh để tiền sát, xác định mục tiêu, chỉ điểm tọa độ không kích đã có từ cả thế kỷ trước, trong các trận đấu pháo ở Verdun trong Thế chiến thứ nhất, qua Thế chiến thứ hai, chiến tranh Cao Ly… cho tới ngày nay ở Afghanistan. Nay huấn luyện cho biệt kích SEAL tiền sát và chỉ thị mục tiêu tấn công tên lửa không có gì mới lạ. Chẳng qua SCMP làm ầm ĩ khi ghép thêm địa danh Biển Đông để la làng rằng Mỹ lại tìm cách kiềm chế Trung Quốc.

Giả làm nạn nhân

Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc coi việc các nước di chuyển trên Biển Đông là kết bè với Mỹ, khiêu khích Trung Quốc và hoàn toàn phi pháp.

Để xác định đúng sai, phải dựa trên một khung luật pháp chung, mà cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Điều 87 của Công ước có nội dung các quốc gia dù có biển hay không có biển đều có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không.

Trung Quốc dựa trên tuyên bố đường chín đoạn (đường lưỡi bò) mà cấm các nước nay “bén mảng” tới Biển Đông, vốn bị phán quyết của Tòa trọng tài tháng 7-2016 bác bỏ.

Ngày 16-9-2020, sau một loạt nước trong khu vực và cả Mỹ, ba nước Đức, Anh, Pháp đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh rằng tuyên bố về việc Bắc Kinh thực thi “quyền lịch sử” đối với vùng Biển Đông là không tuân thủ luật quốc tế và các điều khoản của UNCLOS 1982.

Từ công hàm tới triển khai tàu vì lợi ích hàng hải, hàng không của mình, vì muốn thực thi luật pháp quốc tế là điều đương nhiên. Song, từ đó mà Trung Quốc cáo giác các nước châu Âu là liên minh với Mỹ để gây sự với Trung Quốc, chính là hóa phép biến nguyên nhân “Trung Quốc o ép thiên hạ” thành hậu quả “Trung Quốc bị các nước kết bè o ép”.

Châu Âu đang bảo vệ lợi ích hợp pháp ở Biển Đông

Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 1-3 khởi động cuộc tập trận kéo dài một tháng ở Biển Đông, bất kể Bắc Kinh cố gắng khẳng định tình hình Biển Đông “yên ổn”.

Dù không được đề cập cụ thể, thông tin tập trận của PLA lập tức được liên hệ với các hoạt động của tàu Mỹ và đồng minh như Canada và châu Âu ở Biển Đông gần đây. Các học giả về Biển Đông trao đổi với Tuổi Trẻ hầu hết nhận xét rằng phương Tây có những lợi ích hợp pháp và lý do chính đáng để hành động, đặc biệt là nhu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Theo GS Carl Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc), các nước châu Âu hay Canada đều nhất trí hoặc có nhận định riêng rằng hành động bắt nạt, dọa dẫm và thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang đe dọa lợi ích của họ đối với một khu vực biển hòa bình và ổn định.

Luận về quan điểm “quốc tế hóa” Biển Đông, PGS.TS Vũ Thanh Ca (khoa môi trường Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội) khẳng định việc nhận thức Biển Đông là một vấn đề, một không gian quốc tế là cực kỳ quan trọng, vì nó cho thấy rằng hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông chỉ là thực hiện các quyền hợp pháp của mình và ngăn chặn sự chiếm đóng trái pháp luật của Trung Quốc đối với Biển Đông.

“Như vậy, có thể thấy rất rõ rằng phe phi nghĩa là Trung Quốc, còn phe chính nghĩa là các nước khác. Điều này giúp tạo sức mạnh cho cộng đồng quốc tế đoàn kết bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp của mình trên Biển Đông” – ông nói với Tuổi Trẻ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : biển Đôngchâu Âutiêm kíchtrung quocUSS Eisenhower

Các tin liên quan đến bài viết