Những người hỏi mua liên tục “đẩy” giá 120, 130 rồi 140 triệu đồng/sào khiến cả tháng nay nhiều nông dân ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên rủ nhau bán ruộng.
Trưa 21-3, thấy tôi vừa dừng xe bên hương lộ 21 đoạn qua thôn Phước Khánh hỏi chuyện mua bán ruộng lúa, bà Nguyễn Thị Yến đang chăm sóc ruộng lúa cười hỏi: “Chú cũng hỏi mua ruộng hả? Phía dưới đường kia, chỗ của đội 1, người ta bán hết rồi. Còn bên trên đường này mấy bữa nay người ta cũng hỏi dữ lắm. Nhà tui có 4 sào, người ta hỏi mua giá 140 triệu đồng mà tui chưa bán” – bà Yến nói.
Giá tăng liên tục
Đi sâu vào thôn Phước Khánh, câu chuyện của nhiều người nông dân ở đây vẫn là chuyện bán ruộng. Ông Nguyễn Chiến, một người dân, nói: “Khoảng 1 tháng nay, có 2-3 ông chạy xe máy rảo khắp thôn hỏi mua ruộng. Ruộng nào trúng quy hoạch đường thì mấy ổng không mua, chỉ mua phần ruộng từ phía nam thôn Phước Khánh này vô giáp với xã Hòa An, gần quốc lộ 25 thôi, nghe nói khu ấy quy hoạch khu đô thị. Giá ban đầu mua 120 triệu đồng/sào, nay lên 140 triệu đồng/sào rồi”.
Một người đàn ông lớn tuổi đang bàn chuyện với ông Chiến cho hay dân trong xóm nhiều người đã bán ruộng lấy tiền xây nhà. Bà T.T.L. thừa nhận gia đình chỉ có 1 sào ruộng, mấy ngày trước đã viết giấy tay bán cho người khác với giá 120 triệu đồng. “Ai cũng nói là họ bán ruộng rồi, nên thôi tôi cũng bán cho rồi” – bà L. nói.
Từ số điện thoại người dân cung cấp, chúng tôi gọi cho ông T., được cho là người đi mua ruộng của dân. Ông này không nói mua ruộng để làm gì, nhưng nói nếu chúng tôi định bán ruộng lúa ở Phước Khánh, ông mua giá 130-140 triệu đồng/sào. Ông T. nói trước tiên phải làm thủ tục gia hạn đất trồng lúa thêm nhiều năm, chủ ruộng vẫn đứng tên sổ mới, sau đó mới làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ruộng lúa này cho phía ông.
“Làm gia hạn sổ, bên em đưa anh 10 triệu, anh bỏ vô thêm 5 triệu nữa để làm. Nếu chủ ruộng bận không đi được thì đưa anh 1 triệu anh cho trà nước anh em, rồi khi xong thủ tục anh kêu ra ký là được” – ông T. nói.
Chính quyền “đang nắm chắc vụ việc”
Trao đổi với ông Trần Quốc Hùng – phó chủ tịch UBND xã Hòa Trị, ông Hùng cho biết chính quyền đã nghe, biết việc một số nông dân ở thôn Phước Khánh bán ruộng. “Xã cũng biết qua dư luận. Nhưng từ đầu năm đến giờ UBND xã chưa nhận được hồ sơ giấy tờ gì liên quan chuyển nhượng đất hai vụ lúa. Có nhiều vấn đề, một số nông dân không mặn mà với việc làm ruộng nên bán; thứ hai là sau khi tỉnh có các quy hoạch làm đường Trần Phú nối dài, làm khu dân cư phía bắc quốc lộ 25 nên nhiều người đi mua ruộng nằm trong vùng quy hoạch này.
Xã đã nắm bắt tình hình, rồi sẽ có hướng tuyên truyền vận động người dân để bảo đảm quyền sử dụng đất chứ xảy ra mua bán không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng quyền sử dụng đất của bà con” – ông Hùng nói.
Ông Lê Ngọc Tính – bí thư Huyện ủy Phú Hòa – nói khi Nhà nước giao quyền sử dụng đất ruộng lúa nước cho người dân, luật cho phép họ có quyền mua bán, chuyển nhượng, thế chấp và tặng cho nên chính quyền, cơ quan chức năng khó can thiệp sâu.
“Nhưng chúng tôi đã khuyến cáo rằng các dự án mà tỉnh đang triển khai, khi Nhà nước thu hồi đất sẽ đền bù theo quy định pháp luật. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo nắm chắc tình hình mua bán ruộng lúa nước này xem có những bất thường gì không, vì không loại trừ việc thổi giá rồi dẫn đến nhiều hệ lụy về sau, trước gây mất an ninh trật tự, sau vướng các vấn đề pháp lý đối với chủ ruộng. Theo báo cáo sơ bộ, chỉ một số hộ bán chứ không nhiều” – ông Tính nói.
Ai được mua bán đất ruộng?
Theo luật sư Nguyễn Tường Linh (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa), việc mua bán đất ruộng lúa được pháp luật về đất đai quy định chặt chẽ. Chỉ những người ở địa phương, trực tiếp canh tác ruộng lúa mới được chuyển nhượng đất ruộng lúa của người ở địa phương đó. “Nếu chính quyền không quản lý chặt việc mua bán ruộng lúa này thì nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa người mua và người bán về sau rất cao” – ông Linh nói.
Cảnh báo hệ lụy của vòng xoáy tăng giá đất
Nhân viên một công ty địa ốc tư vấn bán đất nền trên đường Nguyễn Văn Khạ, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa có văn bản chỉ rõ 4 nguyên nhân tăng giá đất thời gian qua. Đó là, khung giá đất hai tháng đầu năm 2021 được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng từ 15-20% so với 5 năm trước. Việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung chưa có tín hiệu khả quan, nguồn cung thị trường vẫn thiếu.
Nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất cũng tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh. Lãi suất ngân hàng giảm sâu… Theo Hội Môi giới bất động sản VN, đang xuất hiện nhiều hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Đính – tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản VN – cho biết giá đất đang sôi sục khắp nơi, tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất.
Ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng.
Bên cạnh đó, hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như đất rừng, đất ruộng, vườn… xuất hiện thường xuyên.
Hệ quả của việc tăng giá đất nóng, sốt, theo ông Nguyễn Văn Đính, sẽ hút nguồn lực của xã hội vào vòng xoáy tăng giá đất đai; làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực; kéo hàng loạt chi phí khác tăng theo; khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ; ảnh hưởng sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Hội Môi giới bất động sản VN kiến nghị chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát hoạt động sử dụng đất đai, giao dịch đất đai. Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất. Đồng thời, các địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn…
Nguồn: tuoitre.vn