Bộ Y tế Palestine thông báo, nước này vừa bắt đầu chiến dịch chủng ngừa Covid-19 đại trà cho người dân trên toàn lãnh thổ, khu Bờ Tây và Dải Gaza. 

Theo Sputnik, các nhân viên y tế, người từ 75 tuổi trở lên cũng như các bệnh nhân ung thư hoặc mắc bệnh thận thuộc nhóm các đối tượng được tiêm phòng đầu tiên vào ngày 21/3.

Palestine khởi động tiêm chủng toàn quốc, thế giới hơn 80,6% khỏi Covid-19
Nhân viên y tế đang tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên cho Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, 85 tuổi. 

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, 85 tuổi đã nhận phát tiêm vắc-xin đầu tiên ngay trong ngày mở màn chiến dịch chủng ngừa toàn quốc.

Động thái diễn ra chỉ vài ngày sau khi khoảng 60.000 liều vắc-xin Pfizer/BioNTech và AstraZeneca được chuyển đến khu Bờ Tây đang bị Israel chiếm đóng, thông qua chương trình Covax do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) bảo trợ.

Palestine đang đối mặt với sự gia tăng các ca nhiễm mới trong vài tuần trở lại đây, khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Tor Wennesland, phái viên Liên Hợp Quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông nhấn mạnh, chiến dịch chủng ngừa là một bước rất quan trọng, sẽ giúp Palestine ngăn chặn sự sụp đổi của hệ thống y tế quốc gia trước sự hoành hành của virus corona chủng mới.

Cuba thử nghiệm vắc-xin tự chế

Hãng tin Reuters dẫn thông cáo mới của nhà chức trách Cuba cho hay, 150.000 nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được tiêm thử nghiệm Soberana 2, vắc-xin ngừa Covid-19 do nước này tự chế trong ngày 22/3. Hoạt động là một phần trong quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin giai đoạn cuối.

Suốt 3 tuần qua, ước tính Cuba đã dùng Soberana 2 để chủng ngừa cho 44.000 tình nguyện viên.

Bộ trưởng ngoại thương và đầu tư Cuba Rodrigo Malmierca nhấn mạnh, cho đến nay, các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy loại vắc-xin nói trên an toàn và hiệu quả trong phòng ngừa mầm bệnh nguy hiểm.

Trong vòng 24 giờ qua, Cuba ghi nhận thêm 796 ca nhiễm và 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 66.758 người, bao gồm cả 394 bệnh nhân không qua khỏi.

Hy Lạp chấm dứt lệnh cấm bay với một số nước

Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Hy Lạp ngày 21/3 thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với những chuyến bay xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ, Albania và Bắc Macedonia. Song, mọi hành khách từ nước ngoài nhập cảnh vào nước này sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới và sau đó tự cách ly 7 ngày.

Nhà chức trách địa phương yêu cầu, mọi du khách đến từ Anh và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) phải làm xét nghiệm nhanh khi đặt chân đến Hy Lạp. Những người này sẽ phải xét nghiệm kiểm dịch lần nữa sau khi hoàn thành thời gian tự cách ly.

Campuchia đóng cửa trường học toàn quốc

Do diễn biến dịch phức tạp, Chính phủ Campuchia đã quyết định đóng cửa tạm thời toàn bộ các trường học, rạp hát, trung tâm chiếu phim và bảo tàng trên toàn quốc để ngăn chặn đà lây lan của virus.

Riêng tại tỉnh Siem Reap, chính quyền địa phương đã cho tạm dừng mọi hoạt động giao thông ở phường Kork Chak vì tình hình lây nhiễm Covid-19 rất đáng lo ngại.

Tính đến sáng 22/3, Campuchia ghi nhận 1.690 ca mắc, trong đó 3 trường hợp đã tử vong.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

– Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 22/3 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 123,8 triệu người với trên 2,7 triệu ca tử vong. Song, hơn 99,7 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỉ lệ khỏi bệnh xấp xỉ 80,6%.

– Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 30,5 triệu ca mắc và 555.296 người thiệt mạng. Tuy nhiên, cuộc chiến chống virus của nước này đang đạt tiến triển tích cực, với số ca nhiễm mới trong ngày hiện trung bình là 50.000 ca, giảm mạnh so với mức đỉnh điểm hơn 200.000 ca ngày 8/1. Chính phủ liên bang đang nỗ lực đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc-xin đại trà cho người dân với hy vọng xứ sở cờ hoa có thể gần thoát khỏi đại dịch vào ngày quốc khánh 4/7 như mục tiêu của Tổng thống Joe Biden.

– Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất kéo dài lệnh phong tỏa chống dịch ở nước này đến tận tháng 4, trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở nước này đã tăng đến mức nghiêm trọng, đe dọa các bệnh viện đang quá tải vì bệnh nhân dương tính với virus. Bà Merkel dự kiến công bố dự thảo đề xuất này trong cuộc họp video trực tuyến với các lãnh đạo vùng và quan chức chính phủ liên bang về cách ứng phó với dịch trong đợt tiếp theo.

– Theo Bộ Y tế Nam Phi, nước này vừa bán lại cho các nước thuộc Liên minh châu Phi (AU) mọi liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã mua của AstraZeneca. Nam Phi đã dừng sử dụng loại vắc-xin này cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia do những lo ngại về hiệu quả của chế phẩm trong việc phòng ngừa biến thể virus corona được phát hiện đầu tiên ở nước này. Nhà chức trách đã dùng vắc-xin đơn liều của hãng dược Mỹ Johnson & Johnson để thay thế.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19cubaHy LạpPalestinevắc xin

Các tin liên quan đến bài viết