Bắc Kinh yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar phải hành động khẩn sau khi hàng chục nhà máy của Trung Quốc ở Hlaingthaya bị những người biểu tình chống chính biến đốt phá.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các đường phố của Hlaingthaya nổi tiếng là thách thức và không mấy thân thiện. Thị trấn ở rìa phía tây của thủ đô cũ Yangon là một trong những thị trấn lớn nhất và đông dân nhất cả nước, với diện tích 67km2 và gần 700.000 cư dân.
Gần một nửa cư dân của của Hlaingthaya đang làm việc trong khoảng 850 nhà máy ở địa phương. Nhiều người trong số họ là lao động nhập cư đến từ vùng nông thôn, tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo đói nhưng rốt cuộc thấy cuộc sống ở thành phố cũng có những nguy hiểm riêng.
Một nhà máy của Trung Quốc ở thị trấn Hlaingthaya, ngoại ô Yangon, Myanmar bị phóng hỏa hôm 14/3. |
Hàng loạt vụ tấn công bạo lực
Trước đây, những công nhân này đã mô tả Hlaingthaya như thị trấn đáng sợ, nằm ngoài tầm kiểm soát của cảnh sát, nơi thường xảy ra các vụ phạm tội bạo lực như hiếp dâm và cướp bằng dao. Trong 9 tháng đầu năm 2019, gần 1/5 trong tổng số 116 vụ giết người xảy ra tại Yangon là ở Hlaingthaya.
Tuy nhiên, ngay cả đối với Hlaingthaya, những sự kiện xảy ra trong vài ngày qua vẫn gây sốc. Hôm 14/3, hơn 20 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh đụng độ với những người biểu tình chống đảo chính. Tại Shwepyithar, một thị trấn khác thuộc Yangon, thêm 6 người biểu tình thiệt mạng, nâng tổng số dân thường tử nạn kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức thuộc đảng của bà hôm 1/2.
Sau những vụ chết người nói trên, các đám đông giận dữ mang theo thanh sắt, rìu và xăng đã phóng hỏa 32 nhà máy của chủ đầu tư Trung Quốc ở hai thị trấn, gây thiệt hại 37 triệu USD và làm bị thương 2 nhân viên, theo tờ Thời báo Hoàn cầu của đại lục.
Các vụ tấn công cùng với sức ép từ Đại sứ quán Trung Quốc đã buộc quân đội Myanmar (còn gọi là Tatmadaw) phải áp thiết quân luật tại Hlaingthaya và Shwepyithar ngay tối 14/3. Song, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn sợ hãi và cho biết họ có thể phải tự vũ trang để bảo vệ mình.
Đáng chú ý, bạo lực có dấu hiệu lan rộng ra ngoài các nhà máy. Nhiều thông tin lan truyền trên mạng xã hội hôm 15/3 cho hay, một khách sạn do người Trung Quốc làm chủ và một số nhà hàng ở Hlaingthaya cũng bị đập phá.
Một bác sĩ giấu tên tố cáo, sau các vụ tập kích nhà máy, lực lượng an ninh đã bắn chết ít nhất 42 người. Trong khi truyền thông địa phương và các nhân chứng kể, thêm 12 người đã thiệt mạng khi tham gia các cuộc biểu tình chống chính biến trên toàn quốc hôm 15/3.
Hàng hóa Trung Quốc bị tẩy chay
Nhiều người biểu tình đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc không dùng những lời lẽ chỉ trích và các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào Tatmadaw. Xu hướng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc sôi sục trong những tuần gần đây. Những người biểu tình cũng tập trung đông đảo bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc để yêu cầu Bắc Kinh lên án chính biến.
Trong số các mục tiêu của đợt tẩy chay lần này là trái cây Trung Quốc nhập khẩu và điện thoại di động do tập đoàn công nghệ Huawei sản xuất. Trong đó, những người biểu tình cáo buộc các sản phẩm của Huawei đã hỗ trợ Tatmadaw thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Ngay cả các trò chơi điện tử dành cho điện thoại di động do các công ty Trung Quốc phát triển cũng bị tẩy chay. Hàng nghìn người dùng đã xóa các tựa game ăn khách Liên minh huyền thoại của Moonton cũng như PUBG MOBILE của Tencent. Các ứng dụng như TikTok cũng bị gỡ bỏ.
Trên mạng xã hội đã xuất hiện những lời kêu gọi phản đối một đường ống dẫn khí đốt của Trung Quốc dự kiến chạy qua lãnh thổ Myanmar, nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương.
Một số chuyên gia nhận định, những điều này đã thổi bùng bạo lực. Công chúng Myanmar đã từ chối các khoản đầu tư trước đây của Trung Quốc, với những nghi ngờ dai dẳng về mục tiêu cũng như các điều kiện của Bắc Kinh khi thuê công nhân địa phương làm việc trong các nhà máy Trung Quốc.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Bắc Kinh coi Myanmar là đối tác quan trọng trong các tham vọng chiến lược đối với châu Á cũng như sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, các dự án do Trung Quốc tài trợ, ví dụ như đập Myitsone trên sông Mekong từ lâu đã vấp phải sự phản đối của người dân ở quốc gia Đông Nam Á.
Những người chỉ trích cho rằng, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar là nhằm theo đuổi những mục tiêu địa chính trị của riêng Bắc Kinh và không nhằm mang lại lợi ích cho người lao động bình thường ở những khu vực như Hlaingthaya, nơi công nhân trong các nhà máy may mặc của chủ Trung Quốc chỉ được trả thù lao khoảng 5.000 kyat (3,5 USD)/ngày. Rất nhiều công nhân không thể mua được nhà riêng và rủ 2 – 3 người cùng thuê chung một phòng trọ nhỏ với giá 50.000 kyat (35USD) mỗi tháng
Hôm 14/3, một tuyên bố đăng tải trên Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar về những nỗ lực bảo vệ các doanh nghiệp đại lục đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng ở quốc gia Đông Nam Á này, với hơn 52.000 bình luận.
Nguồn: vietnamnet