Những năm qua, Trường tiểu học Phước Tín B (Phước Long) đã từng bước vượt khó, tận dụng mọi nguồn lực, nhất là vốn xã hội hóa để cải thiện cơ sở vật chất. Các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của phụ huynh, học sinh, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tích cực, nâng cao chất lượng dạy và học ở ngôi trường còn nhiều khó khăn này.

GẮN KẾT VỚI PHỤ HUYNH

Nhớ lại những ngày đầu trường mới đi vào hoạt động, thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng trường cho biết: “Được thành lập năm 1996, do thiếu kinh phí nên cơ sở vật chất ban đầu của trường chỉ là 6 phòng học vách gỗ dựng tạm trên nền đất. Ngày ấy, học sinh phải ngồi viết bài trên những chiếc bàn gỗ cũ, gồ ghề, còn giáo viên dạy chay vì thiếu đồ dùng dạy học. Thiếu thốn là vậy nhưng trường cũng không thể vận động đóng góp từ phụ huynh do đa phần các gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, được hưởng chính sách miễn, giảm học phí”.

Học sinh lớp 2 Trường tiểu học Phước Tín B nghe giáo viên giảng bài

Trước những khó khăn đó, trường xác định nâng cao chất lượng cơ sở vật chất là quá trình lâu dài với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Thời gian qua, ngoài tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của xã và ngành giáo dục, trường còn huy động sự đóng góp tự nguyện từ phụ huynh và nhà hảo tâm để xây dựng cổng, tường rào. Thầy Thanh cho hay: “Trường quan tâm gắn kết mối quan hệ với phụ huynh thông qua Hội cha mẹ học sinh. Nhờ uy tín cá nhân và nỗ lực của hội trưởng, trường đã huy động được vốn xây các công trình phụ và mua sắm đồ dùng dạy học, mở rộng số đầu sách, báo trong thư viện. Trong đó, giá trị nhất là công trình sân chơi trị giá hơn 90 triệu đồng”.

Năm 2016, từ vốn xã hội hóa do phụ huynh đóng góp và vốn xây dựng nông thôn mới tại xã, trường đã xây mới 4 phòng học khang trang. Các công trình nhà hiệu bộ, nhà chức năng cũng được lập kế hoạch xây mới hoặc tận dụng phòng dư. Nhờ đó đáp ứng được lịch học 2 buổi/ngày của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

HỌC MÀ CHƠI

Trường hiện có 247 học sinh chủ yếu ở 2 thôn Hưng Lập và Bàu Nghé, trong đó 20 em là đồng bào dân tộc thiểu số có kiến thức nền tảng yếu. Với mục tiêu không để học sinh hổng kiến thức và “ngồi nhầm” lớp, đầu mỗi năm học, trường đều thống kê, chỉ đạo giáo viên chuyên môn tăng cường dạy tiếng Việt cho các em, đồng thời tạo điều kiện tham gia đội, nhóm, giúp các em hòa nhập môi trường học đường. Những học sinh tiếp thu kiến thức chậm được giáo viên dạy ngoài giờ, ôn tập để không mất kiến thức căn bản. Giáo viên trong trường còn tổ chức nhiều tiết dự giờ, xây dựng chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn và rút kinh nghiệm định kỳ 2 lần/tháng. Riêng giáo viên dạy Anh văn thường xuyên đi dự giờ ở các trường khác, tham gia tập huấn để nâng cao nghiệp vụ, nhân rộng cách giảng dạy hay.

Trường còn tập trung nâng cao chất lượng đào tạo kết hợp tham gia các hội thi lớn của ngành giáo dục, như: “Giao lưu tiếng Việt”, “Hội khỏe Phù Đổng”, “Chỉ huy đội giỏi” và nhiều cuộc thi sáng tạo. Thầy Nguyễn Lâm Trường, Tổng phụ trách Đội cho biết: Tham gia các cuộc thi giúp học sinh giải tỏa căng thẳng, cân đối giữa học và chơi, phát huy năng khiếu của từng em. Nỗ lực tập luyện của thầy, trò đã được đền đáp bằng những giải thưởng tại nhiều cuộc thi và chất lượng đào tạo cải thiện rõ nét. Năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98,8%, trong đó 24,4% em đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện; 100% học sinh khối 5 tốt nghiệp và hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học.

Nguồn  Báo Bình Phước

Từ khóa : 24hbinhphuoc.com.vnkinh nghiệm giảng dạytrường tiểu học

Các tin liên quan đến bài viết